17:01 15/07/2021

Kéo dài thời gian thí điểm tiền lương tại doanh nghiệp nhà nước

Lương của một số lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước bị giảm sâu do tác động tiêu cực từ dịch Covid - 19

Năm 2020 kế hoạch sản xuất kinh doanh của VNA lỗ 14.487 tỷ đồng do đó chỉ tiêu khoán lương dự kiến chỉ bằng 44% so với năm 2019.
Năm 2020 kế hoạch sản xuất kinh doanh của VNA lỗ 14.487 tỷ đồng do đó chỉ tiêu khoán lương dự kiến chỉ bằng 44% so với năm 2019.

Do cơ chế tiền lương mới phải lùi sang thực hiện từ tháng 7/2022 nên khoảng trống áp dụng từ năm 2021 cho đến khi thực hiện cơ chế tiền lương mới dẫn đến phát sinh nhiều bất cập, gây xáo trộn trong chính sách tiền lương của doanh nghiệp thực hiện thí điểm… nên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đề xuất kéo dài thời gian thực hiện thí điểm theo Nghị định số 20/2020/NĐ-CP ngày 17/2/2020 của Chính phủ…

LẤP KHOẢNG TRỐNG ÁP DỤNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2020/NĐ-CP ngày 17/2/2020 để thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện cho thấy các nội dung thí điểm đã bước đầu tạo những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, thời gian thí điểm ngắn, lại trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nên đánh giá hiệu quả thí điểm chưa được thấu đáo.

Ngoài ra, do cơ chế tiền lương mới phải lùi sang thực hiện từ tháng 7/2022, khoảng trống áp dụng từ năm 2021 cho đến khi thực hiện cơ chế tiền lương mới dẫn đến phát sinh nhiều bất cập, gây xáo trộn trong chính sách tiền lương của doanh nghiệp thực hiện thí điểm.

 
Việc kéo dài thời gian thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước là cần thiết.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tú, Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP của Chính phủ thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Trong dự thảo Nghị định này Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất kéo dài thời gian thực hiện thí điểm và sửa đổi, bổ sung những bất cập đặt ra.

Cụ thể, dự thảo Nghị định có nội dung chủ yếu nhằm kéo dài thời gian thực hiện thí điểm Nghị định số 20/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, dự thảo còn quy định việc trích lập quỹ dự phòng tiền lương cho năm sau không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện như quy định hiện hành đối với doanh nghiệp nhà nước.

Bổ sung quy định về xác định tiền lương đối với người lao động và người quản lý khi thực hiện Nghị định số 20/2020/NĐ-CP khi bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan như bị tác động bởi dịch Covid – 19 làm ảnh hưởng đến năng suất lao động và hiệu quả của doanh nghiệp.

DỊCH BỆNH, DOANH NGHIỆP KHÔNG THỂ TRẢ LƯƠNG THEO NGHỊ ĐỊNH 20

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nội dung thí điểm được thực hiện tại Tổng Công ty Viễn thông Việt Nam (VNPT). Dựa trên kết quả kinh doanh năm 2020, sau khi áp dụng các quy định tại Nghị định 20 cho thấy VNPT có lãi lương dành cho lãnh đạo cao hơn mức đã trả.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát bên tiền lương của lãnh đạo VNPT được hưởng năm 2020 vẫn bằng của năm 2019.

Cụ thể, lương của Chủ tịch HĐTV là  86,4 triệu đồng/tháng, lương của các thành viên HĐTV khác là 76,8 triệu đồng/tháng, lương kiểm soát viên 76,7 triệu đồng/tháng.

Như vậy, so với năm 20219 mức lương này được xác định là tương đương và chỉ bằng 80% mức tối đa được hưởng theo quy định tại Nghị định số 20.

Cụ thể, Nghị định 20 cho phép VNPT xác định mức tiền lương của Ban điều hành có thể tính tối đa 7 lần tiền lương bình quân của người lao động. Nhưng mức lương trả cho Ban điều hành VNPT năm 2020 chỉ bằng khoảng 4,42 lần tiền lương bình quân của người lao động.

Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng chỉ ra trường hợp tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Theo Báo cáo, năm 2020 kế hoạch sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines lỗ 14.487 tỷ đồng do đó chỉ tiêu khoán lương dự kiến chỉ bằng 44% so với năm 2019.

 
Năm 2020 Vietnam Airlines đã triển khai xây dựng đơn giá tiền lương khoán với lãnh đạo theo quy định của Nghị định 20 và kết quả là lương của lãnh đạo Vietnam Airlines giảm sâu.

Mức lương năm 2020 mà Chủ tịch HĐQT của Vietnam Airlines được hưởng là 55,065 triệu đồng/tháng. Còn lương của các thành viên HĐQT khác là  47,199 triệu đồng/tháng, lương của Trưởng ban kiểm soát là 47,199 triệu đồng/tháng và lương của Kiểm soát viên chuyên trách là 39,332triệu đồng/tháng… Những mức lương này chỉ bằng khoảng 37% so với thực hiện năm 2019.

Báo cáo còn chỉ ra trường hợp Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên năm 2020 lợi nhuận sau thế chỉ đạt 3,530 tỷ đồng, giảm tới 99,75% so với năm 2019. Do lợi nhuận sụt giảm mạnh nên chỉ tiêu khoán lương d chỉ bằng 40,66% so với thực hiện năm 2019.