12:21 04/07/2022

Có gì tại triển lãm tranh “tứ kiệt Đông Dương” đầu tiên của Sotheby’s tại Việt Nam?

Tuệ Mỹ

Đây sẽ là một trong những triển lãm lớn nhất tại Việt Nam về giá trị và số lượng. Triển lãm được đồng giám tuyển bởi Sotheby’s và khách mời - nhà nghiên cứu nghệ thuật độc lập Ace Le…

Một bức tranh của họa sỹ Lê Phổ. Nguồn: Sotheby’s
Một bức tranh của họa sỹ Lê Phổ. Nguồn: Sotheby’s

Triển làm mang tên “Timeless Souls: Beyond The Voyage” (Hồn Xưa Bến Lạ) sẽ trưng bày 50 tác phẩm của bộ “tứ kiệt Đông Dương” Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu và Vũ Cao Đàm, những danh họa tốt nghiệp khóa đầu của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux-Arts de l’Indochine - EBA). Bộ tứ lừng danh này đã lần lượt di cư sang Pháp trong các thập kỷ 1930 - 1940, và thường xuyên lồng ghép tâm tư hoài cố hương của mình vào trong các tác phẩm.

Triển lãm được ví như một lát cắt minh họa cho giai đoạn sáng tác ở hải ngoại của 4 họa sĩ, thể hiện tâm thế luôn hướng về quê hương thông qua những tuyến chủ đề quen thuộc bắt nguồn từ mạch ký ức, hoài niệm của mỗi người. “Hoa cỏ và cảnh quan, gia đình và phong tục, văn hóa và kiến trúc, giá trị và tư tưởng - đan xen và hòa quyện với những góc tiếp cận mới mẻ được các họa sỹ thu nạp được từ quãng đời viễn xứ tại Pháp,” ban tổ chức thông tin.

Bộ tứ họa sỹ lừng danh này thường mượn những gì còn đau đáu trong ký ức để thể hiện các lát cắt khác nhau về đời sống và văn hóa Việt trong tranh, thông qua các chủ đề quen thuộc. Dù vẽ hoa cỏ hay gia đình, phong tục... bộ tứ Phổ-Thứ-Lựu-Đàm đã tạo dựng được những biểu quan thị giác bắt nguồn từ cội rễ Việt, thu hút đông đảo khán giả quốc tế.

Bức tranh Maternite  của họa sỹ Lê Phổ. Nguồn: Sotheby’s.
Bức tranh Maternite  của họa sỹ Lê Phổ. Nguồn: Sotheby’s.

Đây là triển lãm đầu tiên của hãng đấu giá tranh lâu đời thứ 3 trên thế giới được tổ chức tại Việt Nam. “Sự kiện này không những đánh dấu mốc với vai trò triển lãm đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức bởi một nhà đấu giá quốc tế, mà còn là một trong những triển lãm tranh Đông Dương với quy mô lớn nhất tại đây,” theo lời giới thiệu từ đơn vị tổ chức.

Theo Sotheby’s, với “Hồn xưa Bến lạ” thì chữ “Hồn” trong tiếng Việt vừa để chỉ phần sâu thẳm nhất của mỗi người. Đó là tiếng nói chung của một dân tộc cũng như nền văn hiến, và cả cốt cách của một tác phẩm nghệ thuật. Tựa đề cho triển lãm theo đó hi vọng biểu trưng được những giá trị vĩnh cửu gửi gắm bản sắc Việt trong suốt quãng đời viễn xứ của bốn danh họa. Kết tinh trong tác phẩm là một hòa âm giữa truyền thống và văn hiến phương Đông với những kỹ thuật mỹ học mới mẻ trong phong trào hậu ấn tượng phương Tây.

Nói về triển lãm, nhà giám tuyển Ace Le cho rằng đây là một sự kiện cần thiết để mở rộng sự tiếp cận tới công chúng cho các tác phẩm nghệ thuật giai đoạn Đông Dương, nhất là trong bối cảnh giá tranh tăng phi mã và tình trạng thẩm định tranh còn nhiều tồn tại, cần tham vấn của các học giả người Việt. Còn Jasmine Prasetio, Giám đốc điều hành Sotheby’s Đông Nam Á thì cho rằng, Sotheby’s đã giới thiệu được nhiều kiệt tác Việt Nam ra thế giới. Đồng thời ghi nhận vai trò của Việt Nam như một cái nôi văn hóa nghệ thuật quan trọng, kèm theo một cộng đồng nhà sưu tập đang tăng trưởng mạnh mẽ.

Nằm trong nhóm các thị trường tăng trưởng nhanh trong khu vực, nghệ thuật Việt Nam đang thu hút sự quan tâm từ giới sưu tập toàn cầu. Thời gian qua, tranh của hoạ sĩ Lê Phổ và Mai Trung Thứ liên tục lập kỷ lục về giá trên sàn quốc tế. Tháng 4/2021, Tác phẩm "Chân dung cô Phương" của họa sĩ Mai Trung Thứ được gõ búa với mức giá 3,1 triệu USD. Đây là tác phẩm có giá công khai cao nhất của nền mỹ thuật Việt Nam.

Theo kinh nghiệm của nhà nghiên cứu Phạm Long, "Chân dung cô Phương" có thể do một nhà sưu tập Việt Nam mua. “Đây là một tác phẩm đẹp và hiếm hoi trong thời kỳ đầu của Mai Trung Thứ. Bức tranh có giá trị sưu tập hơn là giá trị đầu cơ. Vậy nên giới sưu tầm trong nước sẽ có hứng thú với tác phẩm này. Tôi hi vọng một ngày không xa, bức tranh sẽ được trưng bày tại Việt Nam”.

Có gì tại triển lãm tranh “tứ kiệt Đông Dương” đầu tiên của Sotheby’s tại Việt Nam? - Ảnh 1
Những bức tranh của "tứ kiệt Đông Dương" Phổ-Thứ-Lựu-Đàm. Nguồn: Sotheby’s.
Những bức tranh của "tứ kiệt Đông Dương" Phổ-Thứ-Lựu-Đàm. Nguồn: Sotheby’s.

Trước Mai Trung Thứ, năm 2019, bức tranh "Nude" của họa sĩ Lê Phổ đã được giao dịch trong phiên đấu giá "20th Century & Contemporary Art" của nhà đấu giá Christie's tại Hồng Kông với giá lên tới 1,4 triệu USD. Một số tác phẩm khác của họa sĩ Lê Phổ từng vượt qua mốc triệu đô, trong đó có bức "Family Life" (Đời sống gia đình) đã được bán với mức giá 1,2 triệu USD (năm 2017) và trong năm 2021, một bức tranh sơn dầu tự họa của họa sĩ Lê Phổ và bức "Thiếu nữ choàng khăn" đã được bán với giá lần lượt là 1,052 triệu USD và 1,112 triệu USD.

Mới đây, Tác phẩm "Mère et enfant" (Mẹ và con) của Lê Thị Lựu được bán giá 573.925 USD (hơn 13 tỷ đồng) trong phiên online của Sotheby's, tối 21/4. "Mère et enfant" trở thành tác phẩm đấu giá cao nhất trong phiên Indochine, gồm 49 tranh hiện đại, tạp chí cũ của các họa sĩ, giáo viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tác phẩm được cho là gửi gắm tình cảm của danh họa với gia đình và quê hương Việt Nam, trong thời gian sinh sống tại Pháp.

Có thể nói, tên tuổi các danh họa người Việt có tranh được giao dịch công khai đến nay vẫn là các họa sĩ nổi tiếng của thời kỳ họ theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngoài bộ "tứ kiệt" bao gồm Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Lê Phổ và Mai Trung Thứ có giá bán tranh cao, một số danh họa khác của Việt Nam cũng đã có tranh được giao dịch ở mức "triệu đô" như Tô Ngọc Vân, Phạm Hậu và tiếp tục khẳng định thành tựu vượt bậc của một số họa sĩ trưởng thành từ Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Trong đó tác phẩm "Vỡ mộng" của Tô Ngọc Vân được bán với giá 1,1 triệu USD; 2 tác phẩm của họa sĩ Phạm Hậu cán mốc 1 triệu USD là "Phong cảnh chùa Thầy" (giao dịch trong phiên đấu giá tháng 4/2021) và "Chín con cá chép trong hồ nước" (giao dịch trong phiên đấu giá tháng 2/2019).

Triển lãm “Timeless Souls: Beyond The Voyage” sẽ diễn ra từ ngày 11 - 14/7 tại số khách sạn Park Hyatt Sài Gòn. Sự kiện diễn ra với một số yêu cầu về thời gian thưởng lãm, chia theo các khung giờ khác nhau để giới hạn lượng người xem.