13:52 31/08/2013

Chủ tịch nước: “Đừng quên mục tiêu một triệu doanh nghiệp”

Nguyên Thảo

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khích lệ doanh nhân trẻ mạnh dạn nói thẳng nói thật

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với một số doanh nhân trong đoàn đại biểu Hội Doanh nhân trẻ sáng 31/8 - Ảnh: TT.<br>
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với một số doanh nhân trong đoàn đại biểu Hội Doanh nhân trẻ sáng 31/8 - Ảnh: TT.<br>
Lúc nền kinh tế hưng thịnh thì đặt mục tiêu năm 2020 sẽ có khoảng một triệu doanh nghiệp, nhưng bây giờ không thấy nói gì nữa, hay không đeo đuổi nữa?

Tiếp đoàn đại biểu Hội Doanh nhân trẻ sáng 31/8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hơn một lần khích lệ các doanh nhân hãy mạnh dạn nói thẳng nói thật.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Mai Hữu Tín báo cáo với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, sau 20 năm xây dựng và phát triển, Hội đã thực hiện tốt sứ mạng đoàn kết, tập hợp đội ngũ doanh nhân trẻ Việt Nam xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế đất nước.

Hội đã trở thành tổ chức xã hội nghề nghiệp có qui mô hàng đầu trên cả nước, mạng lưới tổ chức Hội có mặt 63/63 tỉnh, thành phố và 4 ngành kinh tế với hơn 10.000 hội viên, là hiệp hội duy nhất tại Việt Nam có mạng lưới phủ sóng cả nước. Các doanh nghiệp của hội viên đang tạo việc làm cho trên 2,5 triệu người, tổng doanh thu hàng năm đạt trên 25 tỷ USD, hàng năm đóng góp cho các hoạt động xã hội hàng trăm tỷ đồng.

Với dấu ấn lớn nhất của Hội là Giải thưởng Sao Vàng đất Việt, ông Tín nêu quan điểm, Chương tình xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia có thể sử dụng kết quả bình chọn Sao Vàng Đất Việt làm cơ sở nghiên cứu và tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp mạnh trong đó để hình thành rõ hơn năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bên cạnh nỗi lo về vốn khi các ngân hàng lớn còn phần sở hữu lớn của nhà nước vẫn chưa hành xử công bằng với doanh nghiệp và còn có sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế, nhiều ý kiến doanh nhân tại cuộc gặp còn bày tỏ băn khoăn về sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt và nguy cơ thua ngay trên sân nhà, khi chính sách vĩ mô còn bất cập và những thách thức khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Phát triển thương hiệu Việt mang tầm quốc tế cũng là vấn đề được doanh nhân trẻ đặc biệt quan tâm với đề nghị Chủ tịch nước cho nghiên cứu và có giải pháp hỗ trợ xây dựng các doanh nghiệp dân tộc mạnh.

Chia sẻ với các kiến nghị và tâm tư của doanh nhân, song Chủ tịch nước nhận xét “anh em còn dè dặt nên tôi nghe chưa đã lắm”. “Lời thật mất lòng, nhưng mọi sự đổ vỡ đều là hệ quả của sự nói dối, có việc thì anh em cứ mạnh dạn xông xáo, mạnh dạn gõ cửa, đừng có đợi gặp mặt hàng năm nặng về nghi lễ. Tôi cũng từng đóng vai như anh em rồi, thời bao cấp tôi đi vay tiền cứ ngồi lỳ đến khi có tiền mới về, dứt khoát không về tay không…”, Chủ tịch nói.

Vừa cập nhật số liệu về tình hình sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp chiều qua, Chủ tịch nước nêu con số trong 600 nghìn đăng ký thì đang hoạt động hơn 378 nghìn, “chết” trên trăm nghìn, số doanh nghiệp đang “bị thương” rất lớn để nhấn mạnh bối cảnh hiện đang khó khăn.

“Tuy nhiên, cuộc đời đâu phải khó hoài và thất bại hoài đâu, khi kinh tế hưng thịnh nói rất nhiều đến mục tiêu một triệu doanh nghiệp, bây giờ bỏ luôn hay không đeo đuổi nữa?”, Chủ tịch nước băn khoăn.

Khó khăn chỉ nhất thời thôi, phải hết sức kiên trì, đừng quên con số một triệu doanh nghiệp, phải đeo đuổi chứ, không có một triệu doanh nghiệp thì làm gì có công nghiệp hóa được, Chủ tịch nhấn mạnh.

Chia sẻ nhiều tâm tư về công tác hội trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, Chủ tịch nước nhắc nhở Hội Doanh nhân trẻ cần quan tâm phát triển đội ngũ. Đồng thời mạnh dạn thẳng thắn tư vấn, phản biện, tham gia vào việc xây dựng chính sách vĩ mô. Tiếng nói của doanh nghiệp rất quan trọng, Chủ tịch nhấn mạnh.

Tôi rất mong Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phát huy sức trẻ, tạo hình mẫu để các hiệp hội khác noi theo, Chủ tịch phát biểu.