Chống tham nhũng: Nói "lợi ích nhóm" , "sân sau" là có căn cứ
Đề nghị tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ để trả lời dư luận cử tri về tình trạng bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng
Nếu như trước đây, tình trạng “lợi ích nhóm”, “sân sau” mới chỉ là nghi ngờ của dư luận cử tri nhưng qua một số vụ án lớn được đưa ra xét xử gần đây, qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy những nghi ngờ của dư luận cử tri là có căn cứ.
Đó là nhận định của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tại báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.
Các báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 là nội dung được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong cả ngày 19/9.
Tặng quà bị lạm dụng
Xem xét từng nội dung cụ thể được Chính phủ báo cáo, với tặng quà và nộp lại quà tặng, cơ quan thẩm tra cho rằng trong thực tế việc tặng quà để giải quyết công việc, hối lộ bằng hình thức tặng quà vẫn còn diễn ra rất phức tạp, dưới nhiều hình thức, nhất là việc lạm dụng phong tục truyền thống của dân tộc trong thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết, hiếu, hỷ… Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi có phát hiện sai phạm.
Qua một số vụ án xét xử gần đây, dư luận rất bức xúc trước việc tặng quà của Ngân hàng Oceanbank và chi hoa hồng cho bác sỹ của Công ty Cổ phần VN Pharma - Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh.
Báo cáo thẩm tra cũng nêu lại một số thông tin cụ thể hơn từ báo chí. Như trong vụ án buôn lậu xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma, các bị cáo khai nhận đã chi tiền "hoa hồng" cho bác sĩ tại nhiều bệnh viện lên tới 7,5 tỷ đồng để được bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân.
Còn trong vụ đại án xảy ra tại Oceanbank, ông Ninh Văn Quỳnh đã thừa nhận và nộp lại 20 tỷ đồng đã nhận của Nguyễn Xuân Sơn. Cơ quan điều tra đã thu giữ tại nhà Nguyễn Trường Duy, cán bộ Hải quan Tp.HCM 64 phong bì với tổng cộng gần 1 tỷ đồng, là số tiền hối lộ của các doanh nghiệp.
"Uỷ ban Tư pháp cho rằng, đây là vấn đề lớn, liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và phòng chống tham nhũng cần được Chính phủ đánh giá, nghiên cứu để có quy định ngăn chặn tình trạng này" - cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.
Vẫn mang tính hình thức, hiệu quả thấp, theo Uỷ ban Tư pháp còn là việc kê khai tài sản, thu nhập.
Theo báo cáo của Chính phủ, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là 1.113.422 người; đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Số bản kê khai đã công khai là 1.111.818 bản; đạt tỷ lệ 99,8% so với số bản kê khai, nhưng chỉ xác minh đối với 77 người (chiếm 0,007%), kết quả xác minh phát hiện 3 trường hợp vi phạm. Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực nhưng không được phát hiện, xử lý; việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong một số trường hợp còn chưa hợp lý, thậm chí phản cảm, gây bức xúc trong dư luận.
Trường hợp cụ thể được nêu để minh chứng là việc kê khai tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái.
Hạn chế nữa được nêu tại báo cáo thẩm tra là việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ việc, vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua.
Trong kỳ báo cáo chỉ có 25 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý trong khi đó có 328 bị cáo bị tòa án nhân dân các cấp xét xử sơ thẩm về tội danh tham nhũng; hàng trăm nghìn vụ việc bị xử phạt hành chính, trong đó có những vụ liên quan đến tham nhũng.
Uỷ ban thẩm tra cho rằng vẫn còn có nhầm lẫn giữa xử lý người đứng đầu do có sai phạm và xử lý người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Tổng kiểm tra bổ nhiệm cán bộ
Đánh giá tổng thể về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ, Uỷ ban Tư pháp cho rằng, báo cáo chưa phản ánh thật đầy đủ thực trạng công tác này năm 2017 và chưa nêu được một số chuyển biến nổi bật của công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng so với năm 2016.
Một số tồn tại, hạn chế nêu còn sơ lược, thiếu các thông tin, địa chỉ cụ thể, chưa đề ra giải pháp mang tính đột phá và lộ trình cụ thể để khắc phục những hạn chế của công tác phòng chống tham nhũng đã tồn tại qua nhiều năm.
Sau nhận định "lợi ích nhóm", "sân sau" đã không còn là nghi ngờ, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, trong thời gian tới, định hướng phòng chống tham nhũng cần tập trung phát hiện, xử lý, phòng ngừa đối với tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”.
Nhắc lại nhận định đã nêu nhiều lần, báo cáo thẩm tra nêu rõ, việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu. Số vụ, việc tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử còn ít, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng; tiến độ xử lý một số vụ, việc còn để kéo dài. Có dấu hiệu của việc “hành chính hóa” quan hệ hình sự, “hình sự hóa” quan hệ hành chính trong xử lý hành vi tham nhũng.
Việc xử lý người có hành vi tham nhũng, người bao che cho hành vi tham nhũng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong nhiều trường hợp chưa nghiêm dẫn đến tình trạng “nhờn luật”
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời dư luận cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định, bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng.
Đề nghị tiếp theo là Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo Quốc hội kết quả việc thực hiện nghị quyết số 63/2013/QH13 và nghị quyết số 111/2015/QH13 về nội dung: “Tập trung thanh tra, kiểm toán các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, các ngành, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực”.