Giải pháp công nghệ cải thiện nhịp tim
Ngày 18/7, tờ Japan Times cho biết Nhật hoàng danh dự Akihito được xác nhận mắc chứng loạn nhịp tim trên thất. Thực tế, bệnh lý rối loạn nhịp tim đang trở thành một trong những vấn đề sức khỏe toàn cầu với tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng…

Tại Việt Nam, theo thống kê tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) mỗi năm bệnh viện đã chữa trị cho khoảng 40.000 trường hợp ngoại trú bị rối loạn nhịp tim phức tạp. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng tiếp nhận khoảng 2.500 bệnh nhân nội trú về các bệnh lý rối loạn nhịp nguy hiểm.
Bác sĩ CKII Kiều Ngọc Dũng, Trưởng Khoa điều trị rối loạn nhịp Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh lý có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Một số loại rối loạn nhịp tim như rung nhĩ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng tạo huyết khối gây: đột quỵ não, tắc mạch máu chân, thận, nhồi máu cơ tim, đột tử…
VIỆC ĐIỀU TRỊ NGÀY CÀNG TIẾN BỘ
Rối loạn nhịp tim hiểu một cách đơn giản là tim đập không theo một trình tự nào và trái tim không thể hoạt động một cách đều đặn, nhịp nhàng như bình thường. Dù là nhóm bệnh lý tim mạch phức tạp, tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng bênh lại dễ bị bỏ sót trong giai đoạn sớm.
Tại hội nghị chuyên gia "Rối loạn nhịp tim toàn quốc 2025" diễn ra mới đây, TS.BS. Phạm Trần Linh, Phó Chủ tịch Phân hội Nhịp tim Việt Nam, cho biết rối loạn nhịp tim thường được chia thành hai loại: rối loạn nhịp tim nhanh và rối loạn nhịp tim chậm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, các dạng phổ biến như rung nhĩ, cuồng nhĩ, nhịp nhanh thất, nhịp chậm, bloc nhĩ thất... đang ảnh hưởng đến hàng chục triệu người trên toàn cầu. Đơn cử như rung nhĩ – dạng rối loạn nhịp phổ biến nhất – ước tính ảnh hưởng đến khoảng 33 triệu người, chiếm khoảng 15–20% tổng số ca đột quỵ do huyết khối (AHA, 2024).
Tại Việt Nam, tỷ lệ rung nhĩ ở người trên 60 tuổi dao động từ 1 – 2%, song số liệu thực tế có thể cao hơn do tầm soát còn hạn chế (ESC, 2019). Hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở, nuốt nghẹn... là một trong những triệu chứng hay gặp nhất ở rối loạn nhịp tim nhanh. Còn triệu chứng nhịp tim chậm có thể là những cơn choáng khi đứng lên ngồi xuống. Một số trường hợp nặng hơn, bệnh nhân ngất và sau vài phút tự tỉnh lại...
Tuy nhiên, nhiều người bị rối loạn nhịp tim mà không có biểu hiện triệu chứng. Bệnh nhân hoàn toàn không biết là mình mắc bệnh cho đến khi đi khám sức khỏe và phát hiện ra bệnh thông qua việc đo điện tâm đồ. TS.BS. Phạm Trần Linh cho hay hiện nay, khảo sát điện sinh lý tim và điều trị bằng các thiết bị (device therapy) đã giúp chúng ta chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn.
TS.BS. Tôn Thất Minh, Chủ tịch Phân hội Nhịp tim Việt Nam, nhìn nhận việc điều trị loạn nhịp tim ở Việt Nam hiện nay đã phát triển, tiệm cận thế giới. "Nếu như ban đầu chúng ta chỉ có 2 bác sĩ thực hiện được khảo sát điện sinh lý tim và cắt đốt, đến nay chúng ta đã có trên 200 bác sĩ thực hiện được thủ thuật này. Năm 2025, cả nước có 66 bệnh viện/trung tâm can thiệp điều trị rối loạn nhịp.

Các thầy thuốc đã thực hiện được hầu hết các thủ thuật điều trị rối loạn nhịp chậm một cách thuần thục và thường quy, từ các phương pháp truyền thống đến các phương pháp đặt máy tạo nhịp bó nhánh. Bên cạnh đó, các thủ thuật đặt máy ICD, CRT, cũng như đặt máy tạo nhịp không dây đã được triển khai ở nhiều trung tâm”. Ngoài ra, các thầy thuốc của Việt Nam cũng đã thực hiện được phương pháp cắt đốt bằng RF, Cryoballoon ablation, PFA theo kịp các kỹ thuật tiên tiến hiện nay.
ThS.BS. Trần Lê Uyên Phương, Phó Khoa Điều trị Rối loạn nhịp, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết máy phá rung mang hiệu quả vượt trội trong dự phòng đột tử do rối loạn nhịp thất ác tính, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do các cơn loạn nhịp thất nguy hiểm. Còn phương pháp triệt đốt điện sinh lý ứng dụng hệ thống lập bản đồ 3 chiều trong buồng tim, phát huy hiệu quả trong rối loạn nhịp nhĩ và thất nguy hiểm, đặc biệt là rung nhĩ.
NHIỀU BỆNH VIỆN LÀM CHỦ CÔNG NGHỆ
Tháng trước, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, đã thực hiện thành công ca triệt đốt rung nhĩ thứ 16 sử dụng công nghệ tiên tiến là bóng áp lạnh (Cryo-balloon) để cô lập các tĩnh mạch phổi. Đây là trường hợp của anh N.T. P. (54 tuổi) mắc rung nhĩ kịch phát từ năm 2021. Dù đã được điều trị bằng thuốc, các cơn rung nhĩ vẫn tái diễn thường xuyên, gây mệt mỏi, đánh trống ngực và gần đây đã dẫn đến khó thở, suy tim.

Tại bệnh viện, các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn và quyết định áp dụng kỹ thuật bóng áp lạnh. Nhờ đó, ca can thiệp diễn ra thành công mỹ mãn, mở ra một cuộc sống mới cho bệnh nhân. Thay vì sử dụng nhiệt nóng truyền thống, phương pháp này sử dụng năng lượng nhiệt lạnh để cô lập các tĩnh mạch phổi – vị trí khởi phát chính của các cơn rung nhĩ.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hoài, Viện trưởng Viện Tim Mạch quốc gia, chia sẻ đây là một kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực điều trị rối loạn nhịp tim. Ưu điểm vượt trội của Cryo-balloon không chỉ nằm ở hiệu quả và độ an toàn cao hơn mà còn giúp rút ngắn thời gian thủ thuật tới 50%, giảm thiểu thời gian chiếu tia và mang lại cảm giác thoải mái hơn cho người bệnh.
Đầu năm nay, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng đã thực hiện thành công 6 ca triệt đốt điện sinh lý; đồng thời công bố thành lập Khoa Điều trị rối loạn nhịp tim. Bên cạnh khám điều trị nội khoa, khoa còn thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu như: Thăm dò và triệt đốt điện sinh lý, lập trình máy tạo nhịp tim, nghiệm pháp bàn nghiêng, theo dõi nhịp tim 24 giờ…
Mới nhất, ngày 16/7/2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cũng đã tiếp nhận và triển khai thành công kỹ thuật “đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn” từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái vừa thực hiện thành công ca đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn với sự hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Tim Hà Nội…

Bác sĩ Trần Quốc Cường, Phó Khoa nhịp tim Bệnh viện Thống Nhất, cho biết rối loạn nhịp tim thường xảy ra ở mọi độ tuổi. Đối với những vận động viên chuyên nghiệp cần sàng lọc để đánh giá bệnh lý nền. Người bình thường nếu tham gia tập thể dục những môn có cường độ mạnh cần quan tâm đến tiền sử của gia đình. Thường rối loạn nhịp tim xảy ra ở những môn bơi lội, có tính đối kháng cao như: đá banh, khúc côn cầu, đánh tennis…
Để phòng ngừa rối loạn nhịp tim, cần kiểm soát tốt huyết áp, cholesterol máu, giảm cân khi cần thiết. Thực hiện chế độ ăn uống tốt cho tim, tránh khói thuốc lá và thuốc lá điện tử, tích cực hoạt động thể chất... Hiện nay, rất nhiều thiết bị có thể hỗ trợ phát hiện sớm bệnh, như máy đo huyết áp điện tử, đồng hồ điện tử tích hợp các phần mềm theo dõi nhịp tim, máy đo điện tâm đồ, Holter điện tâm đồ 24 giờ, 48 giờ, 7 ngày...