Những thói quen khiến bệnh đái tháo đường báo động ở người trẻ
Thông tin từ Bệnh viện Nội tiết trung ương, tỷ lệ mắc đái tháo đường type 2 ở người trẻ đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ bệnh nhân trẻ tuổi chiếm khoảng 20 - 30% trong tổng số bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện...

Mới đây, một bé gái 8 tuổi, khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, sút cân, mờ mắt… được gia đình đưa vào Bệnh viện Nội tiết Trung ương kiểm tra. Kết quả phát hiện đường huyết tăng cao 26,1mmol/l, gấp nhiều lần người bình thường. Bệnh nhi được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 1.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, khoa Nội tiết, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp đái tháo đường type 1 ở trẻ em đã được điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Nhiều ca bệnh từ 7 - 18 tuổi nhập viện với chẩn đoán đái tháo đường type 1 đều ở mức đường huyết rất cao.
Bệnh viện Nội tiết Trung ương còn đưa ra cảnh báo về nguy cơ người bị béo phì dễ dẫn tới đái tháo đường type 2. Điển hình như trường hợp bệnh nhân Đ.T.M (22 tuổi, ở Hà Nội) bị béo phì từ nhỏ. Khi đến khám tại bệnh viện, bệnh nhân bất ngờ phát hiện mắc đái tháo đường type 2.
Theo bác sĩ Tuấn, với độ tuổi 22 nguy cơ chính dẫn đến đái tháo đường type 2 là trên nền thể trạng béo phì, chế độ ăn giàu glucid, chất béo, ít vận động. Bệnh đã tiến triển trong một thời gian dài với những biểu hiện khát nước, uống nhiều, đi tiểu nhiều.

Ngày 3/7/2025, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cũng cho biết đã cứu sống một nữ sinh viên nguy kịch do nhiễm trùng nặng, nhờ ứng dụng kỹ thuật V-V-ECMO. Bệnh nhân là Đ.V.Y.N (22 tuổi), có chỉ số BMI 37 kg/m2, thuộc nhóm béo phì độ 3. Nữ sinh nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng và hông. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán viêm thận - bể thận cấp 2 bên, nhiễm trùng huyết và đái tháo đường.
Bác sĩ Nguyễn Quang Bảy, trưởng khoa nội tiết - đái tháo đường Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cũng cho hay nếu trước đây đái tháo đường tuýp 2 được coi là nguy cơ từ sau tuổi 35 và ít gặp ở lứa tuổi trước 40 thì hiện nay đã gặp ở những người trẻ trước 35 tuổi, cả ở trẻ em và bệnh nhân dưới 18 tuổi.
Thậm chí, PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, tại Việt Nam, số liệu tích lũy đến nay có khoảng 1.750 trẻ mắc đái tháo đường type 1 được chẩn đoán ở các bệnh viện nhi lớn trên cả nước. Riêng Bệnh viện Nhi Trung ương đang theo dõi, điều trị cho ngoại trú khoảng 1.000 trẻ bị đái tháo đường type 1.
Tại Việt Nam, điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương gần đây nhất (năm 2020) cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam là 7,3%; tỷ lệ tiền đái tháo đường là 17,8%. Trong đó, các số liệu đáng quan tâm đó là tỷ lệ người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán tại Việt Nam hiện tại là hơn 60% và có hơn 1/2 số người trưởng thành chưa bao giờ được làm xét nghiệm đường huyết để phát hiện bệnh đái tháo đường.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: "Tỷ lệ người béo phì ngày càng tăng trong khi lứa tuổi mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa thực sự đáng báo động". Để ứng phó với tình trạng trên, hệ thống phòng, chống bệnh đái tháo đường đã hoàn thành mục tiêu khống chế tỷ lệ gia tăng của bệnh đái tháo đường toàn quốc, giai đoạn 2020 - 2026 ở mức 7,3% so với chỉ tiêu dưới 10% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Các chuyên gia y tế cho hay có một số trẻ em hoặc thanh thiếu niên mắc bệnh do lối sống sinh hoạt và ăn uống thiếu khoa học khi hàng ngày dành quá nhiều thời gian ngồi xem tivi, điện thoại, máy tính… Trong đó, trẻ em trong độ tuổi 14, 15 đang thừa cân béo phì, đặc điểm cần lưu ý như trẻ béo mà có kèm theo tình trạng gai đen vùng da gáy hoặc có thể ở nách, thì cần theo dõi đái tháo đường.
Cùng với đó, khi có những biểu hiện như khát nước nhiều, tiểu nhiều, sút cân nhiều, vết thương lâu lành, mệt mỏi, tê bì tay chân cảm giác như kiến bò, kim châm, nhìn mờ… người dân nên đến cơ sở y tế kiểm tra để được bác sĩ thăm khám. Việc phát hiện sớm tiền đái tháo đường hay đái tháo đường type 2 sẽ giúp điều trị sớm, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Một nghiên cứu trên tạp chí Diabetes Care mới đây cho thấy, thói quen ăn tối muộn có thể làm giảm hiệu quả của insulin 6,7% và tăng glucose máu 8,3% so với những người ăn tối sớm. Ăn sau 19 giờ và gần giờ đi ngủ khiến cơ thể không chuyển hóa kịp lượng đường, làm tăng nguy cơ kháng insulin - yếu tố hàng đầu dẫn tới tiểu đường type 2.

PGS.TS.BS. Trần Quang Thắng (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cũng đồng tình: "Người dân, nhất là giới trẻ nên duy trì thói quen ăn tối trước 19 giờ, tránh ăn vặt về khuya. Giấc ngủ và đồng hồ sinh học có ảnh hưởng trực tiếp đến chuyển hóa đường trong cơ thể".
Bên cạnh đó, thịt đỏ giàu đạm và chất béo bão hòa. Nếu tiêu thụ vượt quá nhu cầu cũng sẽ làm tăng mỡ máu và đề kháng insulin. Một nghiên cứu của Harvard School of Public Health phát hiện, chỉ cần ăn 2 khẩu phần thịt đỏ mỗi tuần cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường. Chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết: "Nên thay thế một phần thịt đỏ bằng thịt trắng, cá, đậu phụ hoặc đạm thực vật để hạn chế rối loạn chuyển hóa".
Đáng lưu ý, thanh thiếu niên uống hơn 2 cốc nước ngọt mỗi ngày làm tăng nguy cơ tiểu đường lên đến 41%, kể cả khi đó là nước ngọt không đường (dùng chất tạo ngọt nhân tạo), theo nghiên cứu công bố trên BMJ. Tập thể dục không thể bù đắp hoàn toàn tác hại của các loại đồ uống này, vì chúng vẫn kích hoạt sự sản sinh insulin quá mức.
Lười vận động cũng làm giảm chuyển hóa glucose, tăng nguy cơ tích trữ mỡ và suy giảm insulin. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), người trưởng thành nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần, bao gồm cả bài tập aerobic và tăng sức bền. Đặc biệt, đi bộ sau bữa ăn hỗ trợ tiêu hóa và ổn định lượng đường trong máu tăng đột biến.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí nghiên cứu Springer Nature, thời điểm tốt nhất để đi bộ là trong vòng 60 - 90 phút sau khi ăn, thời điểm lượng đường trong máu thường đạt mức cao nhất. Trong đó, đi bộ nhanh giúp giảm 15% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, so với đi bộ bình thường với tốc độ dưới 3 km/giờ.
Tóm lại, tiểu đường không xuất hiện đột ngột mà là kết quả của quá trình tích lũy các yếu tố nguy cơ trong nhiều năm. Việc loại bỏ những thói quen xấu - từ chế độ ăn, giấc ngủ đến vận động - sẽ là chìa khóa phòng ngừa bệnh hiệu quả, do đó cần bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ.