06:00 17/08/2021

Bao giờ doanh nghiệp nhà nước được thực quyền?

Khánh Vy

Trong khi rất nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn được như doanh nghiệp nhà nước thì rất nhiều “ông chủ” của doanh nghiệp nhà nước lại có nỗi khổ riêng khi chưa được thực quyền theo nguyên tắc thị trường…

Hoạt động quản trị của doanh nghiệp nhà nước cần có sự thay đổi về chất.
Hoạt động quản trị của doanh nghiệp nhà nước cần có sự thay đổi về chất.

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam cho rằng hoạt động quản trị của doanh nghiệp nhà nước cần có sự thay đổi về chất để thực thi quyền của chủ sở hữu tại doanh nghiệp có thực chất và có hiệu quả.

Thưa bà, câu chuyện thực quyền theo nguyên tắc thị trường ở các doanh nghiệp nhà nước hiện nay là như thế nào?

Theo quy định tại Luật số 69/2014/QH13 của Quốc hội về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước chính là Nhà nước, cụ thể hơn đó là các bộ ngành trung ương, UBND cấp tỉnh/thành phố, Ủy ban quản lý vốn, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Thực thi quyền của Chủ sở hữu tại doanh nghiệp là Người đại diện phần vốn tại doanh nghiệp.

Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam
Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam

Câu chuyện đặt ra là Người đại diện phần vốn tại doanh nghiệp (Người đại điện) thực thi quyền của chủ sở hữu tại doanh nghiệp như thế nào?

Thực tế hiện nay tại các doanh nghiệp nhà nước, người đại diện lại là người được doanh nghiệp bổ nhiệm và trả lương, cách thức không khác so với người đại diện (được thuê tuyển) tham gia vào hội đồng quản trị, hay Ban điều hành/Ban giám đốc. Họ chỉ khác nhau về chức năng và nhiệm vụ được giao. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến hiệu lực và hiệu quả công việc của Người đại điện và thường bị nhầm lẫn giữa người đại điện và thành viên Ban lãnh đạo doanh nghiệp, dẫn đến việc thực hiện quyền sở hữu thường bị xem nhẹ.

Hiện nay, Người đại diện thực thi quyền của Chủ sở hữu qua Quy chế Người đại diện. Quy chế này có vẻ như đang chưa phát huy được hiệu quả bởi việc chưa  rõ ràng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu dẫn tới quyền của Chủ sở hữu bị “phân tán” theo sự phân công trách nhiệm của những người đại diện, khó xác định được đơn vị/cá nhân chịu trách nhiệm cuối cùng về hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như kết quả kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước. Thậm chí, trong một số doanh nghiệp, việc có đại diện chủ sở hữu đến từ các bộ, UBND tỉnh trong hội đồng quản trị còn khiến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ nặng tính hành chính, can thiệp chính trị.

Với những điểm còn bất cấp nêu trên, liệu cổ đông nhà nước có thể đảm nhiệm đồng thời mục tiêu quản lý nhà nước và mục tiêu của nhà đầu tư đúng nghĩa không, thưa bà?

Khi tham gia vào doanh nghiệp, Đại diện chủ sở hữu phải đảm nhận mục tiêu “kép”: vừa tham gia lãnh đạo/điều hành doanh nghiệp để vừa đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh và gia tăng giá trị doanh nghiệp, vừa đảm bảo mục tiêu đại diện ngành/lĩnh vực để đóng góp an sinh xã hội, an ninh ngành nghề trong an ninh kinh tế chung của đất nước. Điều này đôi khi làm nhiều Đại diện chủ sở hữu rất khó ra các quyết định với “tư duy doanh nhân” hướng tới hiệu quả quản lý vốn tối đa, mà phải “cân bằng” với một số mục tiêu quản lý ngành, mục tiêu xã hội chính trị.

Bao giờ doanh nghiệp nhà nước được thực quyền? - Ảnh 1

Theo thông lệ tốt về Quản trị công ty, thành viên hội đồng quản trị phải trung thành với lợi ích của doanh nghiệp mà họ đang là thành viên, đồng thời phải ý thức rõ các quy tắc đạo đức kinh doanh trong doanh nghiệp, phòng tránh và ngăn chặn các yếu tố vi phạm nguyên tắc bảo mật thông tin hoặc gây xung đột lợi ích.

Điều này cho thấy, việc thực hiện “đa mục tiêu” rất khó đảm bảo sự phát triển bền vững cũng như tạo tính cạnh tranh thực sự cho doanh nghiệp.

Như bà chia sẻ, sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp còn liên quan tới việc xác định và đảm bảo thực hiện tách bạch quyền, trách nhiệm giữa HĐQT và Ban Điều hành trong doanh nghiệp nhà nước. Bà nghĩ sao về điều này?

Tách bạch quyền, trách nhiệm giữa hội đồng quản trị và Ban điều hành được coi là điều kiện tiên quyết cho Mô hình Quản trị công ty hiệu quả. Thông lệ Quản trị công ty tốt do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế toàn cầu (OECD) hướng dẫn cũng nêu rõ là Tổng giám đốc không nên là thành viên hội đồng quản trị. Tuy nhiên, trong thực tế tại doanh nghiệp nhà nước vẫn còn rất nhiều Người đại diện giữ vai trò CEO và là thành viên hội đồng quản trị. Theo đó, tính độc lập trong việc ra quyết định của hội đồng quản trị sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều bởi thành viên đại diện Ban điều hành là CEO.  Khi cả Chủ tịch hội đồng quản trị và Tổng giám đốc đều là người đại diện vốn nhà nước thì quyền và trách nhiệm giữa các thành viên này có thể chồng chéo và đôi lúc có thể mâu thuẫn.

Thực tế hiện nay tại một số doanh nghiệp, Tổng giám đốc giữ vai trò điều hành và chịu trách nhiệm trực tiếp trước Nhà nước nên có xu hướng không chấp nhận một cách thực sự vai trò giám sát chiến lược của hội đồng quản trị hay thực hiện kênh báo cáo xin tham vấn từ hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm và áp lực trong giám sát việc bảo toàn, phát triển vốn nhà nước thì có xu hướng can thiệp quá sâu vào công việc điều hành của Ban giám đốc. Chưa kể, hội đồng quản trị trong doanh nghiệp nhà nước không có thực quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm vị trí tổng giám đốc.

Bao giờ doanh nghiệp nhà nước được thực quyền? - Ảnh 2

Vậy nên việc cần tập trung để hoàn thiện mô hình Quản trị công ty là tách bạch vai trò CEO và xây dựng quy chế tương tác giữa hội đồng quản trị với CEO.

Vậy đâu sẽ là giải pháp cho các vấn đề nêu trên để nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới, thưa bà?

OECD đã đưa ra những nguyên tắc hướng dẫn về Quản trị công ty trong doanh nghiệp nhà nước. Đây là những nguyên tắc dành riêng cho doanh nghiệp nhà nước, bổ sung cho các nguyên tắc chung trong quản trị công ty áp dụng đối với mọi doanh nghiệp.

Điều kiện tiên quyết để hội đồng quản trị và những vấn đề trong hoạt động quản trị của doanh nghiệp nhà nước có sự thay đổi về chất là xây dựng một khuôn khổ pháp lý, tuân thủ và áp dụng hiệu quả cho loại hình doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, cần có những thay đổi nhận thức quan trọng trong các chủ thể đóng vai trò chủ sở hữu Nhà nước và người làm đại diện của Nhà nước trong hội đồng quản trị.

Việc nhận đúng và thực sự coi Quản trị công ty là công cụ quản trị hiệu quả cần thay đổi từ các chủ sở hữu đích thực theo quy định của Luật 69, Người đại diện, và bản thân doanh nghiệp với những người trong đội ngũ lãnh đạo thuộc hội đồng quản trị và Tổng giám đốc, tăng cường thêm các thành viên hội đồng quản trị độc lập trong các hội đồng quản trị,  và đa dạng kinh nghiệm của các thành viên hội đồng quản trị hiện tại. Cần có hướng dẫn trong việc bắt buộc học và nâng cao kiến thức thường niên về Quản trị công ty cho các thành viên hội đồng quản trị.