Một hoạ sĩ gốc Việt được Tổng thống Pháp trao tặng tước hiệu Hiệp sĩ
Hom Nguyen - nghệ sĩ đương đại nổi bật trong giới nghệ thuật với dòng tranh chân dung khổ lớn - đã được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ký sắc lệnh trao tặng Huân chương Công trạng Quốc gia tước hiệu Hiệp sĩ vì đã có những cống hiến tích cực cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật…
Những sáng tác của anh truyền tải đến người xem cảm xúc rất gần gũi, thông qua những chủ đề nhân văn lẫn khía cạnh nguyên bản của nhân vật và giải phóng những xúc cảm bằng mọi chất liệu. Cách tiếp cận nghệ thuật của Hom Nguyen độc đáo ở chỗ những tác phẩm của anh như nằm ở ngã tư của phong cách tượng hình và trừu tượng, là mời gọi đi sâu vào tâm hồn của mỗi người, từ đó làm sống dậy nên ước vọng lột tả những gì ẩn sâu nhất bên trong con người thông qua đường nét và màu sắc.
Cụ thể, những nét tô lặp đi lặp lại tạo nên những mảng đậm, nhạt, mỏng, dày tạo nên từng chi tiết cho các bộ phận trên khuôn mặt, kết hợp lối chơi màu linh hoạt, làm nổi bật lên những xúc cảm của nhân vật. Hom Nguyen sử dụng đa chất liệu từ than, bột màu, sơn dầu, bút chì, acrylic, và thậm chí cả bút bi, tất cả đều đạt đến một mục đích: truyền đạt những khía cạnh sâu sắc nhất của sự tồn tại của con người.
TỪ NGHỆ NHÂN ĐÁNH GIÀY TỚI HOẠ SĨ
Gần đây vào đầu tháng 12, Hom Nguyen vinh dự trở thành một trong những nghệ sĩ đại diện của Galeries Bartoux - chuỗi phòng trưng bày tranh danh tiếng xuất hiện nhiều nơi trên toàn cầu - ghi dấu ấn tại triển lãm CONTEXT Art Miami thuộc Art Miami, trong chuỗi sự kiện của Tuần lễ Nghệ thuật Miami 2021.
Art Miami là một trong những sự kiện thường niên quan trọng nhất ở Mỹ, là một trong những triển lãm nghệ thuật quốc tế được tham dự hàng đầu tại Mỹ và được tham dự nhiều thứ hai trên toàn thế giới. Các tác phẩm chân dung mà Hom Nguyen mang đến đã góp phần quan trọng vào việc thể hiện sứ mệnh của CONTEXT Art Miami và Art Miami: mở rộng ranh giới những tư tưởng về nghệ thuật đương đại, mang đến những cái nhìn tiên tiến và khác biệt hơn về sự phát triển không giới hạn của nghệ thuật. Toàn bộ tác phẩm được dán nhãn “sold out” nhanh chóng.
Vươn lên từ hoàn cảnh khó khăn, với xuất phát điểm là một cậu bé đánh giày vô danh, đến với nghệ thuật qua con đường tự học nhưng những triển lãm của Hom Nguyen luôn dành được sự quan tâm đặc biệt đối với công chúng. Tranh của Hom Nguyen từ than, bột màu, sơn dầu, bút chì, acrylic,... là bản ghi chép lại những nhân vật mơ hồ trong ký ức, những khó khăn anh đã trải qua hay chính những nhân vật mà anh khắc hoạ.
Hom Nguyen đặc biệt nhạy cảm với những giá trị nhân văn mà đối với anh là nền tảng của tất cả nghệ thuật: sự kết nối giữa con người với nhau. Tranh của anh được trưng bày tại Grand Palais - nơi được mệnh danh là “Khải Hoàn Môn” trong giới nghệ thuật tại Paris, mà cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng là một khán giả hâm mộ khen tặng. Không những vậy, từ năm 2013, những tác phẩm của Hom đã được trưng bày ở nhiều buổi triển lãm cá nhân được tổ chức rất nhiều nơi trên thế giới từ Pháp, Hongkong, Indonesia, Singapore, được các tạp chí và tổ chức hàng đầu như Vogue, UN, McLaren Automotive mời hợp tác.
Hành trình ấy không hề dễ dàng với một người con gốc Việt trên mảnh đất xa lạ, tuy nhiên có câu nói rằng “Những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim”, vì vậy mà tranh của Hom Nguyen như một sự đối diện với cảm xúc, một thứ tình cảm xoa dịu, đã chạm tới tâm hồn của nhiều khán giả quốc tế. Năm ngoái, anh đã vẽ một bức chân dung của Michelle Obama và nhà đấu giá Christie’s đã đấu giá thành công tác phẩm này nhằm gây quỹ hỗ trợ các chương trình bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ do UN Women đứng đầu.
TRỞ THÀNH “NGƯỜI LƯU GIỮ KÍ ỨC”
Tuy sinh ra trên đất Pháp năm 1972, Hom Nguyễn có một tuổi thơ giao thoa hai nền văn hoá được nuôi dưỡng bởi một phụ nữ Hà Nội khép kín, không nói được tiếng Pháp trong một căn hộ khiêm tốn tại Paris. Khi mới bốn tuổi, mẹ lại bị tai nạn phải ngồi xe lăn, Hom Nguyễn đã cùng mẹ nương tựa vào nhau để đi qua những ngày vất vả nơi xa xứ. Trong kí ức đẹp đẽ nhất vẫn là những buổi sáng khi mà mẹ đã đỡ bệnh, thức dậy thấy mùi thơm nồi phở trong bếp ngào ngạt. Mẹ vừa nấu vừa giảng giải về triết lý nấu ăn ở quê hương, nơi mà sự âm dương, cân bằng, kết nối của các cung bậc gia vị rất được đề cao.
Phong cách vẽ của Hom Nguyễn tự do và bản năng, gồm hàng trăm đường nét đan xen, không đầu không cuối, khi thì mềm mại, khi phóng khoáng, ghi lại chân dung không chỉ một nhân vật mà là một linh hồn.
Mặc dù thích vẽ từ khoảng 8 tuổi, nhưng lớn lên Hom Nguyễn đã chọn một nghề thực tế hơn để kiếm sống, đó là nhuộm da giày. Nhờ có khiếu nghệ thuật nên những đôi giày của anh cũng sớm được khách hàng yêu chuộng, Hom bắt đầu nhận được các cuộc gọi mời hợp tác từ những thương hiệu lớn với tư cách nghệ nhân patina độc lập.
Dù chưa qua trường lớp đào tạo bài bản và phải giành phần lớn thời gian chèo lái cuộc sống, bản năng hội hoạ trong Hom Nguyễn vô cùng dạt dào. Quá đau buồn khi mẹ mất, Hom Nguyễn quyết định thu mình trong xưởng và bắt đầu làm việc mình yêu thích nhất: vẽ. Cứ tập trung vẽ một cách bản năng nhất, Hom Nguyễn bắt đầu dựng chân dung khổ lớn những yếu nhân mà mẹ ông từng ngưỡng mộ, rồi sau đó, theo dòng cảm xúc, bất kì gương mặt nào chợt xuất hiện trong tiềm thức đều được hoạ sĩ nắm bắt cảm xúc, từ hạnh phúc đến tuyệt vọng, từ dáng vẻ tới ánh mắt và đổ lên những tấm toan. Phong cách vẽ của Hom Nguyễn tự do và bản năng, gồm hàng trăm đường nét đan xen, không đầu không cuối, khi thì mềm mại, khi phóng khoáng, ghi lại chân dung không chỉ một nhân vật mà là một linh hồn.
Muốn hiểu về chính mình và quê hương, sau này Hom Nguyễn đã dành một vài tháng lang thang ở Việt Nam. Anh đặc biệt cảm thấy thân thương ở Hà Nội, có lẽ do những kí ức về quê hương đã được truyền đạt qua lời kể của mẹ. Hom Nguyễn rong ruổi lên Tây Bắc, khám phá cả những tập tục nghi lễ linh thiêng của người đồng bào dân tộc Lô Lô đen, một trong những trải nghiệm kì diệu đem cho anh những đột phá trong nghệ thuật mà BST Woman được Hom Nguyen sáng tác dành tặng riêng cho Việt Nam, mang phong cách chân dung đặc trưng chỉ tìm thấy ở Hom: những nét vẽ hỗn độn không có điểm đầu và kết, tạo thành một trường phái chân dung mới, tập trung khắc hoạ phần hồn của nhân vật.
Anh cũng đóng góp vào dự án triển lãm nghệ thuật quan trọng mang tính lịch sử “Portraits de France” - “Chân dung nước Pháp” tại bảo tàng Paris Musée de l'Homme. Triển lãm dưới sự bảo trợ cấp cao của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, vinh danh 58 nhân vật lịch sử là người nhập cư Pháp, đã đóng góp vào sự phát triển của nước này trong suốt chặng thời gian từ năm 1789 đến cuối thế kỷ 20. Hom Nguyen với bức chân dung đen trắng khổ lớn khắc họa nhà thơ, nhà viết kịch, nhà văn tiểu luận, chính trị gia da màu gốc nô lệ Aimé Césaire, đã được chọn trở thành một trong số những tác phẩm trưng bày trong triển lãm mang tính lịch sử này.
Chính vì những đóng góp nổi bật, sự cống hiến hết mình cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói riêng và cho xã hội nói chung, mới đây Hom Nguyen được trao tặng Huân chương Công trạng Quốc gia tước hiệu Hiệp sĩ (Chevalier de l'Ordre National Du Mérite). Huân chương Công trạng Quốc gia là quốc lệnh đứng thứ hai nhằm tôn vinh công dân Pháp, chỉ sau Huân chương Quân đoàn Danh dự Quốc gia. Huân chương Công trạng Quốc gia được trao tặng bởi Tổng thống Cộng hòa Pháp, thành lập vào ngày 3/12/1963 bởi Tổng thống Charles de Gaulle.
Để được Tổng thống trao tặng Huân chương danh giá này, các cá nhân phải đáp ứng cả 2 điều kiện: có thành tích xuất sắc ít nhất 10 năm trong những hoạt động công ích, dân sự hoặc quân sự, hoặc trong những hoạt động cá nhân có ảnh hưởng tích cực đến xã hội; được đề xuất bởi bộ trưởng, dựa theo bộ hồ sơ được lên nên và nghiên cứu theo yêu cầu của chính quyền trung ương, một tỉnh trưởng, một hiệp hội, một nhân vật chính trị (thị trưởng, thứ trưởng) hoặc một nhóm ít nhất 50 người (vì sáng kiến của công dân).
Được biết trong toàn bộ những gương mặt vinh dự được trao tặng Huân chương Công trạng Quốc gia năm 2021, chỉ có 5% các cá nhân đến từ lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và Hom Nguyen chính là nhân vật tiêu biểu.