09:19 19/07/2021

Hai điểm mới trong quản lý doanh nghiệp nhà nước

Khánh Vy

Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành tạo sự linh hoạt cho công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp có vốn nhà nước...

Ông Phạm Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc dịch vụ kiểm toán & đảm bảo, Deloitte Vietnam
Ông Phạm Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc dịch vụ kiểm toán & đảm bảo, Deloitte Vietnam

Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 vừa được Thủ  tướng Chính phủ ban hành. Quyết định được đánh giá là linh hoạt hơn cho doanh nghiệp, người đại diện phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp chủ động rà soát và phân loại theo đúng tiêu chí ngành, lĩnh vực theo quy địnhh.

Xung  quanh Quyết định này, Kinh  tế  Việt  Nam/VnEconomy  đã  có  cuộc  trao  đổi  với  ông Phạm Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc dịch vụ kiểm toán & đảm bảo, Deloitte Vietnam.

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp thời gian qua? Đặc biệt là ở những doanh nghiệp sau cổ phần hóa?

Luật 69/2014/QH13 được ban hành vào ngày 26/11/2014 (gọi tắt là Luật 69), cùng với các văn bản hướng dẫn dưới luật quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp nhà nước về cơ bản đã tạo được môi trường pháp lý đầy đủ hơn cho hoạt động quản lý, đầu tư, cũng như sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp.

Sau khi có hiệu lực và được triển khai, Luật 69 đã tác động và đem lại một số chuyển biến tích cực trong việc đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp có vốn nhà nước, cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản đầu tư vào sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa, theo đánh giá chung thì hiệu quả quản lý và sử dụng vốn nhà nước được nâng cao hơn. Nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn sau cổ phần hóa, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng đạt mức khá, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thu nhập bình quân của người lao động, tổng nộp ngân sách nhà nước, cũng như khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân đều tăng; số lượng doanh nghiệp có sự tham gia của vốn đầu tư nước ngoài tăng.

Tuy nhiên, những chuyển biến này chưa thực sự tương xứng với các lợi thế, cũng như quy mô về tổng tài sản và nguồn vốn của các doanh nghiệp này.

Vậy theo ông, đâu là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên?

Có thể khẳng định chủ trương cổ phần hóa là đúng đắn, trong đó, một trong những chủ trương cổ phần hóa nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, hiệu quả quản lý vốn nhà nước cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

 
Những nơi còn nhiều doanh nghiệp phải cổ phần hóa như Tp.Hồ Chí Minh có 38 doanh nghiệp, Thành phố Hà Nội 13 doanh nghiệp, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp 6 doanh nghiệp... Song, Bộ Tài chính chỉ nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa 3 doanh nghiệp.

Trên thực tế, tốc độ cổ phần hóa, cũng như hiệu quả sử dụng vốn sau cổ phần hóa thực sự chưa theo đúng kế hoạch của Chính phủ và kỳ vọng của doanh nghiệp. Điều này cũng đã có nhiều phân tích từ các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia liên tục đánh giá trong những năm qua.

Bản thân các cơ quan chủ quản/địa phương cũng đã đưa ra văn bản bao gồm chế tài xử lý lãnh đạo nếu để tiến độ cổ phần hóa chậm. Theo quan sát độc lập của chúng tôi, do những chậm trễ về thời gian nên hiệu quả quản lý chưa được tối ưu, được đánh giá trên ba góc nhìn sau:

Xét từ góc nhìn về vấn đề trách nhiệm bảo toàn vốn, các quy định về trách nhiệm, trọng trách bảo toàn vốn của doanh nghiệp nhà nước phần nào tác động đến khả năng phát huy tính chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tỷ lệ cổ phần chào bán ra công chúng hoặc tỷ lệ cổ phần do cổ đông chiến lược nắm giữ tại nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp. Nói cách khác, sau khi cổ phần hóa, nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối, khiến bản chất của hoạt động kinh doanh, cơ chế quản lý điều hành tại nhiều doanh nghiệp không có sự hay đổi.

Từ góc nhìn về việc phân bổ nguồn lực, tính đến thời điểm hiện tại, bên cạnh công tác cổ phần hóa chậm, thì vốn nhà nước đang đầu tư vào nhiều loại hình kinh doanh. Do vậy, nguồn lực kinh tế và năng lực quản lý không tập trung được vào những khu vực kinh tế, ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm để điều tiết, ổn định nền kinh tế vĩ mô.

Xét trên phương diện về vấn đề đa nhiệm, bên cạnh việc duy trì hoạt động kinh doanh, một số doanh nghiệp nhà nước còn thực hiện nhiệm vụ chính trị, quốc phòng - an ninh, ổn định và điều tiết kinh tế vĩ mô… Khi không tách biệt được hoạt động kinh doanh thông thường và hoạt động mang tính chất chính trị, thì kết quả hoạt động kinh doanh sẽ không phản ánh đúng thực chất năng lực của doanh nghiệp.

Công tác cổ phần hóa đã được chú trọng về mặt chất lượng trong giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên, tiến trình còn rất chậm so với kế hoạch đã được phê duyệt: chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp nhà nước trong danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoàn thành cổ phần hóa.

Theo đánh giá của chuyên gia Deloitte chúng tôi, nguyên nhân chủ yếu là do việc xác định và thẩm định giá trị của doanh nghiệp khá phức tạp. Công tác này đòi hỏi nhiều thời gian và đội ngũ chuyên gia có năng lực, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước có nhiều tài sản như các quyền khai thác, quyền sử dụng đất.

Từ năm 2020, cộng hưởng thêm yếu tố khách quan do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực bị tác động nặng nề, ảnh hưởng tới doanh thu & lợi nhuận của doanh nghiệp, theo đó, cũng ảnh hưởng trực tiếp tới giá trị doanh nghiệp, và ảnh hưởng tới việc phê duyệt giá trị doanh nghiệp đối với những doanh nghiệp được định giá trước thời điểm bùng nổ đại dịch.

Việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược thường mất nhiều thời gian. Nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước không chủ động tìm kiếm cổ đông chiến lược, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa tại doanh nghiệp. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư không mặn mà với việc trở thành cổ đông chiến lược của doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 22/2021/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 với nhiều điểm mới. Những điểm mới này, theo ông có thể giải quyết được những nút thắt hiện nay?

Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ra đời, sẽ thay thế quyết định số 58/2016/QĐ-TTg với mục đích tạo ra sự linh hoạt.

Hai điểm mới trong quản lý doanh nghiệp nhà nước - Ảnh 2
Theo đó, Quyết định 22 đưa ra hai điểm mới cụ thể như sau:

Thứ nhất, quyết định 22 đưa ra tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, trong khi quyết định 58 ngoài đưa ra tiêu chí phân loại doanh nghiệp có vốn nhà nước còn thống kê cụ thể danh mục các doanh nghiệp có vốn nhà nước cần sắp xếp lại, thay đổi tỷ lệ vốn điều lệ do nhà nước nắm giữ, trong đó bổ sung một số ngành quan trọng sẽ được nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn; tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí.

Như vậy, Quyết định 22 được đánh giá là linh hoạt hơn cho doanh nghiệp, người đại diện phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp chủ động rà soát và phân loại đúng theo đúng tiêu chí ngành, lĩnh vực đã ban hành.

Thứ hai, theo quy định của Quyết định số 22, công ty mẹ được quyền chủ động xây dựng đề án tái cơ cấu doanh nghiệp do công ty mẹ đầu tư vốn, và xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu về phương án này.

Hai điểm mới của Quyết định 22 rõ ràng tạo được sự linh hoạt, chủ động trong công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp có vốn nhà nước. Công ty mẹ, người đại diện phần vốn góp của nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu được chủ động phân loại doanh nghiệp có vốn nhà nước theo tiêu thức đã công bố, đồng thời xây dựng đề án tái cơ cấu dựa trên đánh giá hoạt động của doanh nghiệp.

Do vậy, việc tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho các cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và thúc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa.