12:47 16/06/2021

Giá dầu "bốc hỏa", không phải cổ phiếu dầu khí nào cũng hưởng lợi như nhau

An Nhiên

Giá dầu liên tiếp lập đỉnh trong nhiều tuần trở lại đây, đưa cổ phiếu nhóm dầu khí thăng hoa sau sóng ngân hàng, chứng khoán….

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cổ phiếu nhóm dầu khí tiếp tục có một phiên giao dịch tích cực vào sáng nay (16/4) khi chỉ số đồng loạt tăng: BSR tăng 7%, PLX tăng 1,64%, PVD tăng 2,45%, PVS tăng 5,57%, OIL tăng 2,1%… Thanh khoản nhóm này cũng cao hơn trung bình gấp đôi so với một tuần trước đó.

GIÁ DẦU, KHÍ ĐỒNG LOẠT TĂNG MẠNH

Triển vọng của nhóm dầu khí dựa trên cơ sở giá dầu đã tăng liên tiếp trong suốt ba tuần trở lại đây và hiện tại đang ở mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây nhờ nền kinh tế hồi phục từ đáy sau Covid 19. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York vào thời điểm hơn 15h chiều ngày 15/6 theo giờ Việt Nam đứng ở 71,2 USD/thùng, tăng 0,32 USD/thùng so với đóng cửa phiên trước. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London cùng thời điểm tăng 0,33 USD/thùng, đạt 73,19 USD/thùng. Tính từ đầu năm, giá dầu WTI đã tăng hơn 50% và giá dầu Brent tăng 44%.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tiền rẻ tràn ngập thị trường nhờ lãi suất thấp, chốt lời nhóm ngân hàng, chứng khoán cùng với việc đầu tư chỉ số giá hàng hóa quốc tế chưa phù hợp trong bối cảnh hiện tại đối với đại đa số nhà đầu tư, thì dòng tiền đổ vào nhóm này tìm kiếm cơ hội sinh lời cũng đẩy mặt bằng giá lên cao.

Lịch sử còn cho thấy, ở những thời kỳ lạm phát, các doanh nghiệp dầu khí đánh bại chỉ số làm phát tới 71% và đem lại lợi nhuận hàng năm trung bình lên tới 9%.

Tại Việt Nam, lạm phát trong 5 tháng đầu năm vẫn đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên với nền kinh tế mở và chịu tác động nhiều từ giá hàng hóa thế giới như Việt Nam thì áp lực lạm phát giai đoạn tới vẫn hiện hữu. Khi lạm phát leo thang thì giá hàng hóa thường tăng mạnh, đặc biệt nhạy cảm như giá dầu, giá kim loại hoặc giá các mặt hàng nông nghiệp, do đó, cổ phiếu những ngành này nhìn chung sẽ hưởng lộc nhờ siêu chu kỳ tăng giá của dầu.

Giá dầu "bốc hỏa", không phải cổ phiếu dầu khí nào cũng hưởng lợi như nhau - Ảnh 1

Dựa trên kịch bản giá dầu tăng, hầu hết các doanh nghiệp dầu khí cũng đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh dựa trên giả định giá dầu ở mức 45 USD/thùng, thấp hơn so với mức giá hiện tại. Kết thúc quý 1/2021, doanh thu ngành dầu khi giảm 6,7% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 162,7% nhờ bật tăng của giá dầu thế giới trong bối cảnh nhu cầu hồi phục nhưng nguồn cung không tăng.

KHÔNG PHẢI CỔ PHIẾU NÀO CŨNG “HƯỞNG LỘC”

Tuy nhiên, dù giá dầu bước vào chu kỳ siêu tăng thì không phải doanh nghiệp nào cũng được “hưởng lộc” lớn. Trên thực tế, nhóm dầu khí đã phân hoá lợi nhuận rõ rệt sau quý 1 đầu năm.

Cụ thể, đối với BSR: Sản lượng tiêu thụ tăng khoảng 7% so với cùng kỳ trong quý 1 giúp doanh thu tăng trưởng lần đầu tiên kể từ quý 3/2019, tăng 17% so với cùng kỳ. Biên dầu cải thiện giúp mở rộng biên EBIT lên mức cao nhất từ trước đến nay, đạt 8,75%. BSR cũng giảm sản lượng xăng máy bay và tối đa sản phẩm xăng RON 95, RON92 và diesel khi Covid-19 chưa được kiểm soát.

Trong nhóm dầu khí, BSR là đơn vị có con số lợi nhuận lớn nhất, đạt 1.856 tỷ đồng lãi trong quý đầu năm 2021. Doanh thu thuần quý 1 đạt 21.049 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ, chủ yếu nhờ xu hướng giá dầu tăng kéo giá bán các sản phẩm chủ yếu đi lên; lợi nhuận gộp thu được 2.040 tỷ đồng.

Với PLX, doanh thu thuần hợp nhất quý 1/2021 đạt 38.247 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ và lãi ròng ghi nhận 661 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 1.900 tỷ đồng nhờ giá dầu quý 1 năm nay tăng giúp hoạt động kinh doanh xăng dầu có lãi.

Tương tự, OIL ghi nhận doanh thu thuần quý 1/2021 đạt 11.768 tỷ đồng, giảm 33% so với quý 1/2020. Tuy nhiên, nhờ giá xăng dầu thế giới tăng mạnh nên biên lãi gộp của OIL được nới rộng. Lợi nhuận gộp quý 1 đạt gần 779 tỷ đồng, tăng đáng kể so với con số hơn 64 tỷ đồng cùng kỳ.

Giá dầu "bốc hỏa", không phải cổ phiếu dầu khí nào cũng hưởng lợi như nhau - Ảnh 2

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp như PVD tiếp tục thua lỗ. Doanh thu thuần quý 1/2021 giảm đến 67% do không có giàn cho thuê trong quý đầu năm nay, cùng với việc kinh doanh dưới giá vốn khiến PVD lỗ 104 tỷ đồng.

Đánh giá về nhóm này, FiinPro cho rằng, tăng trưởng lợi nhuận nhóm ngành dầu khí chủ yếu đến từ nhóm Hạ nguồn (Sản xuất và khai thác dầu khí) bao gồm PLX, BSR và OIL do tiêu thụ hồi phục, không phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho và biên dầu (crack spread) tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận nhóm Trung nguồn (cung cấp Thiết bị & Dịch vụ dầu khí) với hai đại diện lớn nhất là PVD và PVS tiếp tục suy giảm do hoạt động khai thác chưa kích hoạt trở lại cho dù giá dầu tăng cao.

Về định giá, Fiinpro nhận định, triển vọng lợi nhuận thời điểm hiện tại gần như đã phản ánh hết vào giá. Chỉ số giá cổ phiếu ngành tăng 39,1% từ đầu năm với 10/11 cổ phiếu tăng 3%-100%, bao gồm cả các cổ phiếu của các doanh nghiệp cung cấp thiết bị và dịch vụ dầu khí dù nhóm này có triển vọng không tích cực. Năm 2021, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của ngành dự kiến tăng 6,3% và 740,8%, chủ yếu đến từ 3 doanh nghiệp Hạ nguồn là PLX, BSR và OIL, Định giá P/E hiện tại (24,6x) của ngành không còn rẻ nếu so với triển vọng lợi nhuận (P/E forward 2021 là 40,0x).

Đối với nhóm như PVD và PVS, dù không hưởng lợi trực tiếp nhờ giá dầu nhưng thị giá cổ phiếu vẫn tăng trong giai đoạn gần đây. Trên các room chứng khoán, những ngày gần đây xuất hiện dày đặc lời kêu gọi nhà đầu tư “lên tàu” các mã này để đón siêu sóng dầu khí.

Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, giá dầu khó có thể tăng cao hơn nữa, thị giá cổ phiếu của những doanh nghiệp hưởng lợi cũng đã tăng khá cao, do đó, các nhà đầu tư cần thận trọng giải ngân, nếu có nên tìm đến những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận dựa trên giá dầu để tránh thiệt hại rủi ro khi dòng tiền đầu cơ rút khỏi nhóm này.