12:32 03/04/2017

Đại biểu Quốc hội muốn nghiên cứu hình phạt “thiến sinh học”

Nguyễn Lê

Gần đây phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin hết sức rầm rộ về tội xâm phạm trẻ em

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre).
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre).
“Đã có ý kiến cần áp dụng hình phạt thiến sinh học với tội phạm hiếp dâm trẻ em, đề nghị nghiên cứu kỹ hình phạt này, nếu đủ sức răn đe thì nên thực hiện”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, sáng 3/4.

Ông Nhưỡng nói, gần đây phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin hết sức rầm rộ về tội xâm phạm trẻ em. Ông cũng thể hiện quan điểm về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết do còn ý kiến khác nhau nên dự thảo luật vẫn để hai phương án.

Phương án 1: giữ như dự thảo luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội danh trên.

Phương án 2: giữ như quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội trên.

Kết quả xin ý kiến tại kỳ họp thứ hai, có đến 266/397 đại biểu Quốc hội đồng ý với phương án 2, song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết trong quá trình xây dựng, chỉnh lý dự thảo luật, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Uỷ ban Tư pháp, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Bộ Giáo dục và đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam lại cho rằng, việc xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên là quá nặng, chưa nhất quán về chính sách hình sự của Bộ luật Hình sự năm 2015 (thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi), đồng thời chưa phù hợp nguyên tắc “những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu” đã được ghi nhận trong công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, chọn phương án 2, đại biểu Nhưỡng cho rằng có thể giảm nhẹ hình phạt, chứ không thể không xử lý. Trẻ em phạm tội chủ yếu là ở mức nghiêm trọng và ít nghiêm trọng, nếu chỉ xử lý ở cấp độ phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là dung túng.

Cũng chọn phương án 2, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phân tích, tội phạm đang có xu hướng trẻ hoá và ngày càng phức tạp nên phải có hình phạt đủ sức răn đe.

Đại biểu Phương nói rõ là không đồng tình lý giải tuổi này nhận thức chưa tốt, và quan điểm những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu.

“Tốt nhất ở chỗ nào, cho vài người hay cho tất cả, nếu pháp luật nghiêm minh thì tạo được môi trường tốt nhất cho tất cả trẻ em”, đại biểu Phương lập luận.

Quan điểm của đại biểu Phương  và đại biểu Nhưỡng được một số vị khác đồng tình.

Nhưng, cũng có ý kiến chọn phương án 1 vì cho rằng cần răn đe giáo dục nhưng cần nhiều biện pháp tổng hợp chứ không chỉ xử lý hình sự.

Đề cập kết quả xin ý kiến đại biểu ở kỳ họp thứ hai, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng cần xem xét lại việc cung cấp thông tin cho đại biểu, không phải cứ đa số là theo hoàn toàn.

“Hiện nay mỗi năm có không dưới 2.000 vụ bạo lực học đường, đó là tội ít nghiêm trọng, nếu theo phương án hai thì hình sự hoá hết có khả thi hay không?”, bà Minh đặt vấn đề.