“Chưa bao giờ cái ăn, cái uống lại mang đến nhiều mối lo như thời gian qua”
(Ảnh minh họa) Theo ông Đương, thực phẩm không an toàn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực, sinh kế, đời sống và sức khỏe của người dân, thậm chí còn ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi Việt Nam, hơn nữa là niềm tin của người tiêu dùng trước những giá trị về kinh tế, văn hóa và đạo đức của các sản phẩm do con người tạo ra và tác động đến quyết định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Ông Đương nhấn mạnh rằng, ở Việt Nam, tỷ lệ thực phẩm chưa an toàn còn rất cao. Số lượng các vụ ngộ độc thực phẩm cũng như số người bị nhiễm độc thực phẩm do các tác nhân nấm mốc, vi sinh vật, thuốc tăng trọng, thuốc kích thích sinh trưởng, kháng sinh, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản, thuốc chống ẩm mốc… còn xuất hiện, tồn dư trong thực phẩm sử dụng hàng ngày của người tiêu dùng còn khá cao, đặc biệt là các trường hợp mắc bệnh nhiễm trùng bởi thực phẩm. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký hiệp hội cũng cho biết, hiện nay một vấn nạn đang diễn ra gây hoang mang và lo sợ cho người tiêu dùng đó là thực phẩm không an toàn. “Thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay là cái u ác tính cho cả dân tộc, nếu không được cắt bỏ sẽ di căn thành ung thư, chúng ta hãy hành động ngay hôm nay đừng để đến lúc vô phương cứu chữa”, ông Quốc Anh nhấn mạnh. Cũng theo ông Quốc Anh, chưa bao giờ cái ăn cái uống lại mang đến nhiều mối lo, làm nóng nghị trường Quốc hội như thời gian qua.
Hội thảo Nông nghiệp an toàn diễn ra sáng 15/7 “Rùng mình, run tay, ớn lạnh, kinh hoàng, hãi hùng… đó là những cụm từ biểu cảm xuất hiện với mật độ ngày càng nhiều khi nói về thực phẩm bẩn, khiến nhiều người bất lực đặt câu hỏi ăn gì để không chết? Đây là câu hỏi khó nhất vào lúc này bởi đâu đâu người ta cũng sẵn sàng đầu độc đồng loại vì lợi nhuận”, ông Quốc Anh nói. Nông dân đang tự hại mình và nông dân cả nước
Về nguyên nhân dẫn đến vấn nạn thực phẩm bẩn, theo ông Phạm Xuân Đương là do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn lạc hậu, nhỏ lẻ; quản lý chất lượng sản phẩm còn lỏng lẻo ở nhiều khâu trong chuỗi từ sản xuất, chế biến, vận chuyển, bao gói, tiêu thụ thực phẩm. Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức, trách nhiệm về an toàn của các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất, quản lý còn nhiều hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát, chế tài xử phạt và xử chưa đủ sức răn đe. “Thực tế này đã đặt ra yêu cầu cần có những rà soát, đánh giá tổng thể, nhận diện các vấn đề cốt lõi, tiềm ẩn và hiện hữu; các nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng trên, từ đó, có những giải pháp phù hợp và hiệu quả nhằm đạt được sự cải thiện trên thực tế trong ngắn hạn và lâu dài”, ông Đương cho hay. Góp ý tại tham luận tại hội thảo, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng chỉ ra rằng, một bộ phận nông dân đang tự làm hại mình và làm hại nông dân cả nước. “Việc lạm dụng chất tạo nạc của các trại nuôi heo, việc lạm dụng hóa chất độc hại để thúc đẩy quá trình sinh trưởng hay làm chín trái cây làm mất niềm tin của người tiêu dùng, đẩy người tiêu dùng đi tìm kiếm nông sản nhập khẩu”, ông Doanh cho hay. Đồng quan điểm, TS. Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) thừa nhận rằng, tỷ lệ thực phẩm chưa an toàn của Việt Nam còn rất cao và nguyên nhân do tình trạng chạy theo lợi ích cục bộ, ngắn hạn của cả hai bên liên kết - doanh nghiệp và các hộ nông dân - dẫn đến việc tự ý phá vỡ các hợp đồng cam kết về sản xuất và cung ứng nông phẩm “sạch” và làm cho các hộ tiểu nông quay trở lại với phương thức sản xuất nhỏ. Ngoài ra, chỉ tính riêng chi phí để chứng nhận tiêu chuẩn GAP cho mỗi “cánh đồng lớn” do vài chục hộ nông dân canh tác cũng lên tới hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng. Khoản này đội giá thành lên vài trăm đồng trên mỗi kilô thóc. Trong khi đó, nông sản trồng theo GAP như lúa, cây ăn trái, chè… ở một số địa phương do không có đầu mối đưa đến tận tay người tiêu dùng nên khi được bán ra chợ hoặc thu gom bởi các thương lái, thì lại hòa lẫn với các nông sản trồng theo phương thức thông thường, vì vậy cũng chỉ bán với giá thông thường. Cũng theo ông Tuấn Anh, những quy định pháp luật chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, bộ máy quản lý nhà nước không xác định được trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân cụ thể về an toàn thực phẩm, không ai bị kỷ luật khi để tình trạng mất an toàn thực phẩm tràn lan. Công tác thanh tra kiểm soát của lực lượng chức năng không tốt, không nghiêm, còn tình trạng bao che, thông đồng.
Theo BizLIVE