13:10 08/05/2023

Cục Đường bộ tập trung chấn chỉnh việc đào tạo, sát hạch lái xe và giao địa phương bảo trì quốc lộ

Anh Tú

Triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục siết chặt và chấn chỉnh hoạt động đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương tự chủ bảo trì quốc lộ...

Cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ hoàn thiện các văn bản báo cáo Bộ về phân quyền cho địa phương bảo trì quốc lộ.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ hoàn thiện các văn bản báo cáo Bộ về phân quyền cho địa phương bảo trì quốc lộ.

Cục Đường bộ Việt Nam vừa tổ chức hội nghị giao ban công tác tháng 4 và định hướng triển khai nhiệm vụ tháng 5.

CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH LÁI XE

Thông tin cụ thể về một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý vận tải, phương tiện và người lái được triển khai vừa qua, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết đơn vị đã nghiên cứu, đề xuất các trạm dừng nghỉ, bến xe khách, bến xe hàng, bãi đỗ xe, điểm trả hàng hóa phục vụ hoạt động vận tải đường bộ Việt – Trung đối với các tuyến vận tải hàng hóa, hành khách đi qua địa bàn địa phương, để xây dựng dự thảo thông tư về quản lý hoạt động vận tải đường bộ qua biên giới.

Cục Đường bộ Việt Nam cũng phối hợp với Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an kết nối, tích hợp cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo tiến độ yêu cầu tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, "chỉ đạo sở giao thông vận tải yêu cầu các cơ sở đào tạo trang bị cabin học lái xe đáp ứng lộ trình theo quy định và chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe (DAT); kiểm tra, kiểm chuẩn cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động", Cục Đường bộ Việt Nam thông tin.

 

“Cục đã thực hiện và hoàn thành 1 đoàn kiểm tra đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe tại 31 sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”, Cục Đường bộ Việt Nam thông tin.

Đây là 1 trong 3 đoàn kiểm tra được Bộ Giao thông vận tải lập từ đầu năm để tiến hành kiểm tra công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép tại 63 sở giao thông vận tải.

Bước đầu, các đoàn kiểm tra đã phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, thực hiện của sở giao thông vận tải, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực.

Cụ thể, việc khai thác dữ liệu giám sát DAT phục vụ quản lý công tác đào tạo còn hạn chế; việc kiểm tra, giám sát khoá học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc thực hiện còn hình thức, không đúng thực tế. Hay có sở để cơ sở đào tạo gửi báo cáo qua phần mềm chậm nhiều ngày; xét duyệt thí sinh đạt điều kiện dự sát hạch khi chưa đối chiếu đầy đủ dữ liệu qua hệ thống DAT.

Bên cạnh đó, có hiện tượng thí sinh trao đổi với nhau, sát hạch viên trao đổi với thí sinh trong sát hạch lý thuyết. Các tồn tại, hạn chế, sai phạm được phát hiện, các đoàn kiểm tra đã lập biên bản và yêu cầu sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố phải có biện pháp xử lý, chấn chỉnh ngay.

Cũng trong tháng 4, Cục tiếp nhận và giải quyết 1.636 hồ sơ; trong đó, 1.174 hồ sơ thực hiện dịch vụ công toàn trình (mức độ 4) và 489 hồ sơ giải quyết tại bộ phận một cửa, trong đó, có 418 hồ sơ thực hiện trên hệ thống thông tin giấy phép lái xe.

Triển ngay nhiệm vụ trong tháng 5, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết trọng tâm sẽ phối hợp với các đơn vị tư vấn xây dựng phần mềm quản lý xe hợp đồng theo quy định của Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tiếp tục thực hiện điều chỉnh quy hoạch vị trí trạm dừng nghỉ trên toàn tuyến quốc lộ theo các văn bản chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.

Trong tháng 5, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ thực hiện xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, đào tạo và sát hạch lái xe; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái.

PHÂN QUYỀN CHO ĐỊA PHƯƠNG BẢO TRÌ QUỐC LỘ

Về công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, tính đến cuối tháng 4, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết kinh phí giải ngân là 2.381 tỷ đồng, đạt 20%. Trong đó, khối lượng công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đạt 30% khối lượng công việc cả năm 2023.

Triển khai công tác xây dựng kế hoạch bảo trì năm 2024, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết công tác kiểm tra hiện trường hoàn thành và đang tổng hợp, trình Bộ Giao thông vận tải trước 30/5.

Trong tháng 4, Cục Đường bộ Việt Nam cũng tập trung cao độ cho công tác thẩm định, phê duyệt các dự án trong kế hoạch bảo trì bổ sung 2023. Cục phê duyệt khoảng 2.500 tỷ đồng để trình Bộ bổ sung kế hoạch bảo trì 2023;  công tác phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thuộc kế hoạch bảo trì năm 2023 đã được giao dự toán chi đến nay cơ bản hoàn thành.

Cục Đường bộ Việt Nam cũng tham mưu báo cáo Bộ Giao thông vận tải về các khó khăn vướng mắc trong việc xem xét, cấp giấy phép lưu hành xe đối với xe quá khổ chở ô tô và kịp thời có văn bản chỉ đạo các khu, sở giải quyết đảm bảo an toàn giao thông và an toàn công trình.

 

Về nhiệm vụ quan trọng về công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trong tháng 5, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ hoàn thiện các văn bản báo cáo Bộ về phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quản lý, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông quốc lộ theo chỉ đạo của Bộ, đề nghị của các địa phương.

Đồng thời, rà soát tổng hợp để báo cáo Bộ Giao thông vận tải danh mục nhà hạt chuyển về địa phương; danh mục nhà hạt giữ lại phục vụ quản lý, bảo trì, khai thác sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông.

Còn về công tác xây dựng cơ bản, đến cuối tháng 4, Cục Đường bộ Việt Nam giải ngân đạt 485/2.248 tỷ đồng, tương đương 21,6%. Cục cũng dự kiến giải ngân đến hết tháng 5 đạt 646 tỷ đồng, tương đương 28,7%.

Về công tác quản lý dự án BOT giai đoạn kinh doanh, khai thác, "Cục đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả đánh giá tác động việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án BOT do Bộ Giao thông vận tải quản lý trên cơ sở phân tích, đánh giá của Viện Chiến lược Giao thông vận tải", Cục Đường bộ Việt Nam thông tin.

Đồng thời, Cục tổ chức đàm phán, ký kết điều chỉnh hợp đồng, bổ sung phụ lục hợp đồng các dự án BOT theo thẩm quyền; ký kết phụ lục hợp đồng dự án BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc – Hòa Bình.

Cục Đường bộ cũng hướng dẫn miễn, giảm giá dịch vụ đường bộ tại trạm thu phí trên Quốc lộ 5; thỏa thuận dự toán chi phí quản lý thu phí các dự án BOT: Cà Ná; Tránh Biên Hòa; Pháp Vân-Cầu Giẽ; Quốc lộ 38; Quốc lộ 1 qua tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng...

Cùng với đó, giải quyết chế độ cho người lao động tại trạm thu phí khi dừng hoạt động của Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC).

Cục Đường bộ Việt Nam cũng xây dựng dự thảo quyết định về quy định phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng nhiệm vụ của cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP do Bộ quản lý.