Cơn sốt nickel cho ô tô điện dẫn tới nạn phá rừng ở Indonesia
Ít nhất 76.301 hectare, tương đương diện tích của thành phố New York, rừng nhiệt đới ở Indonesia đã bị phá để nhường chỗ cho 329 mỏ nicken đi vào khai thác...
Các công ty Ford của Mỹ, Vale của Brazil, Tsingshan của Trung Quốc và Jardine Matheson của Hồng Kông là chủ đầu tư của các dự án khai thác nickel ở Indonesia dẫn tới phá huỷ một diện tích lớn những khu rừng có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới - theo Financial Times.
Tờ báo này dẫn dữ liệu mới từ tổ chức hoạt động môi trường Mighty Earth và đối tác Brown Brothers Energy and Environment cho biết ít nhất 76.301 hectare, tương đương diện tích của thành phố New York, rừng nhiệt đới ở Indonesia đã bị phá để nhường chỗ cho 329 mỏ nicken đi vào khai thác. Khoảng 23.000 hectare rừng trong số này, tương đương 30% tổng số, đã bị đốn hạn từ năm 2019, trong bối cảnh nhu cầu ô tô điện và pin nickel cho ô tô điện tăng mạnh trên toàn cầu.
Sở hữu trữ lượng nickel khổng lồ, Indonesia hy vọng trở thành một cường quốc toàn cầu trong chuỗi cung ứng ô tô điện. Dữ liệu của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho thấy năm 2022, Indonesia chiếm khoảng một nửa sản lượng nickel toàn cầu.
Tuy nhiên, nạn phá rừng để khai mỏ nickel, cùng với rác thải, ô nhiễm, lượng khí thải carbon lớn, và các cuộc di dân đã gây áp lực lên Chính phủ Indonesia và các công ty khai mỏ, đòi hỏi họ phải hành động có trách nhiệm hơn, đồng thời cũng buộc các hãng xe phải tìm đến các nguồn nickel khác như Australia. Hồi tháng 3, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết nước này sẽ tăng cường giám sát việc khai mỏ nickel và yêu cầu các công ty khai quặng phải tái trồng rừng tại các mỏ đã khai thác hết.
Các nhóm môi trường và nhà phân tích đã cảnh báo rằng Indonesia có thể lặp lại những sai lầm mà nước này từng mắc phải trong ngành công nghiệp dầu cọ, tức là nạn phá rừng tràn lan trừ phi có các biện pháp bảo vệ rừng. “Indonesia đang có đứng trước tình huống như từng xảy ra khi phát triển ngành công nghiệp dầu cọ. Rừng đang bị phá ồ ạt để khai mỏ nickel”, Giám đốc cấp cao Amanda Hurowitz của Might Earth phát biểu.
Tốc độ phá rừng để trồng cọ ở Indonesia hiện nay chỉ bằng khoảng 1/5 so với ở thời kỳ đỉnh điểm, nhờ hành động của Chính phủ và sáng kiến tự nguyện của các doanh nghiệp nhằm giảm bớt việc phá rừng. Nếu tiêu chuẩn mà các công ty dầu cọ đang theo đuổi hiện nay được các công ty khai mỏ nickel áp dụng, thì nhiều mỏ nickel sẽ không được khai thác vì nằm ở những khu rừng có mức độ đa dạng sinh học cao, bà Hurowitz nhấn mạnh. Các mỏ nickel ở Indonesia thường được tìm thấy ở những khu rừng rậm có độ đa dạng sinh học cao vì hàm lượng kim loại cao trong đất ở những nơi như vậy khiến cho canh tác nông nghiệp trở thành việc không thể.
“Sự mất mát đa dạng sinh học là vấn đề lớn nhất liên quan đến ngành khai mỏ nickel ở Indonesia. Đây là một vấn đề nghiêm trọng”, một nhà cựu điều hành doanh nghiệp khai mỏ ở Indonesia nói với Financial Times.
“Sở hữu tài nguyên thiên nhiên dồi dào, Indonesia đã từng phải chật vật để đạt được sự cân bằng giữa việc bảo vệ xã hôi-môi trường và lợi ích kinh tế”, Phó giám đốc Melissa Cheok của Sustainable Fitch, bộ phận nghiên cứu về môi trường, bền vững và quản trị của tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch, nhận định.
“Nếu Chính phủ Indonesia không thực hiện đúng lời hứa về bảo vệ môi trường trong quá trình khai mỏ, cam kết về chuyển đổi xanh và uy tín của nước này nói chung sẽ suy yếu thêm, gây suy giảm niềm tin của nhà đầu tư”.
Công ty khai mỏ Vale của Brazil đang vận hành 3 dự án khai mỏ nickel lớn nhất ở Indonesia, với mức độ phá rừng lớn nhất. Từ năm 2014 đến nay, các mỏ nickel của công ty này ở Soroako, Pomalaa và Bahodopi trên đảo Sulawesi đã làm mất 19.638 hectare rừng. Dự án của Vale ở Pomalaa có sự hợp tác với hãng xe Ford của Mỹ và công ty Huayou Cobalt của Trung Quốc.
Vale cho biết đến tháng 2 năm nay đã trồng lại được 13.527 hectare rừng, trong đó có khoảng 3.500 hectare rừng tại các khu vực mỏ và 10.000 hectare rừng tại các nơi khác.
Cũng theo Mighty Earth, mộ dự án mỏ nickel ở đảo Sulawesi của liên doanh giữa công ty Bintang Delapan Group của Indonesia với công ty Tsingshan của Trung Quốc từ năm 2010 đến nay đã làm mất đi 2.738 hectare rừng. Ngoài ra, dự án khai mỏ nickel có tên Hengjaya Mineralindo do công ty Jardine Matheson của Hồng Kông nắm cổ phần đã phá 271 hectare rừng.