15:07 18/09/2024

Bão lũ dồn dập khiến du lịch châu Á điêu đứng

Tường Bách

Theo Đài Euro News, dù có sức tàn phá dữ dội, siêu bão Yagi mới chỉ là cơn bão nhiệt đới mạnh thứ hai trong năm 2024. Xếp thứ nhất là siêu bão Beryl - cơn bão càn quét khắp châu Mỹ hồi đầu tháng 7…

Ảnh: NBC News
Ảnh: NBC News

Hai cơn bão trên, cùng loạt siêu bão có sức tàn phá cao trên toàn thế giới trong năm 2023, cho thấy các hình thái thời tiết cực đoan đang ngày càng khắc nghiệt hơn. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) nhận định, thực chất số lượng bão nhiệt đới trên thế giới khó có thể tăng trong tương lai. Tuy nhiên, cường độ của chúng sẽ tăng lên mức cao nhất dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Hồi cuối tháng 7, ĐH Rowan (Mỹ), ĐH Nanyang (Singapore) và ĐH Pennsylvania (Mỹ) đã cùng công bố kết quả nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu lên cường độ bão ở Đông Nam Á. Dựa trên phân tích 64.000 mô hình bão trong quá khứ và tương lai, trải dài từ thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 21, nhóm phân tích nhận thấy các cơn bão nhiệt đới ở Đông Nam Á đang thay đổi theo một xu hướng: hình thành gần bờ hơn, tăng sức mạnh nhanh hơn và duy trì cường độ khi vào đất liền lâu hơn.

Điều này khiến nhiều đô thị ven biển của Đông Nam Á đối mặt rủi ro với bão lớn hơn, trong đó có Hải Phòng, Yangon và Bangkok. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), châu Á cũng là khu vực chịu tác động của các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan nhất thế giới trong năm 2023. Nhiệt độ trung bình bề mặt biển của cả châu Á năm 2023 ở mức cao thứ hai trong lịch sử, cao hơn 0,91 độ C so với giai đoạn 1991 - 2020 và 1,87 độ C so với giai đoạn 1961 - 1990.

Các cơn bão nhiệt đới ở Đông Nam Á hình thành gần bờ hơn, tăng sức mạnh nhanh hơn và duy trì cường độ khi vào đất liền lâu hơn. Ảnh: Euronews
Các cơn bão nhiệt đới ở Đông Nam Á hình thành gần bờ hơn, tăng sức mạnh nhanh hơn và duy trì cường độ khi vào đất liền lâu hơn. Ảnh: Euronews

Nhiệt độ khu vực mặt biển ở tây bắc Thái Bình Dương cao nhất lịch sử, trong khi cả Bắc Băng Dương cũng phải đối diện hiện tượng sóng nhiệt đại dương. Thậm chí, hiện tượng ấm lên tại tầng mặt của đại dương (từ 0 - 700m dưới mặt biển) cũng diễn ra nhanh gấp ba lần mức trung bình của thế giới tại khu vực tây bắc biển Arab, biển Philippines và các vùng biển phía bắc Nhật Bản.

Vừa qua, Yagi là cơn bão lớn nhất ở châu Á trong năm 2024, theo NBC News. Chỉ sau vài ngày, Yagi đạt trạng thái siêu bão, càn quét nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở các quốc gia châu Á. Đầu tiên, bão Yagi đổ bộ vào Philippines tối 1/9, gây ra lũ lụt và sạt lở đất tại nhiều khu vực trước khi rời nước này vào ngày 3/9. Theo truyền thông nước này, hàng nghìn hành khách bị mắc kẹt vào ngày 2/9. Tiếp đến, 34 chuyến bay nội địa bị hủy và du lịch đường biển ở một số cảng tại Philippines cũng bị hạn chế.

Theo ước tính ban đầu, quốc gia này thiệt hại về cơ sở hạ tầng khoảng 4 triệu USD, tổn thất trong lĩnh vực nông nghiệp là 77.000 USD. Sau khi rời khỏi Philippines, Yagi trở thành siêu bão vào ngày 4/9. Ngay sau đó, siêu bão đổ bộ thẳng tới tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) với sức gió lên tới 234km/h. Lúc này, siêu bão mạnh gấp đôi so với thời điểm đi qua Philippines.

Hải Nam vốn được mệnh danh là "Hawaii của Trung Quốc". Nơi đây tự hào với những bãi biển đầy cát, có khu vực lướt sóng, khu nghỉ dưỡng năm sao và khu mua sắm xa xỉ miễn thuế. Nhằm đảm bảo an toàn trước khi siêu bão đổ bộ, chính quyền phải sơ tán khoảng 460.000 người trên đảo, chủ yếu là khách du lịch và ngư dân. Toàn bộ mọi hoạt động du lịch, vui chơi giải trí tại đây phải tạm dừng bao gồm cả dịch vụ đường sắt cao tốc quanh đảo và đóng cửa sân bay.

Hải Nam vốn được mệnh danh là "Hawaii của Trung Quốc". Ảnh: The North West Star
Hải Nam vốn được mệnh danh là "Hawaii của Trung Quốc". Ảnh: The North West Star

Các đại lý du lịch cũng tuyên bố tạm dừng mọi tour đến hòn đảo này. Các khu thiên đường mua sắm miễn thuế nổi tiếng của hòn đảo đều đóng cửa. Tại sân bay quốc tế Mỹ Lan Hải Khẩu, 52 chuyến bay đã bị hủy và 5 chuyến bay bị hoãn khi cơn bão đổ bộ vào khu vực. Sân bay quốc tế Phượng Hoàng Tam Á có 28 chuyến bay bị hủy và 3 chuyến bị hoãn. Rất nhiều du khách buộc phải kéo dài thời gian lưu trú trong thời gian bão đổ bộ và được chính quyền địa phương hỗ trợ.

Khi suy yếu tại Trung Quốc, siêu bão tiếp tục hướng thẳng tới Việt Nam, khiến ngành du lịch của nhiều tỉnh thành miền bắc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau khi bão tan, nhiều tỉnh ở khu vực miền núi phía bắc tiếp tục chịu hoàn lưu bão gây ra tình trạng mưa lớn, sạt lở đất rất nặng nề. Những thiệt hại về cơ sở lưu trú, hạ tầng du lịch tại các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái… phải cần khoảng thời gian từ một năm tới nhiều năm mới có thể khôi phục lại được.

Tại Thái Lan, hoàn lưu sau bão Yagi gây cảnh ngập lụt nghiêm trọng tại 48 tỉnh, thành, bao gồm các điểm du lịch nổi tiếng như Chiang Rai, Chiang Mai, Phangnga, Phuket... và thủ đô Bangkok, theo Bangkok Post. Còn tại Lào, từ ngày 9/9, khu vực tỉnh Luang Namtha cũng xảy ra tình trạng lũ lụt nghiêm trọng do hoàn lưu bão Yagi. Theo hãng thông tấn địa phương The Laotian Times, sân bay địa phương đã tạm thời đóng cửa do mực nước dâng cao, nhiều ngôi nhà đã bị hư hại nghiêm trọng, các chuyến bay giữa Viêng Chăn và Luang Namtha bị hoãn/hủy...

Yagi là cơn bão lớn nhất ở châu Á trong năm 2024. Ảnh: NBC News
Yagi là cơn bão lớn nhất ở châu Á trong năm 2024. Ảnh: NBC News

Ngay sau siêu bão Yagi, bão Bebinca, cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Thượng Hải (Trung Quốc) kể từ năm 1949, đã gây thiệt hại lớn khi đổ bộ trực tiếp sáng 16/9. Theo Reuters, các chuyến bay, phà và dịch vụ tàu hỏa ở Thượng Hải và các tỉnh lân cận đã bị đình chỉ trong bão Bebinca, làm gián đoạn việc đi lại trong suốt 3 ngày Tết Trung thu của Trung Quốc.

Do ảnh hưởng của bão Bebinca, các sân bay của Thượng Hải hủy hơn 1.400 chuyến bay bắt đầu từ 15 đến hết 16/9. Ga xe lửa Thượng Hải cũng đình chỉ các chuyến tàu chở khách trên một số tuyến đường đi qua thành phố. Disneyland Thượng Hải, Disneytown, Công viên chủ đề Wishing Star, Công viên giải trí Jinjiang và Công viên động vật hoang dã Thượng Hải phải đóng cửa đến hết 16/9. Đại diện Disneyland Thượng Hải cho biết 2 khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp trong khu du lịch chỉ có thể quay trở lại hoạt động từ ngày 17/9.

Tại Hàng Châu, cách Thượng Hải khoảng 170km về phía tây nam, chính quyền thành phố cũng đã hủy hơn 180 chuyến bay. Bão suy yếu khi di chuyển vào đất liền, gây ngập lụt một số khu vực của các tỉnh Giang Tô, An Huy và Chiết Giang. Trong khi đó, một cơn bão khác được đặt tên là Pulasan và là cơn bão số 14 đối với Trung Quốc trong năm nay đã hình thành ở Tây Bắc Thái Bình Dương đêm 15/9. Cục Khí tượng Trung Quốc dự báo bão sẽ mạnh dần lên khi di chuyển về phía biển Hoa Đông.

Ngay sau siêu bão Yagi, bão Bebinca là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Thượng Hải (Trung Quốc) kể từ năm 1949. Ảnh: Soccial News XYZ
Ngay sau siêu bão Yagi, bão Bebinca là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Thượng Hải (Trung Quốc) kể từ năm 1949. Ảnh: Soccial News XYZ

Ngoài ra, sáng 17/9, Cục Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) cho biết áp thấp phía đông Aurora đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới Gener, với sức gió gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh 55 km/giờ giật 70 km/giờ. Dự báo có 24 địa phương ở Philippines sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới Gener (có khả năng mạnh lên thành bão trong vài ngày tới).

Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA Centre) khuyến cáo người dân nên truy cập các nguồn tin chính thống để có được thông tin đúng, chuẩn về diễn biến thời tiết. Người dân và du khách người dân cũng có thể truy cập thông tin cảnh báo sớm về điều kiện thời tiết và khí hậu thông qua các Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia (NHMS) của các nước thành viên ASEAN, chẳng hạn như: Cục Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA); Cục Khí tượng Thái Lan (TMD); Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Việt Nam...