11:37 26/07/2023

Chính phủ đưa ra nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Đường bộ

Anh Tú

Dự thảo Luật Đường bộ sửa đổi 40 điều; bổ sung mới 54 điều; trong đó có một số điểm mới nổi bật như bổ sung các quy định mang tính đặc thù trong quản lý, vận hành, bảo trì cao tốc; xe máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải; sử dụng gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông...

Dự thảo Luật Đường bộ có nhiều điểm mới so với luật hiện hành.
Dự thảo Luật Đường bộ có nhiều điểm mới so với luật hiện hành.

Trong báo cáo tóm tắt tờ trình Quốc hội về dự án Luật Đường bộ, Chính phủ đánh giá qua 13 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ 2008 đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc. Đồng thời, thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực.

Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình thi hành, luật cũng xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần xem xét để xây dựng luật thay thế với các quy định liên quan về kết cấu hạ tầng; quản lý phương tiện; công tác xử lý vi phạm...

Việc xây dựng dự thảo Luật Đường bộ sẽ tạo nên các bước đột phá trong việc thể chế hoá các chủ trương trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, phát triển phương tiện giao thông đường bộ, phát triển vận tải đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Dự án luật trên sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra vào tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024.

 

Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 95 điều. So với dự thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chuyển 2 chương sang Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, đó là chương: quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, dự thảo giữ nguyên 1 điều (Điều 2 về đối tượng áp dụng) và sửa đổi 40 điều; bổ sung mới 54 điều.

So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, chương I của dự thảo có các điểm mới như sau: thay đổi phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.

Theo đó, Luật này quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ (Điều 1); bổ sung các khái niệm mới như: đường giao thông nông thôn; đường địa phương; phương tiện công nghệ mới; phương tiện đa tính năng (Điều 3); bổ sung quy định về áp dụng Luật Đường bộ và các luật khác (Điều 4); bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu đường bộ phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính (Điều 8); bổ sung các chính sách phát triển giao thông đường bộ trên cơ sở các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước (Điều 9).

Chương II kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm 37 điều, từ Điều 10 đến Điều 46. So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật có các điểm mới như sau: bổ sung hệ thống đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ; bổ sung quy định việc phân kỳ đầu tư trong việc cho phép đường địa phương, đường chuyên dùng được quy hoạch thành quốc lộ (Điều 10).

Cùng với đó, bổ sung quy định cụ thể đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (Điều 14), phạm vi bảo vệ trên không và phía dưới đường bộ (Điều 18); các trường hợp mà hành lang an toàn giao thông chống lẫn giữa đường bộ với đường sắt, đường thủy, đê điều, công trình thủy lợi làm cơ sở để đền bù, giải phóng mặt bằng hành lang an toàn đường bộ theo quy hoạch các tuyến đường, cắm mốc lộ giới và phân định trách nhiệm quản lý (Điều 16).

Bổ sung làm rõ hơn trách nhiệm của chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình hạ tầng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (Điều 20).

Bên cạnh đó, bổ sung quy định đường cao tốc là một cấp kỹ thuật của đường bộ; việc đầu tư xây dựng đường cao tốc phải nằm trong quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch tỉnh; việc xây dựng, trang bị hệ thống kiểm soát tải trọng xe; trạm dừng nghỉ; hệ thống quản lý, điều hành giao thông: hàng rào bảo vệ; đường gom và công trình phụ trợ, thiết bị phục vụ quản lý, vận hành, khai thác đường cao tốc phải bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, hiện đại, đồng bộ (Điều 44).

Dự thảo cũng bổ sung quy định Nhà nước bảo đảm đủ vốn ngân sách nhà nước để đầu tư đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì; bảo đảm đủ vốn nhà nước tham gia trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; tổ chức, cá nhân đầu tư đường cao tốc có quyền và trách nhiệm thu tiền dịch vụ sử dụng đường cao tốc, tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm chất lượng tuyến đường (Điều 45).

Bổ sung các quy định mang tính đặc thù trong quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường cao tốc như: cứu nạn trên đường cao tốc; cứu hộ phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc; đánh giá an toàn khai thác sử dụng đường cao tốc nhằm bảo đảm an toàn và hiệu quả khai thác tuyến đường (Điều 46).

Chương III phương tiện giao thông đường bộ gồm 8 Điều (Điều 47 đến Điều 54). So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật có các điểm mới như: bổ sung khung pháp lý cho việc quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông công nghệ mới, phương tiện giao thông đa tính năng (Điều 48).

Bổ sung quy định xe cơ giới phải đáp ứng mức khí thải theo quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (Điều 48); kiểm tra, thử nghiệm, khí thải của xe cơ giới, đặc biệt là quy định về xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo quy định về lộ trình của Thủ tướng Chính phủ (Điều 49).

Bổ sung quy định ô tô con phải có hướng dẫn để lắp ghế ngồi, lắp dây đai an toàn dành cho trẻ em trong tài liệu sử dụng (Điều 49).

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng bổ sung quy định chủ phương tiện, người lái xe chịu trách nhiệm bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ, duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng giữa 2 kỳ kiểm định; tổ chức, doanh nghiệp thiết kế, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe cơ giới có trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật về kiểm tra, chứng nhận, thử nghiệm, triệu hồi, kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm hàng hóa do mình thiết kế, sản xuất, nhập khẩu và phải đảm bảo tổ chức thực hiện việc bảo hành, bảo dưỡng cho xe cơ giới sản xuất lắp ráp, nhập khẩu...

Theo dự thảo Luật Đường bộ, gầm cầu cạn được tạm thời sử dụng để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ, trừ phương tiện chở nhiên liệu, chất dễ gây cháy, nổ, hóa chất ăn mòn kim loại, chất nguy hiểm khác và phương tiện quá niên hạn sử dụng. Điều này nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ...