16:35 24/09/2021

Bộ Tài chính muốn "nhẹ tay "đánh giá xếp loại doanh nghiệp

Trâm Anh

Một số tiêu chí đánh giá, xếp loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và người quản lý được sửa đổi theo hướng "nương tay" hơn. Riêng đối với các hành vi vi phạm thủ tục thuế sẽ không được xem xét để đánh giá xếp loại doanh nghiệp...

Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước vi phạm thủ tục thuế không được đánh giá xếp loại.
Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước vi phạm thủ tục thuế không được đánh giá xếp loại.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 77/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 200/2015/TT-BTC ngày 15/12/2015 hướng dẫn một số nội dung về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Thông tư số 77/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ 3/11/2021 và áp dụng từ năm tài chính 2021.

So với Thông tư 200 trước đây, Thông tư số 77 có những quy định chấm “nhẹ tay” hơn đối với xếp hạng cả 3 loại doanh nghiệp A, B, C. Riêng đối với các hành vi vi phạm thủ tục thuế sẽ không được xem xét để đánh giá xếp loại doanh nghiệp.

Doanh nghiệp xếp loại A khi đáp ứng 2 điều kiện.

Một là, trong năm đánh giá, xếp loại không bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế đối với nhóm hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu và nhóm hành vi trốn thuế.

Hai là, không bị hoặc bị cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan tài chính nhắc nhở bằng văn bản 1 lần về việc nộp báo cáo để thực hiện giám sát tài chính, báo cáo xếp loại doanh nghiệp, báo cáo tài chính không đúng quy định, không đúng thời hạn. So với quy định trước đây tại Thông tư 200, chỉ doanh nghiệp không vi phạm quy định lần nào mới được xếp loại A. 

Doanh nghiệp xếp loại B nếu trong năm đánh giá xếp loại bị cơ quan thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế do có 1 hành vi vi phạm thuộc nhóm hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu. 

Hoặc bị cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan tài chính nhắc nhở bằng văn bản 2 lần về việc nộp báo cáo để thực hiện giám sát tài chính, báo cáo xếp loại doanh nghiệp, báo cáo tài chính không đúng quy định, không đúng thời hạn.

Doanh nghiệp bị đánh giá xếp loại C nếu vi phạm trong năm bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế do có từ 2 hành vi vi phạm khác nhau trở lên thuộc nhóm hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu; doanh nghiệp có hành vi trốn thuế theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính thuế, hóa đơn.

Bị cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan tài chính nhắc nhở bằng văn bản từ 3 lần trở lên về việc nộp báo cáo để thực hiện giám sát tài chính báo cáo xếp loại doanh nghiệp, báo cáo tài chính không đúng quy định, không đúng thời hạn.

Hoặc người quản lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ của doanh nghiệp được đánh giá xếp loại thuộc một trong những lĩnh vực tại Điểm a Điều 12 của thông tư theo công bố, kết luận của cơ quan chức năng. Việc đánh giá xếp loại doanh nghiệp chỉ tính 1 lần đối với cùng một vụ việc sai phạm của người quản lý doanh nghiệp.

Ngoài ra, Thông tư số 77/2021/TT-BTC cũng sửa đổi quy định về phân loại doanh nghiệp để thực hiện đánh giá xếp loại doanh nghiệp. Cụ thể, cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ vào danh mục sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của Chính phủ về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên để phân loại doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp an ninh quốc phòng, cơ quan đại diện chủ sở hữu như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, quyết định phân loại cụ thể đối với từng doanh nghiệp.

Việc phân loại để thực hiện đánh giá xếp loại doanh nghiệp được cơ quan đại diện chủ sở hữu nêu cụ thể trong quyết định giao kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm cho từng doanh nghiệp...

 
Theo kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp năm 2019, số doanh nghiệp được xếp hạng A chiếm đa số.
Cụ thể, với các doanh nghiệp nhà nước thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, có 127/138 doanh nghiệp nhà nước được các cơ quan đại diện chủ sở hữu xếp loại doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 92,03%. Trong số này có 102 doanh nghiệp xếp loại A, chiếm 80,32% tổng số doanh nghiệp được xếp loại; 11 doanh nghiệp xếp loại B, chiếm 8,66%; 14 doanh nghiệp xếp loại C, chiếm 11,02%.
Với khối doanh nghiệp nhà nước thuộc các ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có 286/342 doanh nghiệp được cơ quan đại diện chủ sở hữu thẩm định xếp loại. Trong đó, 169 doanh nghiệp xếp loại A, 75 doanh nghiệp xếp loại B và 42 doanh nghiệp xếp loại C.