14:36 04/01/2024

Vụ cháy máy bay Nhật Bản: Tiếp viên và vật liệu làm nên kỳ tích

Đức Đàm

Ngày 2/1, máy bay chở 379 người của Japan Airlines đã bốc cháy sau khi va chạm với máy bay cảnh sát biển tại sân bay Haneda ở Tokyo. Điều thần kỳ là toàn bộ 379 người trên máy bay đều sống sót...

Ảnh: The Independent
Ảnh: The Independent

Các chuyên gia hàng không đánh giá vụ tai nạn này khá bất thường, may mắn hậu quả không đến nỗi quá bị thảm. Giáo sư khoa học hàng không vũ trụ Jeffrey Price tại Đại học Metropolitan, Denver, Mỹ gọi việc mọi người trên chuyến bay của Japan Airlines đều được sơ tán an toàn là một phép màu. "Điều này không chỉ phản ánh những hành động phi thường của phi hành đoàn, mà còn ở thái độ ứng xử và trật tự của chính hành khách vào giờ phút căng thẳng cực độ, trước khi cỗ máy khổng lồ chìm toàn bộ trong biển lửa”, ông Price chia sẻ với tạp chí Business Insider.

THÔNG TIN MỚI TỪ JAPAN AIRLINES

Sau 2 ngày kể từ khi vụ tai nạn diễn ra, việc tìm kiếm hộp đen của chiếc A350 vẫn đang được tiến hành. Bên cạnh lời khai của cơ trưởng máy bay Cảnh sát biển và đài kiểm soát không lưu, mới đây, phía Japan Airlines cũng đã công bố một loạt các chi tiết liên quan đến vụ việc. Theo đó, phi công của Japan Airlines cho biết vào thời điểm chuẩn bị thực hiện quá trình hạ cánh chiếc A350, trong buồng lái có 3 thành viên tổ bay, nhưng cả 3 đều nói rằng họ "không nhìn thấy" máy bay của lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản.

Các phi công cho biết, ngay sau cú va chạm, chiếc máy bay đã tiếp tục trượt dài thêm khoảng 1km rồi mới dừng hẳn. Vào thời điểm đó, cơ trưởng và những người khác trong buồng lái vẫn chưa hề nhận ra lửa đã bùng phát và chỉ có thể nắm được tình hình sau khi được tiếp viên liên lạc qua bộ đàm. Trong khi đó, một tiếp viên trên chuyến bay JAL516 cũng tiết lộ, vào thời điểm xảy ra sự cố, cô đã ngay lập tức yêu cầu các hành khách "giữ bình tĩnh" và ngay lập tức liên lạc với khoang điều khiển.

Theo CNN, hơn 100 chuyến bay đã phải hủy sau vụ va chạm tại sân bay Haneda ở Tokyo. 
Theo CNN, hơn 100 chuyến bay đã phải hủy sau vụ va chạm tại sân bay Haneda ở Tokyo. 

Chỉ ít phút sau, tình thế trở nên vô cùng nguy cấp khi các tiếp viên chỉ có thể mở cửa thoát hiểm sau khi nhận được hướng dẫn từ buồng lái. Trong khi đó, 5 trong số 8 lối thoát hiểm trên máy bay đã bốc cháy hoàn toàn, 2 lối thoát gần hàng ghế đầu đang bắt lửa vô cùng nguy hiểm và chỉ còn 1 lối thoát hiểm khẩn cấp duy nhất ở phía bên trái phía sau máy bay. Vào thời điểm đó, tiếp viên cho biết hệ thống liên lạc nội bộ trên máy bay đã bị hỏng hoàn toàn.

Trong lúc cấp bách, các tiếp viên đã đưa ra quyết định dứt khoát, từ bỏ việc chờ chỉ đạo buồng lái và chủ động mở cửa sơ tán hành khách. Nhờ có quyết định này, cuối cùng, toàn bộ 379 hành khách và thành viên phi hành đoàn đã được sơ tán an toàn, trong đó cơ trưởng là người cuối cùng trượt xuống lối thoát hiểm khẩn cấp. Japan Airlines nhận định, việc các tiếp viên có thể đưa ra quyết định và hành động một cách độc lập là lý do khiến tất cả hành khách trên máy bay được sơ tán an toàn.

KỲ TÍCH ĐẾN TỪ TÍNH KỶ LUẬT

Theo Giáo sư khoa học hàng không vũ trụ Jeffrey Price, việc các hành khách vẫn bình tĩnh và nghe theo chỉ dẫn đã giúp ích rất nhiều. “Chỉ mất khoảng 90 giây để ngọn lửa cháy xuyên qua thân máy bay. Hành khách và phi hành đoàn gần như phải tự mình xử lý trong khoảng 1 - 2 phút đầu tiên trước khi có sự trợ giúp”. Hành khách trên chuyến bay cho hay tiếng nổ xuất hiện ngay khi máy bay hạ cánh, toàn bộ khoang ngập khói chỉ trong vài phút. Vào thời khắc quan trọng đó, các tiếp viên đã giữ bình tĩnh, hướng dẫn hành khách cúi người, bịt mũi và miệng, kêu gọi họ hợp tác trong lúc chờ máy bay dừng hẳn.

Nhờ sự quyết đoán của đội ngũ tiếp viên, toàn bộ 379 hành khách và thành viên phi hành đoàn đã được sơ tán an toàn.
Nhờ sự quyết đoán của đội ngũ tiếp viên, toàn bộ 379 hành khách và thành viên phi hành đoàn đã được sơ tán an toàn.

Chỉ vài giây sau khi chiếc Airbus ngừng trượt trên đường băng, tiếp viên mở cửa thoát hiểm ở phía trước, kích hoạt máng trượt khẩn cấp. Các video lan truyền trên mạng cho thấy hành khách thả mình xuống cầu trượt bơm hơi và nhanh chóng tránh xa máy bay khi ngọn lửa nhấn chìm động cơ. Với sự hướng dẫn của các tiếp viên, hành khách đã bỏ lại toàn bộ hành lý xách tay, bình tĩnh di chuyển theo hướng được chỉ định. Nhờ đó, toàn bộ hành khách và thành viên phi hành đoàn rời khỏi máy bay trong vòng 5 phút kể từ khi phi cơ dừng hẳn trên đường băng.

"Điều đáng rút ra từ sự cố này là hành khách cần chú ý hướng dẫn an toàn và cần nhớ rằng tiếp viên trên máy bay không phải nhân viên phục vụ ăn uống, mà là những chuyên gia an toàn đã được đào tạo bài bản", Steven Erhlich, chủ tịch của tổ chức PilotsTogether ở Anh, nhấn mạnh. Trong khi đó, chuyên gia về an toàn bay tại Đại học Cranfield của Anh, Graham Braithwaite cho rằng văn hóa của Japan Airlines đã giúp ích rất nhiều. “Huấn luyện ăn sâu vào nhận thức phi hành đoàn. Đây là điều mà hành khách không thể nhìn thấy, nhưng nó cực kỳ quan trọng", ông Braithwaite nói.

NHỮNG "ĐỘT PHÁ" VỀ CẤU TRÚC MÁY BAY 

Theo tờ Telegraph, các nhà điều tra Nhật Bản đang vào cuộc để làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ va chạm của hai máy bay tại sân bay Haneda ở Tokyo. Ủy ban Vận tải An toàn Nhật Bản sẽ dẫn đầu cuộc điều tra với sự tham gia của các cơ quan ở Pháp, nơi máy bay được chế tạo và Anh, nơi sản xuất hai động cơ. Chuyên gia hàng không Mike McCarron nhận định, vụ tai nạn xảy ra có khả năng là do lỗi của con người chứ không phải trục trặc kỹ thuật.

Theo hãng sản xuất Airbus, dòng máy bay A350 sử dụng "vật liệu nhẹ và có độ bền cao" để giảm trọng lượng và tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu.
Theo hãng sản xuất Airbus, dòng máy bay A350 sử dụng "vật liệu nhẹ và có độ bền cao" để giảm trọng lượng và tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu.

"Rõ ràng vấn đề ở đây là ai đó đã xuất hiện ở không đúng vị trí của họ. Chuyến bay của hãng hàng không Japan Airlines sắp hạ cánh. Rõ ràng máy bay này đã được phép hạ cánh. Vậy máy bay của Lực lượng Bảo vệ bờ biển đang làm gì ở đó và tại sao lại ở trên đường băng, đó là câu hỏi lớn lúc này. Có phải kiểm soát không lưu đã mắc lỗi không? Phi công lái máy bay có mắc lỗi không? Phải tìm ra lỗi ở đâu và tiến hành các bước để đảm bảo rằng những chuyện này sẽ không lặp lại nữa", chuyên gia McCarron nói.

Tại cuộc họp báo, các chuyên gia trong ngành cũng tin rằng vụ việc là bằng chứng cho thấy vật liệu hiện đại và các quy tắc an toàn phòng cháy chữa cháy nghiêm ngặt có thể bảo vệ hành khách như thế nào. Theo hãng sản xuất Airbus, dòng máy bay A350 sử dụng "vật liệu nhẹ và có độ bền cao" để giảm trọng lượng và tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu. Những vật liệu tổng hợp bằng sợi carbon này chiếm tới 54% khung tổng thể, bao gồm cả cánh, được gia cố bằng titan và các hợp kim kim loại khác. Giống như tất cả các máy bay, những vật liệu này cũng cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn khắt khe, giúp hành khách có 90 giây để thoát hiểm trong trường hợp hỏa hoạn.

“Ngày nay, chúng ta có những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt. Tất nhiên, thông thường bạn sẽ không bao giờ thấy trong đời thực những vật liệu này thực sự hoạt động như thế nào trong một đám cháy lớn. Vì vậy, vụ việc lần này gần như là một sự xác nhận rằng các tiêu chuẩn thực sự đã có ích, giúp trì hoãn sự lây lan của lửa”, Andreas Spaeth, một nhà báo chuyên viết về hàng không, nói. Jan-Arwed Richter, người sáng lập và quản lý Cục An toàn Chuyến bay JACDEC ở Đức, đồng ý: "Mỗi máy bay hiện đại đều được thiết kế, sản xuất và chứng nhận để cho phép sơ tán hành khách một cách an toàn trong vòng 90 giây. Tai nạn ngày hôm nay đã chứng tỏ điều đó có hiệu quả".