19:48 25/12/2023

Hàng không, du lịch vào mùa kinh doanh cuối năm, tăng nhiệt nhưng khó đột biến

Ánh Tuyết

Doanh nghiệp trong ngành du lịch và hàng không đang tất bật chuẩn bị phục vụ hành khách dịp Tết đến, xuân về. Dù lượng khách vẫn tiếp đà tăng trưởng nhưng dự báo sẽ khó tăng đột biến như thời gian trước...

Thị trường khách nội địa đang chững lại, thậm chí giảm nhẹ so với cùng kỳ. Còn khách quốc tế phục hồi chưa như kỳ vọng.
Thị trường khách nội địa đang chững lại, thậm chí giảm nhẹ so với cùng kỳ. Còn khách quốc tế phục hồi chưa như kỳ vọng.

Theo dữ liệu Cục Du lịch Quốc gia mới công bố, lượng khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, cao hơn 5,8% so với kế hoạch đầu năm. Còn tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm nay ước đạt 12,5 triệu lượt, tăng trên 50% so với mục tiêu đặt ra đầu năm (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu điều chỉnh vào tháng 10/2023 (12,5 - 13 triệu lượt).

NHIỀU THÁCH THỨC PHỤC HỒI THỊ TRƯỜNG KHÁCH QUỐC TẾ

Lượng khách quốc tế phục hồi mạnh mẽ được tiếp sức nhờ chính sách thị thực mới tạo động lực tăng trưởng. Cùng với đó, sự trở lại của du khách Trung Quốc khi nước này mở cửa trở lại hồi tháng 3/2023 cũng được đặt nhiều kỳ vọng.

Do khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không thường chiếm áp đảo khoảng 80% tổng lượng khách nên những nỗ lực của Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hành không trong năm 2023 đóng góp lớn trong việc phát triển hoạt động vận tải nói chung và đẩy nhanh phục hồi vận tải hàng không quốc tế nói riêng.

Tính đến cuối năm 2023, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã khôi phục hoàn toàn các đường bay đến các thị trường truyền thống và mở rộng khai thác một số thị trường mới ở khu vực Trung Á như: Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Mông Cổ. Hai thị trường quốc tế gồm: Ấn Độ, Úc chứng kiến lượng khách tăng đột biến. 

Cục Hàng không Việt Nam cho biết với lịch bay mùa đông 2023/2024, hiện có 63 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác thị trường quốc tế với 169 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến kết nối 28 quốc gia, vùng lãnh thổ Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Đông, Châu Á và Châu Phi đến các điểm của Việt Nam là Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt. 

Dù lượng hành khách quốc tế các hãng hàng không phục vụ năm 2023 tăng 70% so với cùng kỳ nhưng mới bằng 77% so với năm 2019. Nhiều biến động do lạm phát neo ở mức cao, tỷ giá tăng, xung đội chính trị, hầu bao dành cho du lịch của du khách sụt giảm ảnh hưởng lớn đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam thời gian qua.

Bên cạnh đó, trong khi nhiều thị trường quốc tế gần như hồi phục, thậm chí vượt mức trước đại dịch như Mỹ, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, đạt 90-105% so với thời điểm trước đại dịch (năm 2019) thì lượng khách từ thị trường tỷ dân chỉ đạt tương ứng khoảng 30%.

 

"Thời điểm hiện tại, các hãng hàng không đang phải đối mặt với áp lực tài chính nặng nề do liên tục giảm doanh thu và tăng chi phí an toàn. Nhiều hãng phải thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí và điều chỉnh mô hình kinh doanh để đối mặt với thời kỳ khó khăn này".

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel.

Đánh giá về tình hình kinh doanh từ thị trường quốc tế năm vừa qua, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng tình hình hồi phục du lịch và hoạt động của các đường bay trong nước, quốc tế đang gặp nhiều thách thức do tác động của tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu.

Những thách thức của thị trường khách quốc tế đã được Vietravel nhận diện ngay từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Vì vậy, Vietravel chủ động ứng phó với tình hình này thông qua việc tập trung vào những chiến lược kinh doanh linh hoạt như: điều chỉnh các gói tour phù hợp, ra mắt các chương trình ưu đãi đặc biệt theo tuần, tháng…

Còn đối với các đường bay trong nước, theo đại diện Vietravel, Chính phủ và cơ quan quản lý đang nỗ lực mở rộng thêm nhiều tuyến bay và tăng cường an toàn để khuyến khích người dân du lịch trong nước. Điều này giúp ích đáng kể cho ngành du lịch.

"Cùng các đợt giảm giá, chính sách ưu đãi và an toàn y tế đã thúc đẩy sự quay trở lại của du khách nhưng vẫn còn nhiều công việc cần thực hiện để duy trì đà tăng trưởng", bà Khanh nhận định.

TẤT BẬT CHUẨN BỊ CHO MÙA CAO ĐIỂM

Mùa cao điểm hoạt động của ngành hàng không đến gần, trong dịp Tết Nguyên đán (từ 29 tháng Chạp tới mùng 5 Tết) tới đây, doanh nghiệp trong ngành du lịch và hàng không đang tất bật chuẩn bị và mong đợi một mùa bội thu. 

Theo đó, Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco) vừa thông báo tiếp tục tăng thêm 224.000 chỗ, tương ứng 1.500 chuyến bay cho dịp cao điểm Tết 2023. Các chuyến bay tăng cường tập trung trên các đường bay nội địa chở khách về quê thăm thân hoặc du lịch dịp Tết như giữa Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Huế, Quảng Nam, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Phú Quốc...

"Anh cả" ngành hàng không cũng dự định thuê ướt 4 máy bay bao gồm thuê cả nhân lực phục vụ, đảm bảo lượng ghế cung ứng dồi dào, đi kèm nhiều mức giá hấp dẫn cho hành khách để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách tăng cao trong giai đoạn cao điểm Tết sắp tới.

Với Vietravel, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh cho biết dự kiến trong dịp Tết Giáp Thìn, công ty sẽ phục vụ hơn 150.000 lượt khách. Tính đến thời điểm hiện tại, lượng khách đến mua tour du lịch xuân ở thị trường quốc tế đã lên đến con số gần 20.000 lượt. 

Trong dịp du lịch xuân 2024, đa số khách hàng đều ưa chuộng những điểm đến mang đậm không khí tươi mới, sôi động ở các lễ hội và đặc trưng của dịp Tết. Vietravel Airlines cũng lên kế hoạch khai thác hơn 100.000 ghế trên toàn mạng bay nội địa và quốc tế trong giai đoạn này.

"Đa dạng và phong phú là hai tiêu chí quan trọng mà du khách Việt đặc biệt chú ý khi đến mua tour tại Vietravel, với mong muốn có cơ hội khám phá những địa điểm mới, trải nghiệm văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc vùng miền, thưởng thức ẩm thực và tham gia vào các hoạt động giải trí. Ngoài ra, an toàn và sức khỏe cũng là ưu tiên hàng đầu", bà Khanh chia sẻ.

Dù vậy, thị trường trọng điểm vùng Đông Bắc Á tăng đều nhưng vẫn ở mức chậm. Các thị trường MICE kết hợp du lịch với sự kiện, hội thảo, khen thưởng, du lịch nội địa, nước ngoài và tour lẻ nội địa đang có mức tăng trưởng đáng kể nhưng không đột phá.

Cần phải nói thêm, dịch vụ hàng không mang tính mùa vụ, đây chính là yếu tố quan trọng quyết định khá lớn đến các hoạt động của nhiều hãng bay tại Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung. Do đó, một số giai đoạn cao điểm trong năm như du lịch hè, nghỉ Tết Dương lịch, nghỉ Tết Nguyên đán, các đợt lễ 30/4 - 1/5 nhu cầu đi lại của nhiều du khách tăng đột biến.

"Vì vậy, các hãng hàng không trong và ngoài nước phải có kế hoạch cung ứng phù hợp. Ngược lại, trong mùa thấp điểm, nhiều hãng bay sẽ có xu hướng thu hẹp lượng tải, để có thể cân bằng chi phí vận hành và lợi nhuận", đại diện Vietravel phân tích.

Nhìn nhận tình hình hồi phục du lịch và các đường bay chịu tác động của nhiều yếu tố, từ biến động của dịch bệnh đến sự chậm trễ trong quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu, do đó, Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel cho rằng cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ và toàn ngành và sự sáng tạo của mỗi doanh nghiệp để ngành du lịch, hàng không bứt tốc sau dịch và có thể đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi kinh tế.