Doanh nghiệp dược liệu “than thở” không vay được vốn
Đầu tư vào nông nghiệp nói chung và lĩnh vực dược liệu nói riêng có mức độ rủi ro cao, suất đầu tư lớn vì chủ yếu triển khai ở miền núi xa xôi, nếu chỉ dựa vào nguồn lực của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, là chưa đủ. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi về tiếp cận đất đai, vốn… Nhưng theo phản ánh của doanh nghiệp, việc tiếp cận vốn để đầu tư lĩnh vực này rất khó khăn.
Đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu như: Quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi liên tục tăng, năm 2022 đạt 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới.
Một trong những lý do dược liệu Việt Nam mới chiếm thị phần rất nhỏ trên tổng doanh thu thị trường dược liệu toàn cầu là phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tỷ lệ cây dược liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển kinh tế dược liệu xứng tầm thì cần tập trung đầu tư hỗ trợ, ứng dụng khoa học - công nghệ trong chọn tạo giống mới, chế biến sâu để có được các sản phẩm tinh chất chứ không chỉ chú trọng xuất khẩu sản phẩm thô như hiện nay, bên cạnh đó quy trình kỹ thuật canh tác nuôi trồng dược liệu cho năng suất, chất lượng cao, ổn định đối với cây dược liệu quý, đặc hữu và có lợi thế cạnh tranh cũng rất nên được quan tâm…
Nhưng trên thực tế, ở nhiều địa phương, doanh nghiệp trong ngành dược liệu đang gặp rất nhiều khó khăn, đầu tiên đó là khó về vốn.
Tại Tọa đàm Khai mở kho vàng dược liệu Việt Nam diễn ra mới đây, TS. Vũ Văn Thoại - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm chia sẻ: “Ngân hàng không thiết tha với việc cho doanh nghiệp dược liệu nói riêng và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp vay. Vì ngành này rất rủi ro, 10 dự án thì có tới 6,7 thất bại, chỉ 1,2 hòa vốn và 1,2 dự án rất xuất sắc mới có thể có lợi nhuận ổn định. Vì vậy muốn vay vốn ưu đãi từ ngân hàng, doanh nghiệp phải có giấy phép của chính quyền địa phương, phải có định mức kỹ thuật được phê duyệt... phải qua nhiều sở ngành xét duyệt, nhưng dù “gõ cửa” nhiều nơi, doanh nghiệp vẫn không thể hoàn tất thủ tục pháp lý. Dược liệu đã trồng được Bộ Y tế công nhận, nhưng mất tới 6 tháng đi đi lại lại mà vẫn không thể làm xong thủ tục. Rốt cuộc, chúng tôi đành phải từ bỏ một dự án tại Phú Yên”.
Ông Trịnh Hiền Trung - Tổng giám đốc Công ty CP Dược liệu TH - TH Herbals (thuộc Tập đoàn TH) cho rằng, dược liệu quý thường phải trồng, canh tác tại những vùng sâu, vùng xa. Tại các khu vực này thì vốn đầu tư rất lớn, vì muốn đưa được bao xi măng hoặc bao phân lên đồi, núi tốn rất nhiều công sức. Bên cạnh đó, muốn xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng để chế biến sâu cũng không hề đơn giản bởi các vấn đề như điện, giao thông chưa theo kịp. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi hiện vẫn còn chung chung, nên khi doanh nghiệp hỏi những ưu đãi đó thì chính quyền cũng thường trả lời chung chung và “Không biết áp dụng như thế nào”, vì vậy chính sách ưu đãi không thể thực hiện được.