12:39 21/09/2022

Doanh nghiệp bán lẻ Mỹ và nỗi lo dọn sạch hàng tồn trước Giáng sinh

Băng Hảo

Mùa mua sắm kỳ nghỉ lễ cuối năm tại Mỹ thường đóng góp tới 40% tổng doanh thu hàng năm của các hãng bán lẻ. Năm ngoái, doanh số bán hàng tại Mỹ trong dịp này đã tăng tới 14,1% bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19…

Ảnh: ABC News
Ảnh: ABC News

Năm nay, giới chuyên gia dự báo, con số này vẫn tăng, nhưng có phần khiêm tốn hơn nhiều. Tờ CNBC dẫn dự báo của Bain & Co. cho biết, doanh số bán lẻ năm nay sẽ tăng tối đa khoảng 7,5% so với năm 2021. Tuy nhiên khi điều chỉnh theo mức lạm phát, con số này sẽ chỉ còn khoảng từ 1 - 3%, thấp hơn mức trung bình 10 năm trở lại đây.

Trong khi đó tờ Fortune dẫn dự báo của công ty kiểm toán Deloitte cho biết, doanh số bán lẻ trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm nay đến tháng 1 năm sau sẽ chỉ tăng trong khoảng từ 4 - 6% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù mức tăng trưởng doanh thu dự báo của mùa mua sắm cuối năm nay gần tương đương với giai đoạn trước đại dịch Covid-19 về giá trị, tuy nhiên theo báo chí Mỹ, tổng lượng hàng hóa sẽ giảm do lạm phát tăng cao. Tờ Fortune dẫn kết quả khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Numerator cho thấy, khoảng 90% số người được hỏi tin rằng lạm phát sẽ ảnh hưởng đến việc mua sắm kỳ nghỉ lễ cuối năm nay, với 60% nhận định mức độ ảnh hưởng từ vừa phải đến đáng kể.

Trong bối cảnh lạm phát cao khiến người tiêu dùng hạn chế các khoản mua sắm tùy ý và mong đợi khuyến mãi, các chuyên gia dự báo mùa mua sắm kỳ nghỉ lễ cuối năm nay sẽ diễn ra sớm hơn, các hãng bán lẻ cũng sẽ tung ra nhiều chương trình khuyến mại hơn để kích cầu và giữ cho giá cả nằm trong khả năng thanh toán của người tiêu dùng. Tờ Forbes dẫn nghiên cứu của Salesforce cho biết số khách hàng tìm mua quà tặng sớm trong năm nay sẽ tăng 37% so với năm ngoái, bắt đầu từ tháng 10 tới đây.

khoảng 90% số người được hỏi tin rằng lạm phát sẽ ảnh hưởng đến việc mua sắm kỳ nghỉ lễ cuối năm nay
khoảng 90% số người được hỏi tin rằng lạm phát sẽ ảnh hưởng đến việc mua sắm kỳ nghỉ lễ cuối năm nay

Riêng với ngành thời trang, theo Financial Times, các nhà bán lẻ cũng đang chuẩn bị bán hàng "đại hạ giá" để dọn sạch các kệ hàng trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Các cửa hàng quần áo ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đang đối mặt với tình trạng dư thừa hàng tồn kho và sự phân hóa trong thói quen chi tiêu, khi những người mua sắm có thu nhập thấp ưu tiên nhu cầu thiết yếu bao gồm thực phẩm và tiền thuê nhà, còn người tiêu dùng giàu có thì chỉ quan tâm đến trang phục cao cấp cho công sở hoặc những chuyến đi chơi.

Lạm phát đã bắt đầu làm suy giảm nhu cầu, với 85% người Mỹ trưởng thành nói rằng giá cả tăng cao khiến họ thay đổi cách mua sắm, thúc đẩy họ săn lùng các chương trình khuyến mãi, giảm giá hoặc đơn giản là mua sắm ít hơn, theo báo cáo khảo sát từ Công ty Morning Consult.

Sự suy giảm này đang đặt các nhà bán lẻ thời trang vào tình thế khó khăn. Nhiều nhà bán lẻ có lượng hàng tồn kho nhiều hơn mức họ cần, sau khi các nút thắt trong chuỗi cung ứng khiến các lô hàng quần áo đặt cho kỳ nghỉ Giáng sinh năm ngoái đến muộn. Ngoài ra, nhiều nhà bán lẻ thời trang đã đặt mua sớm cho những lô hàng phục vụ mùa mua sắm bận rộn nhất của họ vào dịp Giáng sinh tới.

Nhà phân tích Jay Sole của Ngân hàng UBS, nói: Có quá nhiều hàng tồn kho ngay cả khi bạn không tính đến các lô hàng quần áo nhận sớm hơn bình thường. Nhiều nhà bán lẻ thời trang báo cáo hàng tồn kho tăng mạnh trong quý 2, với Foot Locker, Kohl’s và Gap ghi nhận hàng tồn kho lần lượt tăng 52%, 48% và 37%. Simeon Siegel, Giám đốc bộ phận nghiên cứu cổ phần tại Công ty BMO Capital Markets, cho biết: “Ngành bán lẻ thường phải bán giảm giá mạnh khi hàng tồn kho giải phóng chậm”.

Thương hiệu thời trang Hollister của Abercrombie gần đây đã chạy một chương trình khuyến mãi trên trang web cho quần jean với giá 20 đô la. Gap cũng tung ra nhiều ưu đãi trên trang web của hãng này bao gồm giảm giá thêm 50% cho các mặt hàng vốn đã được giảm giá. Nhà bán lẻ thời trang American Eagle Outfitters giải phóng sạch hàng tồn kho từ mùa xuân và mùa hè bằng cách sử dụng bán giảm giá mạnh, khiến lợi nhuận suy giảm 30 triệu đô la. Giám đốc điều hành American Eagle Outfitters, Jay Schottenstein, nói: “Đây rõ ràng là thời điểm chưa từng có tiên lệ trong lĩnh vực bán lẻ”.

Ngành bán lẻ thường phải bán giảm giá mạnh khi hàng tồn kho giải phóng chậm.
Ngành bán lẻ thường phải bán giảm giá mạnh khi hàng tồn kho giải phóng chậm.

Một sự phân nhánh rõ rệt đang xuất hiện giữa các thương hiệu giảm giá và cao cấp khi mùa lễ hội, kéo dài từ lễ Halloween đến năm mới, đến gần. Theo Jessica Ramírez, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Công ty Jane Hali & Associates, các thương hiệu cấp thấp hơn sẽ có chứng kiến người tiêu dùng giảm mua hàng của họ, trong khi đó, các thương hiệu cao cấp nhìn chung vẫn kinh doanh tốt. Gina Drosos, Giám đốc điều hành nhà bán lẻ đồ trang sức Signet, nói rằng các sản phẩm thời trang có giá bán trên 10.000 đô la vẫn tiêu thụ tốt, còn những sản giảm giá càng thấp thì càng bị ảnh hưởng bởi xu hướng hạn chế chi tiêu của người mua sắm.

Bên cạnh đó, những thách thức về hàng tồn kho năm nay dường như sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh trong năm 2023 khi các nhà bán lẻ thời trang bao gồm Gap, Kohl’s và Lands’End chuyển sang chiến lược găm hàng để bán vào năm sau. Theo Jerome Griffith, Giám đốc điều hành Lands’End, công ty ông có thể giữ lại những mẫu quần áo cơ bản trong mùa xuân và mùa hè để bán vào năm tới, nhưng đối với các mặt hàng thiên về thời trang, Lands’End sẽ bán khuyến mãi.