16:50 04/05/2016

Công ty Trung Quốc giành quyền sử dụng tên gọi “iphone”

Thăng Điệp

Đây cũng là lần thứ hai Apple bị thua trong một cuộc chiến tại Trung Quốc xung quanh tên gọi sản phẩm mà hãng tạo ra

Giám đốc điều hành (CEO) Tim Cook của Apple.<br>
Giám đốc điều hành (CEO) Tim Cook của Apple.<br>
Hãng công nghệ Mỹ Apple lại thua trong cuộc chiến giữ độc quyền tên gọi “iphone” cho sản phẩm của mình. Theo tin từ Bloomberg, một tòa án ở Bắc Kinh đã ra phán quyết cho phép một công ty sản xuất phụ kiện ít tên tuổi của Trung Quốc sử dụng tên gọi này cho sản phẩm đồ da.

Thắng trong cuộc chiến pháp lý xung quanh tên gọi “iphone” với Apple là công ty Xintong Tiandi Technology. Tuy Apple vẫn giữ được quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu thương mại iPhone dành cho điện thoại di động, kết quả của vụ kiện đi ngược những nỗ lực của “quả táo” nhằm giữ toàn quyền sử dụng tên gọi “iphone” tại Trung Quốc - thị trường điện thoại thông minh (smartphone) lớn nhất thế giới.

Đây cũng là lần thứ hai Apple bị thua trong một cuộc chiến tại Trung Quốc xung quanh tên gọi sản phẩm mà hãng tạo ra.

Phán quyết của tòa án nói Xintong có quyền dùng tên gọi “iphone” cho một loạt sản phẩm đồ da, từ ví da cho tới vỏ điện thoại.

Quyết định này duy trì phán quyết được đưa ra từ năm 2013, dựa trên cơ sở rằng khi Xintong đăng ký nhãn hiệu thương mại “iphone” vào năm 2007, thì iPhone của Apple mới chỉ là những sản phẩm bán bên ngoài Trung Quốc, và phải tới năm 2009 Apple mới đưa sản phẩm điện thoại này tới thị trường Trung Quốc.

Apple hiện chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về vụ việc. Xintong nói phán quyết trên của tòa là một thắng lợi cho các thị trường tiêu dùng tự do.

Kết quả này khó có khả năng tác động xấu tới Apple. Hồi năm 2012, trong một vụ kiện tương tự, Apple từng phải trả 60 triệu USD cho một công ty Trung Quốc có tên Proview International Holdings để giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ đối với tên gọi iPad ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo một số luật sư, Apple có thể kháng án vụ này lên Tòa án Nhân dân Tối cao của Trung Quốc.

Phán quyết mà tòa vừa đưa ra là trở ngại mới nhất trong một loạt những trở ngại mà Apple, hãng công nghệ lớn nhất thế giới, phải đối mặt ở thị trường Trung Quốc.

Hồi tháng 4 vừa qua, dịch vụ đọc xanh và xem phim của Apple ở Trung Quốc đã bị chặn vì vi phạm một số quy định về xuất bản.

Vào năm 2013, truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc Apple cung cấp dịch vụ khách hàng và bảo hành không đầy đủ, khiến Giám đốc điều hành (CEO) của hãng là Tim Cook phải cất lời xin lỗi.

Thị trường Trung Quốc bao gồm cả Đài Loan và Hồng Kông là thị trường nước ngoài lớn nhất của Apple, chiếm khoảng 25% doanh thu của hãng. Tầm quan trọng của thị trường này đối với Apple càng gia tăng, khi mà trong quý 1 vừa qua, doanh thu của hãng lần thứ hai suy giảm sau hơn một thập niên.