17:18 11/04/2018

Bị láng giềng cô lập, kinh tế Qatar vẫn tăng trưởng tốt

Diệp Vũ

Qatar gần như đã hồi phục hoàn toàn kể từ khi bị các nước Arab láng giềng cô lập vào tháng 6 năm ngoái

Thủ đô Doha của Qatar - Ảnh: AP.
Thủ đô Doha của Qatar - Ảnh: AP.

Nền kinh tế của Qatar, quốc gia xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 2,6% trong năm nay và tăng gần 3% trong năm 2019.

Theo hãng tin Reuters, quốc gia vùng Vịnh này đến nay gần như đã hồi phục hoàn toàn kể từ khi bị các nước Arab láng giềng cô lập vào tháng 6 năm ngoái. Một lần nữa, Qatar lại là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ nhất khu vực.

Sau khi bị Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập cắt quan hệ ngoại giao và giao thương, Qatar nhanh chóng đưa ra được những biện pháp để bảo về nền kinh tế của mình.

Lý do mà 4 quốc gia láng giềng đưa ra để trừng phạt Qatar là cho rằng nước này tài trợ chủ nghĩa khủng bố - một cáo buộc mà Doha phủ nhận. Đến nay, quan hệ giữa Qatar với "bộ tứ" trên vẫn chưa được lập lại.

Cuộc tẩy chay đã gây gián đoạn nhập khẩu hàng hóa vào Qatar, đồng thời khiến hàng tỷ USD tiền gửi bị rút khỏi các ngân hàng nước này. Tuy nhiên, Qatar đã mở các tuyến thương mại mới, chuyển tiền từ quỹ quốc gia vào các ngân hàng, và hỗ trợ các công ty trong nước tăng sản lượng những mặt hàng thiết yếu.

"Chúng tôi vẫn ổn và chắc chắn là tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng tôi sẽ vượt mức trung bình của khu vực", Bộ trưởng Bộ Tài chính Qatar, ông Ali Sherif al-Emadi, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn Reuters. Ông al-Emadi dự báo khu vực kinh tế tư nhân của Qatar sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay.

Vị Bộ trưởng cũng cho biết Qatar đang chi mạnh để đẩy nhanh việc chuẩn bị cho Cúp bóng đá Thế giới (World Cup) 2022. Việc đăng cai sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh là phần trung tâm trong chiến lược của Doha nhằm quảng bá hình ảnh của mình trên trường quốc tế. Theo dự kiến, đến năm 2019, Qatar sẽ hoàn tất 90% cơ sở hạ tầng cho World Cup.

Hiện Qatar đang chuẩn bị có đợt phát hành trái phiếu quốc tế đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng ngoại giao nổ ra. Chính phủ nước này sẽ có cuộc gặp với các nhà đầu tư từ Anh và Mỹ vào các ngày từ 9-11/4 trước khi phát hành trái phiếu với kỳ hạn 5, 10 và 30 năm bằng USD.

Ông al-Emadi nói việc Qatar bị cô lập không hề làm suy giảm sự ưa thích của các nhà đầu tư đối với trái phiếu do nước này phát hành. "Chúng tôi chưa hề nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào trong hành vi của các định chế tài chính đối với chúng tôi. Mọi việc vẫn diễn ra bình thường", ông nói.

Cũng liên quan đến tình hình Qatar, hãng tin AP cho biết Saudi Arabia đang xem xét một đề xuất đào một con kênh biển dọc theo biên giới của nước này với Qatar. Một con kênh như vậy sẽ biến Qatar từ một bán đảo thành một hòn đảo.

Song song với kế hoạch đào kênh trên, Saudi Arabia dự kiến mở một bãi rác hạt nhân gần biên giới với Qatar. Chưa kể, UAE cũng dự định mở một bãi rác hạt nhân ngay sát biên giới với Qatar.

Kế hoạch này chưa được phê chuẩn chính thức và vấp phải nhiều sự phản đối. Tuy nhiên, đây là một tín hiệu cho thấy mức đáy mới trong cuộc khủng hoảng ngoại giao đã kéo dài 10 tháng ở vùng Vịnh.