14:57 08/03/2023

Đề nghị nâng cấp cây cầu độc nhất đi chung đường bộ và đường sắt tại Bắc Giang

Anh Tú

Do nguồn vốn đầu tư công trung hạn được phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải hạn hẹp nên chưa cân đối được nguồn vốn để đầu tư cầu Cẩm Lý tại Bắc Giang. Tuy nhiên, tỉnh có thể nghiên cứu phương án sử dụng nguồn vốn địa phương để thực hiện dự án...

Cầu Cẩm Lý bắc qua sông Lục Nam hơn 40 năm đi vào hoạt động và là một trong những cây cầu dùng chung đường sắt và đường bộ.
Cầu Cẩm Lý bắc qua sông Lục Nam hơn 40 năm đi vào hoạt động và là một trong những cây cầu dùng chung đường sắt và đường bộ.

Bộ Giao thông vận tải vừa nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Giang về đề nghị sửa chữa, nâng cấp cầu Cẩm Lý; đồng thời, nghiên cứu xây mới tách riêng cầu đường bộ với đường sắt.

NGUY HIỂM, QUÁ TẢI TẠI CẦU CẨM LÝ

Cử tri tỉnh Bắc Giang cho biết cầu Cẩm Lý thuộc địa bàn huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang hiện đang dùng chung đường bộ và đường sắt có lưu lượng giao thông đi lại lớn, thường xuyên ùn tắc hai bên đầu cầu, gây mất an toàn giao thông. Vì vậy, cử tri tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Giao thông vận tải sửa chữa, nâng cấp cầu Cẩm Lý; đồng thời, nghiên cứu xây mới, tách riêng cầu đường bộ với đường sắt.

Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bắc Giang, Bộ Giao thông vận tải, cho biết cầu Cẩm Lý trên Quốc lộ 37 và tuyến đường sắt Kép - Hạ Long được xây dựng từ năm 1979, dùng chung cho đường bộ và đường sắt gây khó khăn cho công tác quản lý, khai thác, bảo trì.

Theo ghi nhận, nhiều xe tải từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương chạy đến Lạng Sơn, Cao Bằng chọn qua đường này thay cung đường khác bởi rút ngắn được hàng chục km và tránh được một số trạm thu phí. Vì vậy, sau hơn 40 năm đi vào hoạt động, việc cõng các xe quá khổ, quá tải đi qua mỗi ngày khiến nguy cơ mất an toàn ở cây cầu này ngày càng gia tăng.

Với lượng lớn xe container và xe trọng tải lớn qua cầu mỗi ngày, Công ty Đường sắt Hà Lạng, đơn vị quản lý cầu đường sắt Cẩm Lý, phải liên tục sửa chữa, thay mới thanh nan, bảo dưỡng hệ thống thanh sắt và ốc vít nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Đơn vị quản lý cũng phải cử cán bộ trực 24/24 giờ, điều tiết giao thông, phân chiều bằng tín hiệu đèn mỗi lần 5-7 phút. 

Trước những bất cập kể trên, Bộ Giao thông vận tải cho rằng việc nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu Cẩm Lý mới để tách riêng đường bộ với đường sắt là cần thiết.

RÀ SOÁT DÙNG VỐN ĐỊA PHƯƠNG, ODA ĐỂ NÂNG CẤP

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao tổng số là 304.105 tỷ đồng. Sau khi điều chỉnh giảm phân bổ lại cho địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn thực tế của Bộ Giao thông vận tải chỉ còn lại là 287.011 tỷ đồng để triển khai các dự án trong danh mục dự kiến đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 đã được Chính phủ báo cáo, Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15.

Hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải đang cố gắng cân đối nguồn vốn trung hạn đã bố trí cho bộ từ các dự án dự kiến sẽ thi công hoàn thành trong kỳ để bố trí đủ khoảng 4.450 tỷ đồng thực hiện nối thông đường Hồ Chí Minh.

Đồng thời, "thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cũng đang rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư bổ sung các đoạn cao tốc lên quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh nên chưa thể cân đối, bố trí vốn để triển khai đầu tư cầu Cẩm Lý trong giai đoạn 2021 - 2025", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ khó khăn.

Để có thể sớm đầu tư cầu Cẩm Lý, Bộ Giao thông vận tải cho biết tại Thông báo số 199/TB-VPCP ngày 9/7/2022 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận về việc đầu tư xây dựng cầu Cẩm Lý.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang phối hợp các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính rà soát kỹ khả năng cân đối, bố trí các nguồn vốn trung ương, địa phương, vốn ODA để nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư phù hợp.

Trường hợp thật sự cấp bách cần phải triển khai ngay để bảo đảm an toàn giao thông, tỉnh xác định khả năng bố trí vốn để thực hiện, sau khi đã cân đối, bố trí vốn để hoàn thành dứt điểm, phát huy hiệu quả các dự án đang triển khai.

Đồng thời, Chính phủ cũng khuyến khích Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang nghiên cứu phương án sử dụng nguồn vốn địa phương để thực hiện dự án, phù hợp với khả năng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn nhanh, kịp thời, hiệu quả.

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang có ý kiến đến Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang để chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu phương án đầu tư cầu Cẩm Lý. Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang trong quá trình chuẩn bị đầu tư dự án.