07:56 11/02/2023

Sớm nghiên cứu công nghệ mới bỏ barrier trạm thu phí và cơ chế hút nhà đầu tư hạ tầng đường bộ

Anh Tú

Một trong những chỉ đạo đáng chú ý được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao cho Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện sắp tới đó là nghiên cứu công nghệ mới trong thu phí không dừng, siết chặt công tác quản lý trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và đề xuất cơ chế đột phá hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng...

Hiện hơn 95% ô tô dán thẻ ETC nhưng công nghệ thu phí không dừng vẫn chưa thể chuyển sang giai đoạn trả sau và bỏ barrier.
Hiện hơn 95% ô tô dán thẻ ETC nhưng công nghệ thu phí không dừng vẫn chưa thể chuyển sang giai đoạn trả sau và bỏ barrier.

Ngày 10/2, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng có buổi làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam về công tác quản lý nhà nước chuyên ngành đường bộ.

ĐẨY MẠNH SỐ HOÁ, NGHIÊN CỨU THU PHÍ QUA GPS VÀ VỆ TINH

Hiện nay, tỷ trọng vận tải hành khách và vận tải hàng hóa của đường bộ chiếm đa số tỷ trọng trong các lĩnh vực của ngành, với thị phần vận tải khách chiếm 91,7% còn hàng hoá chiếm 74,4%. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, khẳng định Cục Đường bộ Việt Nam có vị trí, vai trò rất quan trọng của ngành giao thông vận tải, góp phần quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. 

Bộ trưởng cũng đánh giá Cục Đường bộ Việt Nam chủ động, tích cực trong việc triển khai thực hiện Nghị định số 56/2022/NĐ-CP, ngày 24/8/2022 của Chính phủ; khi thay đổi mô hình tổ chức từ tổng cục thành cục, tình hình tư tưởng của cán bộ, công chức ổn định, không có khiếu nại, đơn thư trong quá trình sắp xếp cán bộ.

Cùng với đó, công tác bảo trì hệ thống quốc lộ, đường cao tốc có nhiều chuyển biến tích cực, công tác phòng, chống khắc phục thiên tai kịp thời, trách nhiệm, từ đó, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước.

Một điểm nổi bật được Cục Đường bộ quan tâm triển khai thời gian qua đó là thực hiện Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của cục, hoàn thành các chỉ tiêu chuyển đổi số năm 2022; triển khai thu phí không dừng toàn quốc; công tác kết cấu hạ tầng giao thông, bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cần tiến thêm bước nữa.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại buổi làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại buổi làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam.

Theo Tư lệnh ngành giao thông vận tải, việc đầu tư hệ thống trạm thu phí không dừng gây tốn kém. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới triển khai công nghệ mới không cần xây dựng trạm, không có barrier bằng việc sử dụng hai công nghệ thu phí GPS và qua vệ tinh như tại Singapore hay một số nước Châu Âu áp dụng.

 

"Về nhiệm vụ trong thời gian tới,  Cục Đường bộ Việt Nam phải triển khai nghiên cứu xây dựng đề án ngay để thu phí bằng các công nghệ này để phục vụ cho thu phí đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các tuyến cao tốc khác", Bộ trưởng đề nghị.

Tham khảo và học tập kinh nghiệm các nước, Bộ Giao thông vận tải xây dựng lộ trình triển khai hệ thống thu phí ETC qua 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1, các trạm thu phí vẫn tồn tại có barrier.

Barrier sẽ mở cho xe đi qua trong trường hợp khi xe có thông tin thẻ dịch vụ hợp lệ, có đủ số dư tài khoản thu phí và vẫn tồn tại hình thức thu phí một dừng. Khi xe chưa gắn thẻ dịch vụ, hoặc có gắn thẻ dịch vụ nhưng không đủ số dư tài khoản thì khách hàng có thể trả tiền phí sau khi đi qua trạm. 

Giai đoạn 2, tại các trạm thu phí không còn barrier, chỉ duy trì các dải phân cách các làn. Các phương tiện lưu thông tự do theo làn qua trạm thu phí, không tồn tại hình thức thu phí một dừng.

Giai đoạn 3, khu vực trạm thu phí chỉ còn duy trì giá long môn và các thiết bị thu phí gắn trên giá long môn. Các phương tiện lưu thông tự do đa làn qua khu vực trạm thu phí. Đây là giai đoạn được mong chờ nhất của cả Chính phủ và người tham gia giao thông.

Về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Bộ trưởng cũng đề nghị cục phải đảm bảo tính đồng bộ và nhấn mạnh đến dữ liệu, cần xây dựng kho dữ liệu, thiết bị giám sát hành trình phải đồng bộ, toàn diện.

Cùng với đó, Bộ trưởng lưu ý Cục Đường bộ tiếp tục làm tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, phù hợp mô hình mới, với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Đường bộ Việt Nam, đảm bảo phải tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

"Cục rà soát các thể chế, chính sách, điều chỉnh cho phù hợp để đảm bảo đồng bộ, phản ánh “hơi thở” của thực tiễn như Luật Giao thông đường bộ sửa đổi; tập trung tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quy định bảo đảm an toàn giao thông, nhất là dịp cao điểm lễ hội xuân 2023", Bộ trưởng đề nghị.

Cục Đường bộ cũng cần rà soát, phối hợp với các địa phương, xử lý các điểm đen tiềm ẩn tai nạn giao thông, ưu tiên dành kinh phí cho những điểm đen đã xảy ra công nghệ thông tin và những điểm đen tiềm ẩn công nghệ thông tin. Tăng cường năng lực dự báo, chủ động kinh phí bảo trì hàng năm, bảo đảm đúng quy định.

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu tăng cường công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe phát hiện xử lý ngay những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan của bộ, địa phương và các cơ quan liên quan chỉ đạo quyết liệt các dự án đầu tư công năm 2023, tuyệt đối không để dự án chậm tiến độ.

NGHIÊN CỨU CƠ CHẾ HÚT NHÀ ĐẦU TƯ

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Đường bộ phối hợp với Vụ Kế hoạch - Đầu tư và các cơ quan thuộc bộ nghiên cứu, đề xuất cơ chế đột phá thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; phối hợp với Cục Đường cao tốc Việt Nam xác định các vị trí và hoàn thiện các quy định pháp luật về trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc để thực hiện thu hút nhà đầu tư.

Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết, năm 2023, Cục Đường bộ Việt Nam có tổng số hơn 1.600 cán bộ công chức, viên chức và lao động hợp đồng.

“Kể từ ngày 1/10/2022, thay đổi mô hình tổ chức từ 3 cấp còn 2 cấp gồm cấp cục và khu (tương đương chi cục), giảm được 39 đầu mối, tình hình tư tưởng cán bộ, công chức ổn định, không để khiếu nại, đơn thư trong quá trình sắp xếp cán bộ”, Cục trưởng cho biết.

Tuy nhiên, Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu một số khó khăn trong quá trình chuyển đổi. Theo đó, trước đây đơn vị hoạt động theo mô hình 3 cấp, nay chỉ còn 2 cấp; 4 lãnh đạo cấp phó, giờ chỉ có 3, do đó, khối lượng công việc tăng lên do giảm đầu mối.

Để khắc phục khó khăn, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước lĩnh vực đường bộ, Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường, khẳng định cục thực hiện các giải pháp đã đem lại hiệu quả cao trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm tin học vào trong công tác quản lý và hiện đã có 20 phần mềm đang được sử dụng, phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước.

Cùng với đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức, đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của cán bộ; đánh giá cán bộ công chức được lượng hóa bằng phần mềm chấm điểm tự động và coi đây là một kênh thông tin quan trọng trong việc đánh giá, xếp loại cán bộ công chức hàng năm; đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương và phân cấp giữa cục với các đơn vị trực thuộc cục.

Tại buổi làm việc, Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường báo cáo cụ thể kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường bộ như: công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, đề án; công tác cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử và chuyển đổi số; công tác quản lý vận tải; đào tạo, cấp giấy phép lái xe; công tác quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; công tác quản lý các dự án BOT; công tác xây dựng cơ bản.