18:33 15/07/2025

Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp

Băng Sơn

Đây không chỉ là bộ sưu tập để chiêm ngưỡng, mà còn là một khoảnh khắc ghi lại thời khắc lịch sử con người và quần áo đang cùng nhau tiến hóa...

Ảnh: Numéro
Ảnh: Numéro

Satin ánh bạc bị vò nhàu, gợi lên cảm giác như tấm kim loại bị va đập, denim phủ nhựa cứng như vỏ xe, lụa organza nhuộm bùn, mềm mại nhưng nhuốm màu phân hủy vừa mong manh vừa kháng cự, da nhân tạo bị cháy xém, loang thành từng vệt, như vết thương... Mỗi chất liệu trở thành “dòng ký ức” chồng lên cơ thể, kể lại một câu chuyện hậu nhân loại: khắc nghiệt, xung đột nhưng vẫn có chỗ cho thơ mộng.

Paris, xưởng kho lạnh cũ biến thành sàn diễn, sương khói lan mờ dưới ánh đèn neon lạnh buốt. Khán giả trở thành nhân chứng cho một nghi lễ lai giữa catwalk, trình diễn điêu khắc, và một bài thơ khói bụi. Âm nhạc gồm các lớp techno tối giản, tiếng đập kim loại, và trích đoạn radio nhiễu sóng.

Khi người mẫu bước ra, ánh sáng quét chậm như quét mã sản phẩm, nhấn mạnh tính cơ khí nhưng đầy xúc cảm. Những chiếc cổ dựng khổng lồ che gần hết mặt, ống tay phình lên như ống khói nhà máy. Nhà thiết kế Glenn Martens chơi với tỷ lệ như một trò điêu khắc tôn vinh khái niệm "human architecture": con người là một cấu trúc biết thở, biết di chuyển, và luôn biến hình.

Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp - Ảnh 1
Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp - Ảnh 2
 
Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp - Ảnh 3
Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp - Ảnh 4
 
Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp - Ảnh 5
Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp - Ảnh 6
 

Vị giám đốc sáng tạo người Bỉ sau những mùa lẫy lừng tại Y/Project và Diesel bước tiếp vào không gian Haute Couture bằng một ngôn ngữ mới: kịch tính, đương đại, nhưng cũng đầy chất thơ sắt đá. Glenn Martens mang đến Margiela tinh thần lãng mạn công nghiệp phá vỡ khái niệm "sang trọng mượt mà".

Dù kế thừa tinh thần décortiqué (lột bỏ lớp ngoài để phô bày cấu trúc) của Martin Margiela, Martens tiếp tục phá bỏ các quy chuẩn couture bằng kỹ thuật riêng coi thời trang như một sinh thể đột biến. Nói về màn chào sân của Glenn Martens với tư cách là tân giám đốc sáng tạo của Maison Margiela? Ảo ảnh rùng rợn và đẹp đến ám ảnh là tất cả những gì bạn nên nhớ mỗi khi nhắc tới BST Artisanal Fall 2025 của thương hiệu đến từ Pháp này.

“Quần áo không còn chỉ để mặc, mà trở thành một phần kiến trúc đang sống, đang dịch chuyển,” Martens chia sẻ sau show diễn. Đi ngược với định kiến rằng may đo cao cấp là biểu tượng của sự xa xỉ phi thực tế, NTK người Bỉ biến các chất liệu tái chế như: da cũ, giấy dán tường vintage, phụ kiện cổ, trang sức hư hỏng trở thành chất liệu xa xỉ mới.

Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp - Ảnh 7
Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp - Ảnh 8
 
Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp - Ảnh 9
Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp - Ảnh 10
 
Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp - Ảnh 11
Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp - Ảnh 12
 

Chẳng hạn như: thiết kế trench coat trong suốt như túi đựng quần áo giặt khô, hay những lớp váy hiệu ứng kim loại xếp ly gợi cảm hứng từ Flanders thế kỷ 17. Martens biến mỗi look thành một bản đồ chất liệu, một kiến trúc ngẫu nhiên nhưng vẫn kiểm soát chặt chẽ không sử dụng thời trang để khơi gợi hoài niệm, mà để xây dựng lại tương lai từ những gì đã cũ kỹ.

Khi phần lớn ngành thời trang đang chạy theo tốc độ và trào lưu "hype", Maison Margiela Artisanal dưới Glenn Martens chọn con đường khác: suy ngẫm, biến dị, và đặt câu hỏi. Kéo dài tay áo như cánh dơi, cổ áo phồng gấp thành điêu khắc, vạt váy chảy tuôn xuống như thác kim loại... trong khi áo lông nhân tạo bị ép nhiệt, biến thành bề mặt xù, như tường xi măng nứt, ren vintage phối với da mờ, cao su công nghiệp, và dây đai dệt phản quang, các lớp lót veston bị lật ra ngoài, thêu tay ngẫu hứng như graffiti...

Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp - Ảnh 13
Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp - Ảnh 14
 
Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp - Ảnh 15
Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp - Ảnh 16
 
Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp - Ảnh 17
Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp - Ảnh 18
 

Khoảng 30% bộ sưu tập là upcycled, nhưng không theo lối tự phát, tất cả đều được cấu trúc lại bằng kỹ thuật may đo truyền thống, tôn dáng và mang tính điêu khắc cao. Một bộ váy satin ánh bạc, phần ngực dựng phồng bất đối xứng như bề mặt bị va đập, thân dưới phủ denim resin gãy khúc, trên lưng, lớp lót cổ điển vẽ tay slogan "WE Are All In Flux", gợi lên thông điệp về chuyển động vĩnh hằng.

Áo khoác trench coat dài, thân trước bị kéo dài quá gối, tay áo phồng dựng đứng như một bức tượng. Váy dạ hội đuôi dài được chia làm ba tầng, mỗi tầng lệch góc 45 độ, tạo cảm giác đang tan chảy. Suit nam bị tháo bung toàn bộ cấu trúc, chỉ giữ lại khung xương vải và đai dây, lộ ra sơ mi mesh mỏng như sương. Các chi tiết corset được biến dạng thành vạt váy, kéo sang vai hoặc lưng, không còn gò ép mà trôi lơ lửng quanh cơ thể.

Sự cân bằng được tìm thấy ở những thái cực. Từ vẻ trong suốt hoàn toàn và gần như chói lóa, bộ sưu tập đã khéo léo chuyển sang những chiếc váy kim loại nhún bèo, tạo nên những đường cong mềm mại, bao bọc và tựa như người ngoài hành tinh.

Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp - Ảnh 19
Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp - Ảnh 20
 
Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp - Ảnh 21
Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp - Ảnh 22
 
Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp - Ảnh 23
Di sản Margiela trong giấc mơ công nghiệp - Ảnh 24
 

Mặc dù đây là lần đầu tiên Martens ra mắt thời trang cao cấp “chính thức”, nhưng chất liệu này ngay lập tức gợi nhớ đến sự hợp tác trên sàn diễn thời trang của ông với Jean Paul Gaultier – một sự hợp tác chưa bao giờ thực sự được chú ý đúng mức khi thế giới dần thoát khỏi đại dịch. May mắn thay, nó đã trở lại với vẻ đẹp lộng lẫy đầy mê hoặc.

Trong đó cũng có tác phẩm được tô điểm quá mức, đính đá quý lộng lẫy đến mức trông như thể đang nhìn thẳng vào rương kho báu. Sức nặng của nghệ thuật cũng hiện rõ; các người mẫu lắc lư trong khi hoàn thành các bước đi của mình. Ở một nơi khác, hai bộ trang phục được che phủ hoàn toàn tạo nên một ảo giác khỏa thân kỳ lạ, bằng cách nào đó tạo cảm giác bó buộc như những món trang sức nặng nề.

Ở phía bên kia, những tấm vải tuyn mỏng manh bao quanh cơ thể, vẽ nên một vầng hào quang ảo ảnh, nhiều hình ảnh gợi nhớ đến dấu ấn hội họa của Gustave Moreau. Lớp phủ này cũng gợi nhớ đến bộ sưu tập thủ công xuân 2017 của John Galliano, nơi những khuôn mặt vải tuyn gió thổi, được điêu khắc bởi Benjamin Shine, lướt nhẹ trên sàn diễn.

Nhà thiết kế Glenn Martens.
Nhà thiết kế Glenn Martens.

​​Dù là lần đầu tiên cầm trịch Margiela, thế nhưng, Glenn Martens không hề là “tân binh”. Ở tuổi 42, ông đã là gương mặt kỳ cựu trong giới với một mùa couture cùng Jean Paul Gaultier. Rõ ràng, Glenn Martens đang nằm trong lớp nhà thiết kế mới của 2025 - những người được trui rèn trong thực tế, mang tinh thần thực hành, và sẵn sàng định nghĩa lại sân chơi thời trang, kể cả đó là những gì đến từ đống tro tàn.

Maison Margiela Artisanal Fall 2025, dưới bàn tay Glenn Martens, không còn chỉ là may đo cao cấp để chiêm ngưỡng, mà là những thiết kế kỳ công để xem xét lại khái niệm "lý tưởng" của cơ thể, để chất vấn những chuẩn mực sang trọng. Đây là một chuyến du hành thị giác, một lời thách thức đầy duyên dáng và có phần tàn nhẫn với khái niệm Haute Couture của thời đại biến động.