Tiếng nói châu Á được vinh danh tại Cannes
Như vậy là liên hoan phim Cannes khép lại hoàn mỹ với nhiều khoảnh khắc đáng nhớ. Năm nay các bộ phim đến từ châu Á cũng tạo được điểm nhấn đáng kể...
Đạo diễn Park Chan Wook giành giải thưởng "Đạo diễn xuất sắc nhất" tại Cannes với bộ phim "Decision to leave" kể về một thám tử phải lòng một góa phụ đang là nghi phạm trong một vụ án giết người. Đây là giải thưởng Cannes thứ 3 trong sự nghiệp của ông sau Grand Prix, giải cao thứ hai tại liên hoan cho phim kinh dị "Oldboy" năm 2003 và giải Ban giám khảo cho phim kinh dị "Thirst" năm 2009 .
Trong bài phát biểu nhận giải, Park Chan Wook ca ngợi ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu đã vượt qua đại dịch Covid-19 kéo dài nhiều năm: "Người hâm mộ không đến rạp chiếu phim, nhưng đó là thời điểm chúng tôi nhận thức được giá trị của điện ảnh", ông nói. "Vì chúng ta có hy vọng và sức mạnh để vượt qua đại dịch này, tôi tin rằng chúng ta điện ảnh sẽ giữ cho các rạp chiếu phim những điều tốt đẹp".
Cũng trong lễ trao giải, điện ảnh Hàn Quốc mang về thêm một giải thưởng nữa ở hạng mục diễn xuất. Nam tài tử Song Kang Ho đã mang về giải "Nam diễn viên chính xuất sắc nhất" cho vai diễn người môi giới trẻ sơ sinh trong bộ phim do nhà làm phim Nhật Bản Hirokazu Kore-eda viết kịch bản và đạo diễn. Song Kang Ho đóng vai Sang Hyun, người đã đánh cắp một đứa trẻ sơ sinh không được chăm sóc mà cha mẹ của nó để lại trong một chiếc hộp trẻ em và bán nó cho những bậc cha mẹ cần có con.
Đây là danh hiệu đầu tiên mà Song Kang Ho giành được từ Cannes, mặc dù anh đã đóng vai chính trong một số phim đoạt giải Cannes, bao gồm "Parasite" của Bong Joon Ho (2019) và "Thirst" của Park Chan Wook (2009). Anh từng là thành viên ban giám khảo tại Cannes năm ngoái.
Song Kang Ho trở thành diễn viên nam châu Á thứ ba giành giải diễn xuất tại Cannes sau Lương Triều Vỹ của Hong Kong cho "In The Mood for Love" năm 2000 và Yuya Yagira của Nhật Bản cho "Nobody Knows" năm 2004.
Bên cạnh LHP chính thức, Mai Vũ, đạo diễn phim hoạt hình "Giấc mơ gỏi cuốn" (Spring Roll Dream), được giải "Lights on Women" khuyến khích các nhà làm phim nữ thể hiện tiếng nói, vượt qua khó khăn tài chính. Trước đó, các tác phẩm chiếu trong hạng mục La Cinef của liên hoan. Hạng mục được thành lập từ năm 1998, dành cho việc tìm kiếm tài năng mới. Mỗi năm, ban tổ chức chọn 15 đến 20 phim ngắn và dài từ hàng nghìn phim của đạo diễn trẻ thuộc các trường điện ảnh trên toàn thế giới. Năm nay, 16 tác phẩm được chọn trong số 1.528 phim gửi về.
Spring Roll Dream xoay quanh một gia đình người Việt tại Mỹ. Linh là bà mẹ đơn thân đang xây dựng cuộc sống ổn định cho mình và con trai Alan. Gia đình hai người bị đảo lộn khi bố cô - ông Sang từ quê nhà sang thăm. Trong một lần nấu ăn, ông nhất quyết làm món gỏi cuốn cho cháu trai nhưng Linh lại muốn nấu mì ống và phô mai. Hai bố con bất đồng quan điểm về việc chọn món ăn, cũng chính lúc này, khoảng cách thế hệ lộ rõ.
Đạo diễn Mai Vũ sinh năm 1992 tại TP HCM, bắt đầu gắn bó với hoạt hình từ năm 2011. Ban đầu cô làm những đoạn phim ngắn cho bạn bè xem, sau đó bén duyên với Xin chào Bút Chì. Cô tự tìm tòi những kiến thức mới về công nghệ hoạt hình trong quá trình làm việc. Mai Vũ gắn bó với dự án trong nhiều vai trò biên kịch, chụp ảnh, dựng phim từ năm 2012 đến 2015. Năm 2020, cô sang Anh du học ngành hoạt hình, tốt nghiệp tháng 3 năm nay. Phim chính là tác phẩm tốt nghiệp của cô.
Nhân vật ông Sang được đạo diễn lấy hình tượng từ người cha già cô đơn, muốn kết nối với con cháu nhưng chỉ biết biểu lộ cảm xúc qua việc nấu nướng. Đạo diễn đặt tác phẩm trong bối cảnh khác biệt văn hóa phương Tây - phương Đông, ở đó người trẻ muốn xây dựng cái tôi, còn người già khó khăn trong việc hòa nhập.
Giải Lights On Women do nhà tài trợ chính của Cannes công bố ra mắt hồi năm ngoái. Viguier-Hovasse - đại diện nhà tài trợ cho biết lý do chọn một đạo diễn phim ngắn thắng giải bởi đây là thể loại sẽ phản ánh tương lai của ngành công nghiệp điện ảnh. Hội đồng chấm giải tại Cannes giải thích việc trao giải cho một nữ đạo diễn rằng mục đích của họ hướng tới là khuyến khích các nhà làm phim nữ thể hiện tiếng nói, hơn hết là vượt qua rào cản về kinh phí, một trong những nguyên nhân khiến nam giới chiếm ưu thế hơn nữ giới vai trò nhà làm phim.