Cẩn trọng với kem chống nắng tự chế
Trên thị trường làm đẹp có vô số lựa chọn kem chống nắng với mọi mức giá. Thật ngạc nhiên khi có nhiều người lại muốn tự làm kem chống nắng. Trên nền tảng Tiktok, nhiều người tin rằng kem chống nắng tự làm sẽ là giải pháp an toàn hơn…
Chỉ cần gõ từ khoá “công thức làm kem chống nắng” bằng tiếng Anh trên Tiktok, trong hơn 0,5 giây cho tới hơn 30 triệu kết quả. Các công thức đều được giới thiệu dễ làm, gọn nhẹ, giá rẻ. Đặc biệt, tính an toàn được nhiều nhà sáng tạo nội dung nhấn mạnh do nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, ít kích ứng, dị ứng hơn các loại kem chống nắng mua sẵn, giúp da tránh được hoá chất, nhất là với người có làn da nhạy cảm.
Theo The New York Times, trào lưu tự làm kem chống nắng tại nhà đã lan tỏa trên TikTok do ảnh hưởng từ một số người nổi tiếng. Mặc dù các nhà khoa học không thể khẳng định được hiệu quả chống nắng của những loại kem này, nhưng họ đều nhấn mạnh rằng công thức của kem chống nắng tự làm không có sự ổn định. Nói cách khác, chúng không thích hợp để sử dụng, và sẽ dẫn đến việc không chặn được bức xạ trong ánh nắng mặt trời.
Tháng 6 vừa qua, Nara Smith, 22 tuổi, một người dùng mạng xã hội nổi tiếng với việc chia sẻ các video tự làm mọi thứ, đã đăng một video clip giới thiệu cách trộn dừa, sáp ong, bơ béo, bơ cacao, dầu jojoba và bột oxit kẽm để tạo ra một loại kem chống nắng. Các nguyên liệu này là thành phần chính trong nhiều loại kem chống nắng từ khoáng chất đang được bán trên thị trường. Video của Smith đã được hơn 18 triệu lượt xem cho đến nay. Và kể từ đó, nhiều người khác cũng đã chia sẻ video về tự làm kem chống nắng tại nhà.
Nhưng một số bác sỹ da liễu đã bày tỏ lo ngại về loại kem chống nắng tự làm này, cũng như độ lan truyền của nó trên mạng xã hội. Tiến sỹ Aamna Adel, bác sỹ da liễu tại London, Anh cho biết: “Những nguy hiểm liên quan đến kem chống nắng tự chế là về cơ bản, nó sẽ không bảo vệ làn da của bạn như mong đợi. Chỉ vì nó chứa kẽm oxit… không có nghĩa là nó sẽ bảo vệ bạn khỏi tia UV”.
“Tự làm kem chống nắng không phải là một ý kiến hay”, Cecil Bennett, bác sĩ tại Newnan Family Medicine ở Georgia cho biết. “Chúng ta hãy nhớ hai mục đích chính của kem chống nắng: một là ngăn chặn hoặc hấp thụ tia UV từ mặt trời để ngăn ngừa cháy nắng; và hai là ngăn chặn tia cực tím để giảm nguy cơ ung thư da. Kem chống nắng tự chế chưa được chứng minh là có tác dụng với cả hai”.
Daniel D. Bennett, Thư ký tại Viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD), chia sẻ với tờ Fast Company rằng: "Nghiên cứu cho thấy hầu hết các loại kem chống nắng tự chế đều không có khả năng chống nắng hiệu quả, khiến người dùng dễ bị cháy nắng, lão hóa da sớm và ung thư da, căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở Hoa Kỳ".Theo AAD, cứ năm người Mỹ thì có một người sẽ mắc ung thư da trong suốt cuộc đời và gần 20 người Mỹ tử vong mỗi ngày vì bệnh ung thư hắc tố.
Các bác sỹ tin rằng các video hướng dẫn tự làm kem chống nắng như thế này đặc biệt nguy hiểm vì một cuộc khảo sát gần đây của Viện Ung thư Orlando Health phát hiện ra rằng người tiêu dùng trẻ tuổi có nhiều khả năng tin vào sản phẩm tự làm và các cách làm đẹp “tự nhiên”. Chẳng hạn, cứ 7 người thì có 1 người (14%) dưới 35 tuổi cho rằng việc sử dụng kem chống nắng (bán sẵn) hàng ngày có hại cho da hơn so với việc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và gần một phần tư (23%) tin rằng uống nước và giữ đủ nước sẽ ngăn ngừa cháy nắng.
Thậm chí, ngày càng có nhiều video trên TikTok cho rằng việckhông dùng kem chống nắng để bị cháy nắng có thể giúp tăng cường sức khỏe, hoặc thậm chí giúp loại bỏ mụn trứng cá. Các bác sĩ tại Bệnh viện Queen Victoria ở Anh đã nhanh chóng lên án xu hướng này, giải thích rằng nó có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư da.
"Mặc dù có những lợi ích cho sức khỏe liên quan đến việc tiếp xúc đủ ánh sáng mặt trời, nhưng bạn vẫn nên sử dụng kem chống nắng để giúp giảm nguy cơ mắc ung thư da", họ cho biết. "Càng nhiều lần bạn bị cháy nắng trong suốt cuộc đời, nguy cơ phát triển ung thư da cũng như lão hóa da sớm càng cao", các bác sỹ cho biết.
Tại Việt Nam, hiện bác sĩ đang tiếp nhận nhiều ca làm đẹp bị biến chứng vì tin “bác sĩ” tự phong tràn ngập mạng xã hội. Riêng về kem chống nắng “homemade”, nguyên liệu để tự chế được phổ biến là rất dễ tìm như: dầu dừa, lô hội, sáp ong, trà xanh, sữa chua hay dầu bơ, hạnh nhân, ô liu… “Tự chế kem chống nắng từ nguyên liệu thiên nhiên, các loại hoa quả vẫn ăn hằng ngày với niềm tin sản phẩm an toàn, không kích ứng là sai lầm”, ThS.BSCK2 chuyên ngành Da liễu Nguyễn Quang Minh khẳng định.
Theo Phó Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc của Bệnh viện Da liễu Trung ương, các thành phần trong kem chống nắng tự chế có thể dễ dàng gây dị ứng vì không loại bỏ được các tạp chất có trong nguyên liệu. Lấy ví dụ từ quả bơ - nguyên liệu được chị em cho là an toàn, bác sĩ Minh nói, khi chiết xuất từ quả bơ để đưa vào thành phần kem chống nắng, các nhà sản xuất chuyên nghiệp có thể chỉ lấy một số hoạt chất chứ không phải tất cả. Tương tự như vậy đối với các thành phần thiên nhiên khác.
Bác sĩ Minh cho hay sự phối trộn để làm tăng tính hiệu quả cũng đã được nghiên cứu, thử nghiệm và có đánh giá cụ thể. Điều này hoàn toàn khác với việc tùy tiện lựa chọn các thành phần mà bản thân tin rằng có thể đạt được hiệu quả chống nắng. Trong kem chống nắng có từ 7 - 25 thành phần khác nhau. Do đó với mỗi người, cần xác định tiêu chí để lựa chọn phù hợp, chứ không đơn thuần là dựa trên một công thức nào đó để thử nghiệm trên da mặt của mình với niềm tin "thành phần từ thiên nhiên nên an toàn".
Khoa Da liễu, ĐH Y Hà Nội mới tiếp nhận một bệnh nhân nữ ngoài 20 tuổi đến khám trong tình trạng mặt nổi chi chít mụn trứng cá sau khi dùng kem chống nắng tự chế có thành phần dầu dừa. Cô gái cho biết, với mong muốn có làn da mịn màng, sáng bóng nên đã bôi kem chống nắng tự chế có thành phần dầu dừa thường xuyên. Tuy nhiên, chỉ sau 3 ngày làn da của cô bắt đầu nổi mụn chi chít, các nốt mụn cứ thế mẩn đỏ và có dấu hiệu mưng mủ.
TS. Hoàng Văn Tâm, giảng viên bộ môn Da liễu, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, đây chỉ là một ví dụ điển hình của việc bị biến chứng sau khi sử dụng kem chống nắng tự chế. Theo BS. Tâm, các thành phần tự nhiên trong kem chống nắng tự chế nếu thật có tác dụng chống nắng thì cũng ở mức độ thấp. Ví dụ ở dầu dừa chỉ số SPF (có khả năng chống lại tia UV) ở mức 1 - 7; bơ hạt mỡ và dầu lavender chỉ số SPF<6. Dầu cây mâm xôi, nước cà rốt chỉ số chống nắng có thể cao hơn khoảng 30. Nhưng kem chống nắng tự chế không cung cấp chính xác chỉ số SPF nên khả năng bị bỏng nắng không đoán trước được.