[Trực tiếp] Toạ đàm: Khai mở kho vàng dược liệu Việt Nam
Việt Nam là một trong 15 nước trên thế giới có tên trong bản đồ dược liệu bởi nguồn tài nguyên động, thực vật đa dạng với nhiều loại cây thuốc đặc hữu, có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao cùng nền y học cổ truyền lâu đời.
Theo Quyết định số 1976 về Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên. Đây sẽ là tiền đề để quy hoạch và phát triển nguồn dược liệu nước ta trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.
Việt Nam kỳ vọng nhiều vào việc phát triển các vùng trồng thảo dược, nâng tầm các loại cây có giá trị kinh tế cao, hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài, đạt giá trị cả tỷ USD, ví dụ như sâm Ngọc Linh.
Trên bình diện thế giới, doanh thu hàng năm của thuốc từ dược liệu trên toàn cầu ước tính đạt trên 100 tỷ USD và nhu cầu về dược liệu, thuốc từ dược liệu có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo Fortune Business Insights, tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu dự kiến có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028.
Mặc dù đến nay Việt Nam đã có định hướng lớn để phát triển kinh tế dược liệu, tham gia sân chơi lớn của thế giới. Tuy nhiên “mỏ vàng” này chưa được khai thác đúng mức bởi những hạn chế và khó khăn quá trình trồng trọt, chế biến, phát triển sản phẩm. Đồng thời, dược liệu Việt từ lâu đã chịu tác động rất tiêu cực từ nguồn hàng nhập lậu, trôi nổi từ bên kia biên giới…
Trước thực trạng nêu trên, chúng ta cần làm gì để nâng tầm dược liệu Việt Nam, phát triển ngành kinh tế này một cách bài bản, nhanh chóng và hiệu quả; doanh nghiệp dược liệu Việt Nam cần được hỗ trợ ra sao để cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm từ nước ngoài…
Đây là một trong những lý do Tạp chí Kinh tế Việt Nam- VnEconomy tổ chức buổi tọa đàm “Khai mở kho vàng dược liệu” để tìm kiếm giải pháp từ những chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp.
Các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ tham gia buổi tọa đàm gồm có:
- PGS. Tiến sĩ Trần Văn Ơn, Giảng viên cao cấp, nguyên trưởng bộ môn Thực vật Đại học Dược Hà Nội; Giám đốc khối Dự án, DKPharma JSC.
- Tiến sĩ Vũ Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm
- Ông Trịnh Hiền Trung Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu TH – TH Herbals, TH Herbals là công ty thuộc Tập đoàn TH.
- Ông Vũ Văn Tâm, Chủ tịch Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia.