11:20 30/10/2023

Hải Phòng với áp lực giữ vị trí top đầu trên bảng xếp hạng PCI

Trương Quốc Cường

Trong 5 năm gần đây, Hải Phòng liên tục nằm trong top 10 địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tốt nhất Việt Nam. Tuy nhiên, để giữ vững phong độ, thành phố sẽ phải nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để cải thiện không ít những hạn chế còn tồn đọng...

Hải Phòng nỗ lực cải thiện các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Hải Phòng nỗ lực cải thiện các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Theo tổng kết từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, năm 2019, chỉ số PCI của Hải Phòng đứng ở vị trí thứ 10/63 tỉnh, thành phố (tăng 6 bậc so với năm 2018). Năm 2020 Hải Phòng xếp thứ 7 (tăng 3 bậc so với năm 2019). Năm 2021 thành phố vươn lên vị trí thứ 2. Đáng tiếc, gần đây nhất, năm 2022 Hải Phòng đã lùi về vị trí thứ 3.

Phân tích khảo sát kết quả PCI năm 2022 của Hải Phòng ghi nhận, có tới 89% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đánh giá "UBND thành phố năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh" và 92% doanh nghiệp cho biết "các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại thành phố.

Tuy nhiên, trong 10 chỉ số thành phần Hải Phòng vẫn tồn tại 5 chỉ số giảm điểm gồm: Gia nhập thị trường, tính minh bạch, tính năng động của chính quyền tỉnh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động.

Theo kết quả đó, Hải Phòng không đạt kế hoạch về tổng điểm; trong 10 chỉ số thành phần, có 5 chỉ số không đạt kế hoạch về điểm số, 4 chỉ số không đạt kế hoạch về vị trí xếp hạng; 88/142 chỉ tiêu thành phần không đạt kế hoạch về điểm.

Một số vướng mắc, tồn đọng được nêu ra cụ thể như, giải quyết thủ tục hành chính, thời gian giải quyết, nhất là liên quan đến thủ tục đất đai vẫn kéo dài hơn quy định; Giá đất nông nghiệp tăng quá nhanh, thủ tục hành chính thuê, mua phức tạp, giá đất nông nghiệp cao, thiếu quỹ đất sạch, giải phóng mặt bằng chậm; Doanh nghiệp còn chịu gánh nặng về thanh tra, kiểm tra...

Việc tiếp cận nguồn vốn cũng được nhắc đến, nhiều doanh nghiệp Hải Phòng còn gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng, thiếu tài sản thế chấp, khó tuyển dụng lao động chất lượng cao. Đối với nhóm nội dung hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tuy phần lớn doanh nghiệp đánh giá chính quyền thành phố năng động trong hoạt động cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh song việc thực thi ở cấp sở, ngành, địa phương chưa được đánh giá cao.

Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp thụ hưởng các chương trình hỗ trợ đạt thấp. chi phí không chính thức giảm ở khía cạnh những “tham nhũng nhỏ”, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vẫn phải chi trả chi phí không chính thức cao ở một số sở, ban, ngành và một số địa phương, có đến trên 35% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh “không bao giờ/hiếm khi” được mời tham gia các chương trình hỗ trợ sản xuất kinh doanh; việc sử dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính có cải thiện nhưng còn thấp…

Để cải thiện những hạn chế nêu trên, Phó trưởng Ban Pháp chế VCCI Phạm Ngọc Thạch khuyến nghị,  Hải Phòng cần xây dựng bộ máy công vụ với tinh thần ủng hộ khu vực kinh tế tư nhân, năng động và sáng tạo trong giải quyết vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải, lưu ý rút ngắn khoảng cách thực thi ở cấp cơ sở. Tiếp tục triển khai hiệu quả đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tiếp tục duy trì hiệu quả phản hồi trước những yêu cầu về tiếp cận thông tin, văn bản từ các doanh nghiệp; đẩy mạnh nỗ lực chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ở mức tối đa trong giải quyết thủ tục hành chính.

Đại diện Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ khuyến nghị, thành phố Hải Phòng cần tập trung nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo,  tiếp tục rà soát, kiện toàn để giảm đấu mối, hoàn thiện quy định chức năng nhiệm vụ, giảm chồng chéo; hoàn thiện quy định về vị trí việc làm; siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, quan tâm, ban hành các chính sách, giải pháp để chữa căn bệnh né tránh, sợ trách nhiệm.

Đồng thời, xác định điểm nghẽn lớn nhất để tập trung giải quyết dứt điểm; thường xuyên đối thoại chính sách với người dân, doanh nghiệp để giải quyết những vướng mắc đang cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh…

Thực tế, vị trí luôn trong tốp đầu cả nước về chỉ số PCI  đang trở thành áp lực không nhỏ đối với Hải Phòng nếu thành phố muốn giữ vững phong độ ở thứ hạng cao như hiện tại.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, thành phố  sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, điều hành linh hoạt, sáng tạo, xây dựng và quản trị chính quyền hiện đại hơn, cởi mở hơn, thân thiện hơn, với môi trường kinh doanh thuận lợi nhất.

Giai đoạn 2023-2024, Hải Phòng đặt mục tiêu giữ vững vị trí xếp hạng PCI trong top dẫn đầu cả nước; điểm số PCI luôn đạt từ 71 điểm trở lên. Tiếp tục cải thiện mạnh điểm số và xếp hạng 3 chỉ số có trọng số lớn trong chỉ số PCI gồm: Chỉ số Chi phí không chính thức, chỉ số tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phấn đấu 10 chỉ số thành phần đạt từ 7 điểm trở lên…

Từ đầu năm 2023, Hải Phòng đã triển khai mô hình "Kết nối thủ tục giấp phép kinh doanh có điều kiện" nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thực hiện đa dạng, đổi mới hình thức hỗ trợ doanh nghiệp nộp được hồ sơ hợp lệ ngay từ lần nộp đầu tiên khi thực hiện thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục giấy tờ, đẩy mạnh sử dụng dịch vụ bưu chính công ích; ứng dụng tối đa công nghệ số trong giải quyết công việc...