Chấn chỉnh lễ hội xuân Mậu Tuất
Sự gia tăng khó kiểm soát về quy mô, số lượng của lễ hội ở các địa phương đã khiến giá trị tốt đẹp của nhiều lễ hội bị mai một
Cả nước có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ, thường diễn ra vào đầu xuân năm mới. Mùa lễ hội năm 2018 đang đến gần, nhưng mối lo về những nội dung phản cảm vẫn đặt ra cho các cơ quan quản lý cần tăng cường biện pháp khắc phục.
Riêng thành phố Hà Nội đã có gần 1.000 lễ hội lớn nhỏ, những lễ hội đặc sắc nổi tiếng cả nước, duy trì hàng trăm năm nay. Lễ hội có thời gian dài nhất, số lượng du khách đông nhất, hút tiền du lịch là lễ hội chùa Hương. Dù năm nào cũng có phương án chuẩn bị nhưng lễ hội chùa Hương luôn tái diễn tình trạng quá tải.
Không tái diễn tình trạng lộn xộn
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội), Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương xuân 2018 cho biết, năm nay giá vé tham quan vẫn như năm trước. Vé thắng cảnh 80.000 đồng/người, vé đò 50.000 đồng/người/lượt. Dự kiến trong năm 2018, lễ hội chùa Hương sẽ đón hơn 1, 5 triệu khách, thu xấp xỉ 120 tỷ đồng.
Liên quan đến việc cướp lộc tại lễ hội chùa Hương năm trước, ông Hậu cho hay, năm nay, huyện đã rút kinh nghiệm và chắc chắn sẽ không để tình trạng này xảy ra. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ cũng được kiểm soát chặt. Tất cả các hộ kinh doanh dọc bờ suối Yến đều niêm yết số điện thoại công khai từng hộ, từng chủ đò.
Du khách thập phương về vãn cảnh chùa nếu bị "chặt chém" giá vé có thể điện thoại đến đường dây nóng, cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý ngay. Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn mùa lễ hội năm nay, ngoài việc các tổ công tác tuần tra trên sông, dọc hai bên bờ suối Yến, cảnh sát sẽ tuần lưu liên tục để xử lý các trường hợp vi phạm.
Hiện nay có 4.500 thuyền để phục vụ khách đi chùa. Nhằm nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ, năm nay, tất cả thuyền chở khách được đồng bộ sơn màu xanh và trang bị 6 phao/thuyền. UBND huyện bố trí lực lượng không để các hộ bán hàng chiếm lòng đường từ khu vực ga cáp treo số 3 đến cổng động Hương Tích và cầu đường bộ lối ra.
Theo ông Hậu, từ năm ngoái, các nhà vệ sinh công cộng đã được sửa chữa, phục vụ miễn phí, năm nay ban tổ chức tiếp tục xây dựng thêm để đảm bảo du khách sử dụng khi tham gia lễ hội.
Thời điểm này, quận Đống Đa cũng đã xây dựng xong kế hoạch tổ chức Lễ hội gò Đống Đa. Năm nay, lễ hội vẫn giữ nét truyền thống với hai phần lễ và hội. Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn lễ hội, quận Đống Đa sẽ tăng cường các biện pháp phân luồng giao thông, hướng dẫn các bến bãi đỗ xe, giám sát an ninh để ngăn việc bán hàng rong diễn ra tại lễ hội..
Yên Tử thêm nhiều công trình mới
Lễ hội Xuân Yên Tử năm 2018 sẽ bắt đầu khai hội vào ngày 25/2 mở đầu chào đón Năm du lịch quốc gia Quảng Ninh 2018. Để chuẩn bị cho mùa lễ hội, hệ thống cơ sở vật chất đã được đầu tư khá đồng bộ. Tuyến đường trục chính từ Quốc lộ 18 vào khu di tích Yên Tử đang gấp rút hoàn thành.
Ông Lê Trọng Thanh - Phó giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm cho biết, năm nay, có 2 hệ thống cáp treo mới được đầu tư, nâng cấp đó là từ Giải Oan lên Hoa Yên, từ Hoa Yên lên An Kỳ Sinh. Rút ngắn thời gian đi bộ của du khách từ gần 1.000m xuống chỉ còn 500m là đến chùa Đồng.
"Mặc dù đã đầu tư cho cơ sở hạ tầng, có nhiều phương án tránh ùn tắc nhưng vào những lúc cao điểm, du khách vẫn phải chờ đợi 2-3 tiếng đồng hồ mới được phục vụ cáp treo. Chúng tôi nhận thức đó là phục vụ chưa tốt. Vì vậy, chúng tôi đã đầu tư gần 1000 tỷ đồng vào nâng cấp hệ thống cáp treo, thêm hệ thống cáp treo mới", ông Thanh chia sẻ.
Năm 2017 có hơn 2 triệu du khách về tham quan Yên Tử, riêng du khách quốc tế là 250 ngàn khách, tăng 200% so với năm 2016. Hiện tỉnh Quảng Ninh đang hướng tới lượng khách nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, khách châu Âu có điều kiện chi trả cao, đòi hỏi dịch vụ cao đến với Yên Tử.
Được biết, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Bộ yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các quy định của Đảng và Nhà nước về lễ hội, về giá trị lịch sử - văn hóa di tích và lễ hội.
Đồng thời, hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội mừng Xuân Mậu Tuất 2018... thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.
Các đơn vị tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội đảm bảo thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội, không để xảy ra các hiện tượng tranh cướp lộc, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ...; quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép tổ chức lễ hội trên địa bàn, không cấp phép tổ chức lễ hội có nội dung kích động bạo lực; xây dựng phương án đảm bảo trật tự, an ninh, công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt chú trọng đến phương án đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân khi tham gia hoạt động lễ hội...