Các tổ chức tín dụng đầu tư hơn 205 nghìn tỷ trái phiếu doanh nghiệp trong 7 tháng năm 2023
Đó là số liệu từ Báo cáo của Chính phủ vừa gửi Quốc hội về lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ trong thời gian qua. Trong đó, đề cập đến tốc độ tăng trưởng và dư nợ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa thay mặt Chính phủ gửi Quốc hội Báo cáo về tình hình thực hiện các Nghị quyết số 134/2020/QH14 và Nghị quyết số 62/2022/QH14.
VƯỚNG MẮC VỀ CƠ CHẾ ẢNH HƯỞNG TỚI CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG CÁC LĨNH VỰC TIỀM ẨN RỦI RO
Theo báo cáo, tính đến cuối tháng 7/2023, toàn hệ thống có 40 tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với tổng số dư 205,4 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7% so với cuối năm 2022 và giảm 11,6% so với năm 2020. Tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trên tổng dư nợ tín dụng nhỏ, chiếm 1,67%, thấp hơn mức 2% cuối năm 2022.
Đến tháng 7/2023, tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán chiếm 0,55%; tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng 4,99% so với cuối năm 2022, chiếm 21,73% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.
Báo cáo nhận định thị trường chứng khoán, trái phiếu chịu tác động mạnh mẽ, thay đổi đột ngột sau khi xảy ra các sự kiện, thông tin tiêu cực dẫn đến nhiều dự án bị đình trệ, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng.
Một số doanh nghiệp vừa vay vốn tại tổ chức tín dụng, vừa phát hành trái phiếu doanh nghiệp nên khi xảy ra tình trạng mất khả năng trả nợ/mất thanh khoản do việc khó khăn từ huy động vốn từ kênh trái phiếu dẫn đến không có dòng tiền để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu để trả nợ.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp/cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không được trả gốc và lãi theo cam kết nên ảnh hưởng đến nguồn thu, thiếu vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất, ảnh hưởng đến tình hình tài chính nói chung và ảnh hưởng đến các khoản trả nợ vay tổ chức tín dụng nói riêng.
Đối với thị trường bất động sản, sau thời gian phát triển nóng đã bộc lộ nhiều tồn tại, giá bất động sản sụt giảm ở nhiều phân khúc. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến khả năng thanh khoản và khả năng bán/cho thuê tài sản để thanh toán nợ gốc/lãi vay khi đến hạn của khách hàng.
Nhiều dự án bất động sản gặp vấn đề về pháp lý, khó giao dịch; việc huy động vốn của dự án khó khăn, tác động đến dòng tiền và tiến độ triển khai thực hiện dự án. Thị trường bất động sản thanh khoản thấp cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản để thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Báo cáo nhận định chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao chịu ảnh hưởng từ những khó khăn từ môi trường kinh tế vĩ mô.
Cụ thể, kinh tế toàn cầu đối diện với nhiều rủi ro đa dạng như căng thẳng tài chính, căng thẳng địa chính trị, thiên tai, an ninh lương thực và năng lượng, lạm phát cao kéo dài…, dẫn tới tăng trưởng chậm lại. Các ngành sản xuất trong nước nói chung vẫn gặp nhiều khó khăn thời kỳ hậu Covid-19. Áp lực vốn đối với kênh tín dụng ngân hàng còn lớn trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả. Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do các nền kinh tế phát triển đầu tàu và là đối tác thương mại lớn của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro suy thoái.
Ngoài ra, những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng tác động đến chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.
Đó là, một số chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng thiếu ổn định do phải cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng đó, hệ thống pháp luật còn bất cập, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, phá sản, giải thể doanh nghiệp, thi hành án dân sự và cơ chế thực thi pháp luật. Ngoài ra, hiện nay còn thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Do đó, thị trường mua bán nợ chưa phát triển như kỳ vọng.
TĂNG CƯỜNG THANH TRA, GIÁM SÁT TÍN DỤNG VỚI CÁC LĨNH VỰC TIỀM ẨN RỦI RO
Báo cáo cho biết Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động.
Giám sát thường xuyên, liên tục đối với tình hình hoạt động các đơn vị trong hệ thống và xây dựng các báo cáo giám sát an toàn vĩ mô, vi mô theo định kỳ đối với các đối tượng và nhóm đối tượng giám sát; giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao (bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp…) qua hệ thống báo cáo thống kê và từ các nguồn thông tin khác. Trên cơ sở kết quả giám sát, ban hành các văn bản cảnh báo, khuyến nghị đối với các vấn đề cần quan tâm.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng đưa nội dung thanh tra về hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vào kế hoạch thanh tra chuyên ngành đối với các cuộc thanh tra pháp nhân định kỳ hàng năm.
Kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung; bất động sản không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường bất động sản.
Kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng, cho vay chéo..., đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp “nội bộ” có nguy cơ rủi ro lớn.