Cổ phiếu ngành hàng không: Qua cơn bĩ cực sắp tới hồi thái lai?
Có nhiều lý do để kỳ vọng cổ phiếu ngành hàng không sẽ trỗi dậy trong những tháng cuối năm 2021…
Cùng với nhóm du lịch, trên sàn chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu ngành hàng không chịu nhiều tác động tiêu cực nhất với dịch bệnh. Trong suốt năm 2020 kể từ khi xuất hiện Covid 19 cho đến nay, dòng tiền đổ cuồn cuộn vào lần lượt hầu hết các lĩnh vực nhưng lại trừ nhóm cổ phiếu hàng không. Với tín hiệu tích cực gần đây, nhiều dự báo cho rằng cổ phiếu đang ở vùng giá hấp dẫn, sẵn sàng cho những phiên bùng nổ vào những tháng cuối năm…
NIỀM VUI NHÂN…NĂM
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục thống kê, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương gần đây đã ảnh hưởng tới doanh thu du lịch lữ hành. Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5/2021 ước tính đạt 13,4 nghìn lượt người, giảm 30,8% so với tháng trước và giảm 40,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế ước tính đạt 81 nghìn lượt người, giảm 97,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 50,5 nghìn lượt người, giảm 98,3%.
Tuy nhiên, điểm sáng là vận tải hành khách đường hàng không vẫn đạt 14,7 triệu lượt khách, tăng 16,9% và sản lượng vận chuyển hàng hoá đường hàng không đạt 171,5 nghìn tấn, tăng 40,1% so với cùng kỳ năm trước nhờ các hãng hàng không cùng với ngành du lịch thực hiện các chương trình kích cầu, đẩy mạnh thu hút hành khách nội địa.
Bên cạnh đó, quá trình tiêm vaccin cho toàn bộ người dân nhận tín hiệu tích cực khi Bộ Y tế cho biết sẽ cố gắng tiêm đầy đủ cho 70% dân số từ nay đến cuối năm. Mới đây, Bộ Y tế Việt Nam đã ký hợp đồng mua 31 triệu liều vaccin Covid-19 từ Pfzier – Mỹ và sẽ nhận trong nửa cuối 2021. Ngày 12/6 Bộ Y tế chính thức phê duyệt vaccin phòng Covid 19 của hãng này. Trước đó, ngày 9/6, Australia, Pháp và Thụy Sỹ đều hứa cung cấp thêm vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam. Các thủ tục nhập khẩu vaccin được rút gọn nhanh nhất có thể.
Trên thế giới, một số quốc gia nổi bật trong tốc độ tiêm chủng vaccin ngừa Covid-19 bao gồm các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, Anh, Canada, Trung Quốc và Đức. Trong top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Canada có tỷ lệ dân số đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccin Covid-19 cao nhất (61,6%), sau đó là Anh (59,4%), Mỹ (50,9 %), Đức (45,1%), Ý (43,1%), Pháp (41,2%) và Trung Quốc (ước tính khoảng 36,0%). Nhờ đó, một số quốc gia đang có kế hoạch mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào đầu quý 3/2021.
Do đó, chỉ cần vaccin được tiêm tương đối ở Việt Nam vào quý 3, viễn cảnh phục hồi các hãng hàng không sẽ không còn xa xôi. “Dựa trên số lượng các lô vaccin dự kiến nhận được đến nay, kỳ vọng 14,66%/26,02% dân số Việt Nam sẽ được tiêm đủ liều theo ước tính. Cùng với tỷ lệ tiêm chủng cao hơn ở các thị trường bay quốc tế trọng điểm, Việt Nam có khả năng để mở lại đường bay quốc tế một cách an toàn từ Quý 3/2021 như đã ước tính”, Chứng khoán VnDirect nhấn mạnh.
Áp lực vì dịch bệnh, kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp hàng không cũng buộc phải đổi mình vừa mở rộng đầu tư khi vừa phải thắt chặt chi tiêu, thắt lưng buộc bụng, giảm tối đa các chi phí không thực sự cần thiết cải thiện dòng tiền kinh doanh… Chẳng hạn, tại VietJet Air, trong tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niên mới đây, dự kiến hãng sẽ bổ sung một số ngành nghề kinh doanh mới như bán buôn thực phẩm, đồ uống, hàng may mặc, giày dép, thuốc lào, bốc xếp hàng hoá, nhiếp ảnh, dịch vụ đóng gói…
Trong khi đó, Vietnam Airlines mới đây đã đăng thông báo mời tham gia mua đấu giá 11 tàu bay A321CEO sản xuất năm 2004, 2007 và 2008. Ngoài ra, Vietnam Airlines còn muốn bán và thuê lại một động cơ dự phòng PW1133G-JM kèm QEC mới (Quick Engine Change - bộ thay động cơ nhanh) dự kiến giao tháng 7/2021. Trước đó, Vietnam Airlines cũng từng lên kế hoạch bán 6 tàu bay A321CEO sản xuất năm 2007.
Phản ứng tích cực với những thông tin trên, cổ phiếu nhóm hàng không cũng rục rịch tăng nhẹ trong vòng một tuần trở lại đây. Cụ thể, VJC tăng 3,49%; HVN tăng 5,26%; ACV tăng 5,82%; cổ phiếu VTR “ông chủ” của hãng hàng không Vietravel Airlines cũng tăng nhẹ gần 2%; SCS tăng gần 3%…
NHIỀU KHUYẾN NGHỊ KHẢ QUAN
Trên thực tế, thời gian gần đây, nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra khuyến nghị khả quan với cổ phiếu nhóm hàng không. Cụ thể, với VietJet Air, Chứng khoán VnDirect cho rằng, với dòng tiền 3.708 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu quỹ và chuyển nhượng dự án bất động sản ước tính thu về trong quý 2/2021, thanh khoản và sức khỏe tài chính của VJC sẽ được cải thiện, củng cố vị thế giúp doanh nghiệp vượt qua thời gian đại dịch và mở rộng quy mô đội bay trong thời gian sắp tới.
Trong trường hợp đường bay quốc tế của Việt Nam được mở lại như dự kiến vào cuối quý 3/2021, kỳ vọng lượng hành khách quốc tế bắt đầu hồi phục từ quý 4/2021 và tăng mạnh trong năm 2022 với sản lượng hành khách tăng trưởng 58,6% - 135,1% so với cùng kỳ trong năm 2021-2022, đóng góp phần lớn cho tăng trưởng tổng sản lượng hành khách ở mức 35,4%-22,1% so với cùng kỳ trong năm 2021-2022. Từ đó thúc đẩy sự phục hồi đối với kết quả kinh doanh của VJC từ năm 2022 trở đi.
VnDirect cho rằng mức độ rủi ro/lợi nhuận của VJC là tương đối hấp dẫn cho mục tiêu tích lũy, lợi nhuận kỳ vọng 25% và nâng khuyến nghị lên Khả quan với giá mục tiêu 138.900 đồng/cổ phiếu.
Đối với ACV, theo Quyết định số 2007/QĐ-TTg, kể từ 2021, ACV đã chính thức được giao quản lý tài sản khu bay và bắt đầu hợp nhất kết quả kinh doanh của khu bay thay vì ghi nhận trong khoản mục phải thu và phải trả như trước đây. ACV đã trả về nhà nước 180 tỷ lợi nhuận và ghi nhận đầy đủ trong Báo cáo tài chính quý 1/2021, điều này sẽ giúp loại bỏ ý kiến nhấn mạnh trong báo cáo kiểm toán của ACV từ năm 2021 trở đi.
Với phương thức hạch toán mới, ACV đang theo đúng lộ trình để đủ điều kiện niêm yết trên HSX trong năm 2022, một yếu tố quan trọng giúp thị trường định giá lại giá trị của cổ phiếu ACV.
ACV đã trình kế hoạch 2021 lên Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước với lợi nhuận trước thuế 5.025 tỷ tăng 151,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, VnDirect cho rằng ACV có thể đạt kết quả tích cực hơn do kế hoạch tiêm chủng đang được đẩy mạnh và viễn cảnh trở lại đường bay quốc tế không xa. Đồng thời, duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu không đổi 87.500 đồng/cổ phiếu.
Đối với Vietnam Airlines hiện đang trong quá trình giải ngân gói hỗ trợ bao gồm 4.000 tỷ đồng nợ vay, lãi suất 0%, kỳ hạn 1 năm, có thể gia hạn thêm 2 năm và Phát hành 8.000 tỷ giá trị cổ phần cho cổ động hiện hữu (SCIC) cũng giúp tình hình tài chính được cải thiện hơn.
Mới đây, Vietnam Airlines đã thử nghiệm ứng dụng di động Travel Pass của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA). Ứng dụng Travel Pass của IATA cho phép hành khách chia sẻ giấy chứng nhận xét nghiệm và tiêm chủng, đồng thời giúp bảo đảm an toàn cho chuyến hành trình theo đúng hướng dẫn của chính phủ. Đây là yếu tố then chốt trong việc khởi động lại đường bay hàng không quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách di chuyển đồng thời đáp ứng các yêu cầu nhập cảnh cảnh đối với việc xét nghiệm và tiêm chủng Covid - 19 theo quy định của chính phủ.