16:54 25/10/2022

Doanh nghiệp bán lẻ Mỹ cũng muốn có những “ông hoàng son môi”

Lưu Hà

Bán hàng qua sóng trực tuyến, vốn thịnh hành tại Trung Quốc, đang trở thành xu hướng mua sắm mới ở Mỹ. Các nhà bán lẻ ở xứ cờ hoa đang đặt cược vào việc livestream sẽ đem lại doanh thu lớn hơn so với các kênh truyền hình mua sắm truyền thống... 

Ảnh: AccuraCast
Ảnh: AccuraCast

Thay vì chăm chú nghiền ngẫm danh mục sản phẩm, người tiêu dùng xứ cờ hoa nay xem livestream trên điện thoại và chọn mua món đồ mình cảm thấy ưng ý nhất. Từ quần áo, đồ trang điểm cho đến dụng cụ gia đình, tất cả đều được phát sóng trực tiếp với sự quảng cáo nhiệt tình, chân thực. Hình thức kinh doanh này được kỳ vọng đạt doanh thu 5 tỷ USD trong năm nay và lên mức 25 tỷ USD sau 3 năm nữa, theo dữ liệu từ Coresight Research.

Theo WSJ, Dan Hodges, CEO của tập đoàn tư vấn kinh doanh Consumers in Motion đã liên hệ sự bùng nổ của xu hướng livestream mua sắm với sự thiếu hụt tương tác giữa con người với con người trong mùa dịch. Theo ông, chỉ vài năm tới, các trung tâm thương mại lớn tại Mỹ sẽ bắt kịp xu hướng thời đại, tổ chức các buổi phát sóng trực tiếp để tư vấn mua sắm cho khách hàng.

Chẳng hạn, gần đây, hãng mỹ phẩm e.l.f. Beauty ở bang California đã tổ chức các sự kiện mua sắm trên các nền tảng bao gồm TikTok và Ntwrk - một ứng dụng mua sắm trực tiếp thuộc sở hữu của Commerce Media Holdings. Ekta Chopra, Giám đốc kỹ thuật số của e.l.f. Beauty, cho biết công ty bà xem mua sắm trực tuyến qua livestream là một phần quan trọng trong chiến lược tiếp thị Bắc Mỹ. “Hoạt động này chưa tạo ra doanh thu lớn nhưng thu hút lượng tương tác rất lạc quan”, bà Chopra nói.

Thương hiệu mỹ phẩm Chella bắt đầu phát sóng trực tiếp trên Amazon khoảng một năm trước, tập trung vào nội dung hướng dẫn người xem sử dụng các sản phẩm gel dưỡng lông mày, dụng cụ uốn mi và mascara. Trung bình, mỗi video của Chella thu hút 3.000 lượt xem - con số không nhỏ với một thương hiệu tầm trung.

Từ quần áo, đồ trang điểm cho đến dụng cụ gia đình, tất cả đều được phát sóng trực tiếp với sự quảng cáo nhiệt tình, chân thực.
Từ quần áo, đồ trang điểm cho đến dụng cụ gia đình, tất cả đều được phát sóng trực tiếp với sự quảng cáo nhiệt tình, chân thực.

Còn Manoj Raghunandanan, một lãnh đạo ở mảng kinh doanh sản phẩm chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng của Công ty Johnson & Johnson (J&J), thì cho biết gần đây, J&J đã hợp tác với tập đoàn bán lẻ Walmart ở Mỹ, trong đó ngôi sao trên nền tảng TikTok, Sydney Morgan giới thiệu các sản phẩm dưỡng da, dưỡng tóc thương hiệu Neutrogena trong một buổi phát sóng trực tiếp.

Walker Jacobs, Giám đốc doanh thu tại nền tảng phát sóng trực tiếp Twitch thuộc sở hữu của Amazon, cho biết trong một sự kiện do thương hiệu mỹ phẩm L’Oréal tài trợ, người dùng Twitch vừa xem người dẫn chương trình giới thiệu một sản phẩm demo vừa thu thập vật phẩm có thể được kích hoạt và chuyển thành phiếu giảm giá cho các sản phẩm L’Oréal bán trên Amazon.

Trong khi đó, chuỗi bán lẻ Target đã hợp tác với Ntwrk trong một sự kiện phát sóng trực tiếp bán hàng giảm giá hồi tháng 9, giới thiệu các món hàng độc quyền từ bộ sưu tập mới của nhà thiết kế thời trang Houston White. Các món hàng đã được bán hết trước khi sự kiện kết thúc 30 phút.

Hoạt động này chưa tạo ra doanh thu lớn nhưng thu hút lượng tương tác rất đáng lạc quan.
Hoạt động này chưa tạo ra doanh thu lớn nhưng thu hút lượng tương tác rất đáng lạc quan.

Có thể nói, các thương hiệu Mỹ rất muốn lặp lại thành công của hoạt động mua sắm qua phát sóng trực tiếp ở Trung Quốc, nơi Công ty nghiên cứu Coresight Research ước tính doanh thu bán hàng qua hình thức này sẽ tăng từ mức 159 tỉ đô la vào năm 2020 lên 512 tỉ đô la trong năm nay. Để đạt được điều này cũng cần phải nhờ đến sự hiện diện của các KOL trên mạng xã hội, giống như Lý Giai Kỳ hay Vỹ Á tại đất nước tỷ dân.

Được mệnh danh là "ông hoàng son môi" của Trung Quốc, Lý Giai Kỳ từng bán được 15.000 thỏi son môi chỉ trong 5 phút trên nền tảng phát trực tiếp của Taobao. Cuối tháng 10/2021, Lý Giai Kỳ tiếp tục xác lập kỷ lục livestream bán hàng: trong vòng 12 tiếng livestream liên tục, anh chàng này đã thu về 10 tỷ NDT (tương đương 35,5 nghìn tỷ đồng).

Theo The Washington Post, các nhà sáng tạo tại Mỹ không cần sẵn lượt theo dõi để thu hút sự chú ý vì thuật toán sẽ xử lý điều đó. Dữ liệu từ công ty phân tích Social Blade cho thấy khoảng 40.000 tài khoản TikTok có hơn một triệu người theo dõi, so với 23.000 trên Instagram. Maribel Martinez (24 tuổi, ở Florida, Mỹ) nổi tiếng trên TikTok sau khi hóa trang thành siêu sao Luisa trong bộ phim Encanto, cô đã thu hút 2 triệu người theo dõi trong vòng 3 tháng. Giờ đây, Maribel dành mỗi tối và cuối tuần để làm video, thuê nhóm trợ lý để xử lý các giao dịch cũng như ghi khoản thu chi.

Hệ sinh thái công nghệ tại Mỹ hiện chưa giúp việc kiểm soát toàn bộ quá trình mùa hàng một cách thuận tiện.
Hệ sinh thái công nghệ tại Mỹ hiện chưa giúp việc kiểm soát toàn bộ quá trình mùa hàng một cách thuận tiện.

Thực tế, so với các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc, Facebook, Instagram, TikTok, YouTube, Pinterest và Twitter đều đã cố gắng kết nối các điểm tương tác với người dùng, nhưng các nhà tiếp thị cho biết hệ sinh thái công nghệ của họ bị phân mảnh bởi các quy định chống độc quyền và quyền riêng tư dữ liệu, khiến nhiệm vụ kiểm soát quá trình mua hàng trở nên khó khăn hơn.

Các nền tảng phát sóng trực tiếp lưu trữ nội dung nhưng không quản lý hoặc đo lường doanh số bán hàng trực tiếp vì người tiêu dùng thường phải truy cập trang web hoặc ứng dụng bên ngoài nếu họ muốn mua hàng. Trong khi đó, các nhà bán lẻ như Walmart có thể theo dõi chặt chẽ hành vi của người mua hàng và hiệu suất chiến dịch bán hàng trực tiếp thì lại phải làm việc với các công ty bên thứ ba để sản xuất và lưu trữ nội dung.

Ngoài ra, người tiêu dùng Mỹ cũng chưa quen với việc mua sắm trực tiếp qua livestream nên các chuyên gia cho rằng các nhà tiếp thị phải quảng bá mạnh mẽ chiến dịch bán hàng này, nếu không có nguy cơ chỉ thu hút lượng người tham gia ít ỏi dù đã bỏ ra ngân sách lớn.