16:44 31/01/2024

Gần một nửa dân số thế giới đã hạn chế chất béo chuyển hóa trong thực phẩm

Hoài Phương

Chất béo được phân chia làm 3 loại: chất béo chuyển hóa, chất béo không bão hòa và chất béo bão hòa. Chất béo chuyển hóa là loại chất béo xấu không có giá trị dinh dưỡng và có hại cho sức khỏe...

Ảnh: MyNetDiary
Ảnh: MyNetDiary

Chất béo chuyển hóa thường được tìm thấy trong thực phẩm chiên, xào, thức ăn nhanh đã qua chế biến hoặc thực phẩm nướng. Nếu chúng ta thường xuyên ăn loại chất béo này thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch bởi cấu trúc hóa học của chất béo chuyển hóa có khả năng làm tăng cholesterol xấu và làm giảm lượng cholesterol tốt. Theo các nghiên cứu y khoa, chất béo chuyển hóa sẽ làm tắc nghẽn các động mạch xung quanh tim.

Tuy nhiên, chất béo chuyển hóa tự nhiên không đáng lo ngại bằng chất béo chuyển hóa nhân tạo, hay còn gọi là chất báo hóa học. Chúng được tạo nên bởi mỡ và dầu qua tinh chế, xuất hiện trong thực phẩm chế biến thông qua cách sử dụng dầu thực vật được hydro hóa hoặc hydro hóa một phần (chiên ngập dầu, nướng....). Các nhà sản xuất thực phẩm thường sử dụng chất béo chuyển hóa vì chúng có thời hạn sử dụng lâu hơn và rẻ hơn một số chất thay thế khác.

Ngày 30/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết gần một nửa dân số thế giới đã thực hiện những quy tắc hạn chế chất béo chuyển hóa trong thực phẩm và kêu gọi các nước còn lại nên tiếp tục hoàn thành mục tiêu này. Theo WHO, mỗi năm chất béo hoá học gây ra 500.000 ca tử vong sớm. Năm 2018, WHO đã kêu gọi loại bỏ axit béo được sản xuất công nghiệp trong thực phẩm trên toàn thế giới. Mục tiêu hướng đến là vào năm 2023, nhưng sau 5 năm không thể hoàn thành, WHO gia hạn mục mục tiêu này vào năm 2025.

Theo các nghiên cứu y khoa, chất béo chuyển hóa sẽ làm tắc nghẽn các động mạch xung quanh tim.
Theo các nghiên cứu y khoa, chất béo chuyển hóa sẽ làm tắc nghẽn các động mạch xung quanh tim.

Theo WHO, hiện có khoảng 53 quốc gia chiếm 46% dân số thế giới hiện đang thực hiện các chính sách thực hành tốt nhất về chất độc hại. Từ những quyết định này, theo ước tính của WHO mỗi năm có khoảng 183.000 sinh mạng được cứu sống. “Chất béo chuyển hóa có nguy cơ rất lớn đối với sức khỏe. Chúng tôi rất vui mừng vì rất nhiều quốc gia đã đưa ra chính sách cấm hoặc hạn chế chất béo chuyển hóa trong thực phẩm", người đứng đầu WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết trong một tuyên bố.

WHO công bố 7 quốc gia đã triển khai các chính sách thực hiện tốt việc ngăn chặn chất béo chuyển hoá độc hại năm 2023 là Ai Cập, Mexico, Moldova, Nigeria, Bắc Macedonia, Philippines và Ukraine. Theo WHO, cách để loại bỏ chất béo chuyển hóa là các nước nên có giới hạn bắt buộc trên toàn quốc hoặc thậm chí là ban lệnh cấm hoàn toàn. Đại sứ Đan Mạch tại Liên Hợp Quốc ông Ib Petersen cho biết các chính sách được áp dụng ở Đan Mạch đã làm giảm bệnh mạch vành ở nước này tới 11%.

Dựa trên những bằng chứng khoa học mới nhất, WHO cũng đưa ra các hướng dẫn về cách sử dụng chất béo và carbohydrate để tốt cho sức khoẻ. Trong chế độ ăn uống, WHO lưu ý rằng người trưởng thành nên hạn chế tổng lượng chất béo ăn vào ở mức 30% hoặc ít hơn. Người từ 2 tuổi trở lên nên nạp chủ yếu là chất béo không bão hòa, trong đó không quá 10% tổng năng lượng chất béo bão hòa và không quá 1% tổng năng lượng chất béo chuyển hóa từ cả thực phẩm đóng gói và thực phẩm từ động vật nhai lại.

Chất béo chuyển hóa tự nhiên không đáng lo ngại bằng chất béo chuyển hóa nhân tạo.
Chất béo chuyển hóa tự nhiên không đáng lo ngại bằng chất béo chuyển hóa nhân tạo.

Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa trong chế độ ăn uống có thể được thay thế bằng các chất dinh dưỡng khác như chất béo không bão hòa đa, chất béo không bão hòa đơn từ nguồn thực vật hoặc carbohydrate từ thực phẩm chứa chất xơ tự nhiên, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây và đậu. Chất béo bão hòa có thể được tìm thấy trong thịt mỡ, thực phẩm từ sữa, chất béo cứng và dầu như bơ, ghee, mỡ lợn, dầu cọ và dầu dừa.

Trong khi đó, carbohydrate là một thành phần cơ bản trong thức ăn của con người bao gồm đường, tinh bột, sữa và các chất xơ. WHO đưa ra một khuyến nghị mới rằng lượng carbohydrate cho người từ 2 tuổi trở lên nên chủ yếu đến từ ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây và các loại đậu. WHO khuyến nghị người trưởng thành nên tiêu thụ ít nhất 400 gam rau và trái cây và 25 gam chất xơ tự nhiên mỗi ngày. Cụ thể: Người từ 2 – 5 tuổi, ít nhất 250g; từ 6 – 9 tuổi, ít nhất 350g; từ 10 tuổi trở lên, ít nhất 400g rau và trái cây mỗi ngày. Người từ 2 – 5 tuổi, ít nhất 15g; từ 6 – 9 tuổi, ít nhất 21g; từ 10 tuổi trở lên, ít nhất 25 g chất xơ tự nhiên mỗi ngày.

Trước đó, một nghiên cứu được các nhà khoa học thuộc Đại học Birmingham (Anh) công bố trên tạp chí chuyên ngành "Nutrition and Nutrients" cho thấy, các loại thực phẩm nhiều chất béo có thể làm giảm lưu lượng máu đến não, khiến chức năng mạch máu suy giảm, tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần và chức năng nhận thức, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Trong khi đó, việc tiêu thụ những thực phẩm lành mạnh hơn, đặc biệt là những thực phẩm giàu polyphenol, trong đó có ca cao, quả mọng, nho, táo, các loại trái cây và rau quả khác, có thể ngăn ngừa nguy cơ suy giảm chức năng mạch máu. Do đó, các nhà nghiên cứu khuyến nghị mọi người chống lại sự cám dỗ của những món ăn vặt nhiều chất béo, thay vào đó nên tìm đến trái cây, rau quả lành mạnh để làm dịu sự căng thẳng.

Thức ăn chứa nhiều chất béo cũng ảnh hưởng đến khả năng học tập và trí nhớ.
Thức ăn chứa nhiều chất béo cũng ảnh hưởng đến khả năng học tập và trí nhớ.

Giáo sư Jet Veldhuijzen van Zanten cho biết, các nhà khoa học đã nghiên cứu và đánh giá sự khác biệt về cách thức phục hồi của cơ thể khỏi những áp lực căng thẳng ở những người khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18 - 30. Theo đó, những người tham gia nghiên cứu nhận 2 chiếc bánh sừng bò bơ cho bữa sáng. Sau đó, họ được yêu cầu thực hiện các phép tính nhẩm, tăng dần tốc độ trong 8 phút và sẽ được thông báo khi đưa ra câu trả lời sai.

Kết quả cho thấy tiêu thụ thực phẩm nhiều chất béo khi căng thẳng thần kinh sẽ làm giảm 1,74% chức năng mạch máu. Đáng chú ý, các nghiên cứu trước đó cho thấy nếu chức năng mạch máu bị suy giảm 1%, nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ tăng 13%. Những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn, tác động có thể nghiêm trọng hơn.

Tác giả của nghiên cứu, bà Rosalind Baynham thuộc Đại học Birmingham, cho biết nghiên cứu trên "mô phỏng những căng thẳng mà chúng ta có thể phải đối mặt hàng ngày ở nơi làm việc hoặc ở nhà", từ đó để mọi người có biện pháp giảm thiểu nguy cơ. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy rằng, thức ăn chứa nhiều chất béo ảnh hưởng đến khả năng học tập và trí nhớ. Do đó, điều quan trọng là mọi người phải thận trọng hơn về các mặt hàng thực phẩm mà mình đang tiêu thụ.