Du lịch Châu Á có thể hy vọng vào du khách Trung Quốc hay chưa?
Gần một năm sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ các hạn chế du lịch, nhiều quốc gia trong khu vực vẫn chưa chứng kiến lượng khách Trung Quốc quay trở lại như mức trước đại dịch…
Kỳ nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, hoạt động du lịch ở Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ trong với 135 triệu chuyến du lịch trong nước, tăng 155% so với năm 2023, trong khi doanh thu du lịch nội địa tăng lên 79,73 tỷ NDT (11,23 tỷ USD). Theo số liệu được Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc công bố ngày 1/1, trong kỳ nghỉ Năm mới, hệ thống giao thông của nước này ước tính ghi nhận hơn 128 triệu chuyến đi, tăng 78,4% so với năm 2023 và 33,1% so với năm 2022.
Trong đó, số lượng chuyến đi bằng hệ thống đường sắt của Trung Quốc ước đạt 44,2 triệu chuyến, tăng 177,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi con số này trong ngành hàng không tăng 140,3%. Bất chấp thời tiết lạnh giá trên hầu khắp các vùng, người dân vẫn đổ xô đến các lễ hội âm nhạc, hay các khu trượt tuyết, ngắm cảnh. Trước đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc Du Jiang nhấn mạnh nhu cầu du lịch tăng cao của người dân đã thúc đẩy đáng kể du lịch nội địa.
Du lịch nội địa tăng không chỉ kích thích chi tiêu tiêu dùng mà còn đóng vai trò thúc đẩy phục hồi kinh tế. Hiện Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cũng đang xây dựng kế hoạch cung cấp các sản phẩm du lịch có chất lượng cao hơn và nhiều dịch vụ tiện ích hơn nhằm thu hút thêm du khách nước ngoài tới Trung Quốc. Trong khi đó, các công ty lữ hành Trung Quốc và những công ty du lịch trực tuyến đã được phép nối lại các dịch vụ du lịch theo nhóm ra nước ngoài tới nhiều quốc gia.
Theo Nikkei Asia, thống kê từ 10 quốc gia, nơi có số liệu phân tích về khách du lịch theo thị trường, cho thấy chỉ riêng trong tháng 10, lượng khách du lịch Trung Quốc ít hơn so với cùng kỳ năm 2019 khoảng 40%. Và con số đó thậm chí còn chưa bao gồm Thái Lan, một trong những điểm đến yêu thích của khách Trung Quốc. Dữ liệu chính thức của Thái Lan cho thấy khoảng 11 triệu khách du lịch Trung Quốc đã đến thăm nước này vào năm 2019, nhưng chỉ đạt 3 triệu cả năm nay.
Tương tự, Việt Nam đón 1,7 triệu khách Trung Quốc trong cả năm 2023, thấp hơn con số 5,8 triệu vào 2019. Hàn Quốc cũng chứng kiến lượng khách từ Trung Quốc suy giảm mạnh. Sự thiếu vắng khách Trung Quốc khiến ngành du lịch hai nước này phục hồi yếu ớt. Ngay cả một số quốc gia nơi tổng số lượng khách du lịch hiện đã vượt quá mức trước đại dịch cũng đang nỗ lực thu hút du khách Trung Quốc quay trở lại, bao gồm cả Nhật Bản.
"Các hạn chế nghiêm ngặt về Covid-19 và những khó khăn về tài sản đã làm xói mòn nghiêm trọng thu nhập và tài sản của các hộ gia đình. Sự phục hồi của ngành du lịch ra nước ngoài của Trung Quốc sẽ chậm và phải đến đầu năm 2025 mới phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch", bà Ying Zhang, nhà phân tích tại Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) nhấn mạnh. Trong trường hợp ra nước ngoài, theo báo cáo của Học viện Du lịch Trung Quốc, hơn 60% khách du lịch Trung Quốc chọn đến thăm khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo dữ liệu từ công ty phân tích hàng không Cirium, công suất chuyến bay chở khách giữa Trung Quốc và hầu hết các điểm đến ở châu Á hiện vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước Covid-19. Dữ liệu cho thấy công suất trong quý 4 của các chuyến bay từ Trung Quốc đến Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Thái Lan và Việt Nam vẫn thấp hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2019, trong khi công suất của các hãng vận chuyển đến Campuchia chỉ ở mức 22% so với kỳ trước đó.
Bà Zhang của EIU cho biết, quan tâm lớn nhất của du khách Trung Quốc là sự an toàn khi đi du lịch nước ngoài, đặc biệt là với tất cả các hoạt động lừa đảo đang diễn ra ở Đông Nam Á. Nhiều người Trung Quốc bày tỏ lo lắng tương tự trên mạng xã hội và cho biết họ sẽ tránh đi du lịch đến các quốc gia như Campuchia, nơi hiện được biết đến là thiên đường của các băng nhóm lừa đảo trực tuyến chuyên buôn người vào lao động cưỡng bức. Tháng 9 năm ngoái, vụ xả súng ở trung tâm mua sắm tại Bangkok khiến 2 người nước ngoài thiệt mạng, trong đó có 1 người quốc tịch Trung Quốc cũng đã ảnh hưởng đến niềm tin của du khách đất nước tỉ dân.
Tuần trước, chính phủ Thái Lan đã thông qua quyết định cắt giảm thuế đối với đồ uống có cồn và các địa điểm giải trí. Các hộp đêm được kéo dài thời gian mở cửa từ 2h sáng thành 4h sáng... Cùng với đó, ông Chai Wacharonke, phát ngôn viên Chính phủ cho biết, việc miễn thị thực song phương giữa Thái Lan và Trung Quốc tới đây được kỳ vọng sẽ dẫn đến tăng các chuyến bay giữa hai nước, đẩy giá vé xuống thấp và thúc đẩy lượng khách Trung Quốc đến Thái Lan.
Mặc dù sự phục hồi du lịch quốc tế của Trung Quốc chậm hơn dự kiến, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng sự phục hồi sẽ diễn ra hoàn toàn trong năm nay. Oliver Sedlinger, nhà tư vấn du lịch quốc tế ở Bắc Kinh, dự đoán Trung Quốc có triển vọng tích cực trong 2024 cũng như tầm quan trọng của việc thiết lập lại kết nối, cập nhật xu hướng thị trường. Tiana Tian, nhà phân tích nghiên cứu thị trường tại Dragon Trail, công ty du lịch tại Trung Quốc, cũng đồng tình và cho rằng năm nay sẽ là một năm các nhu cầu du lịch dần quay lại. "Sự phục hồi sẽ về mức trước dịch vào cuối năm", bà Tian nói.
Wolfgang Arlt, giám đốc Viện nghiên cứu Du lịch Quốc tế Trung Quốc, kỳ vọng về sự cạnh tranh khốc liệt giữa Trung Quốc, Mỹ và Đức cho danh hiệu thị trường nguồn du lịch nước ngoài lớn nhất toàn cầu. Ông đánh giá cả ba quốc gia đều "ngang ngửa nhau" về năng lực cạnh tranh trong năm 2023 nhưng nghiêng về Trung Quốc trong năm 2024. Ông Arlt tin tưởng Trung Quốc chắc chắn trở lại dẫn đầu thế giới, với lượng khách đi du lịch gần mức của năm 2019.
Theo UNWTO, năm 2019 khách Trung thực hiện 155 triệu chuyến du lịch quốc tế, chi tiêu nước ngoài 255 tỷ USD, gấp đôi chi tiêu của khách Mỹ và ba lần so với người Đức. David Goodger, CEO khu vực châu Âu và Trung Đông của tổ chức Tourism Economics, cho biết du lịch Trung Quốc sẽ có những bước tiến lớn hơn nữa để phục hồi vào năm 2024. "Chúng tôi dự đoán chi tiêu du lịch quốc tế sẽ vượt qua năm 2019 trong năm nay. Khách Trung cũng sẽ đến nhiều điểm, tham gia nhiều hoạt động hơn", ông Goodger nói.