Hậu đại dịch, giới nhà giàu đua nhau đưa đồ hiệu đi “spa”
Không có gì ngạc nhiên khi những chiếc túi da hàng hiệu đắt đỏ đang có dấu hiệu xấu dần đi vì bị cất trong tủ quá lâu. Đó là khoảng thời gian chủ nhân của chúng không ra khỏi nhà vì dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội...
Ở Singapore thời điểm này, các hãng chăm sóc đồ da như Bags Butler, Bag Artisan, Colorwash và Honest Crafters đều đang báo cáo tăng trưởng khi khách hàng đua nhau mang những chiếc túi xa xỉ tới để sử dụng dịch vụ tân trang. Những chiếc túi này chủ yếu là bị nấm mốc, nứt da và bạc màu. Trong đó, các sản phẩm từ thương hiệu lớn như Chanel, Gucci hay Hermès… đều góp mặt.
Sandra Lee, một chuyên gia trong lĩnh vực làm sạch, sửa chữa và phục hồi túi xách cho biết nhiều phụ nữ đã bắt đầu mang những chiếc túi xách của họ gửi đi “spa” khi dự đoán sắp được quay lại làm việc hoặc đi du lịch, dự tiệc. Theo Style Theory, một công ty mới lấn sân sang dịch vụ phục hồi đồ da, công ty đã nhận được hơn 1.000 đơn hàng khôi phục túi hàng hiệu trong hơn một tháng qua.
Đối với đồ da, nấm mốc thường phát triển rất nhanh trên bề mặt túi nếu cất ở không gian tối, ẩm thấp, ít thông thoáng trong thời gian dài. Khi bào tử nấm mốc xuất hiện, phần rễ của chúng sẽ ăn sâu vào mặt xốp và gây ăn da. Điều này sẽ gây đến hiện tượng đổi màu và ố mốc, thậm chí còn có thể làm hỏng cả cấu trúc da. Sự thay đổi liên tục của nhiệt độ cũng khiến da giãn nở, co lại dẫn đến khô và nứt. Nếu hiện tượng này kéo dài, sẽ rất khó để sửa chữa và những chiếc túi da cần phải được chuyển đến các dịch vụ phục hồi phức tạp hơn.
Yêu cầu phổ biến của khách hàng là chăm sóc túi xách bị đổi màu. Hiện tượng này thường thấy ở các góc, tay cầm và nắp túi. Đây là những nơi tiếp xúc nhiều và dễ bị ma sát dẫn đến mất màu. Các “tín đồ hàng hiệu” thường không tiếc tiền để bảo dưỡng những món đồ thời trang xa xỉ của mình. Mặt khác, nếu chỉ vì một vết xước mà bỏ đi món đồ được mua với giá hàng trăm triệu đồng thì quả là lãng phí. Chính vì thế, dịch vụ “spa đồ hiệu” xuất hiện ngày càng nhiều với dịch vụ khá đa dạng.
Tại Việt Nam,những cái tên như Celia Luxury Authentic (phố Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Authonly Luxury (phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), hai ICUS (quận 10, TP.HCM)… đã dần trở thành quen thuộc và được nhiều khách hàng nhiệt tình ủng hộ bởi chúng giúp khách hàng tiết kiệm được khoản chi phí lớn khi phải thay mới đồ dùng đắt tiền.
Đối với các loại đồ da như giầy dép, túi xách, ví, thắt lưng..., các cửa hàng “spa đồ hiệu” sẽ cung cấp những dịch vụ như làm sạch vết bẩn, bảo dưỡng định kỳ, dưỡng mềm, dưỡng bóng, xử lý các vết xước, tái tạo các lỗi bong tróc, thay màu bề mặt da theo ý muốn của khách... Chị Nguyễn Thùy Chi, chủ cửa hàng “spa đồ hiệu” Authonly Luxury (phố Lý Nam Đế) cho biết: “Loại hình dịch vụ này ở nước ngoài đã thịnh hành từ lâu nhưng ở Việt Nam thì từ vài năm nay mới xuất hiện. Làm nghề này những người thợ phải hết sức cẩn thận, tỉ mỉ, có tinh thần trách nhiệm cao bởi công việc hoàn toàn không có công thức cụ thể, mỗi loại vải, da có một cách xử lý và sử dụng hóa chất khác nhau”.
Cũng như chị Chi, khách hàng cao cấp là phân khúc mà spa đồ hiệu ICUS của anh Trần Huy Hoàng (quận 10, TP.HCM) nhắm đến, bởi việc phục hồi đồ hiệu cần kỹ thuật và tay nghề cao nên chi phí rất lớn. "Khách bỏ ra 40 triệu đồng mua túi, để phục hồi lại như mới khoảng 90% thì chi phí có thể lên đến 7 triệu đồng. Càng khó làm thì càng mắc, nguyên vật liệu thì nhập khẩu, nếu đổi màu thì phải xem màu đó đặc biệt thế nào, mất thời gian ra sao, kích thước lớn hay nhỏ...” anh Hoàng nói.
"Tôi nghĩ những món đồ giá trị hàng chục triệu, trăm triệu đồng thì giá phục hồi vài triệu không xem là quá cao. Chúng tôi từng "hồi sinh" một chiếc túi Gucci giá thị trường 140 triệu đồng nhưng tiền phục hồi chỉ vài triệu. Sau khi làm xong muốn thanh lý cũng được ít nhất 50 triệu đồng, chứ nếu để hiện trạng như ban đầu thì chỉ bán tầm 15 triệu đồng hoặc rất kén người chịu mua lại vì nó quá cũ và hư nhiều thứ," anh Hoàng giải thích thêm.
Với anh Hoàng, chuyện làm đẹp cho đồ hiệu nhìn qua tưởng dễ nhưng hoàn toàn không phải vậy, "mất ngủ đó chứ chẳng đùa". Mỗi ngày bước vô cửa hàng toàn đồ hiệu, trị giá tiền tỉ, những người làm nghề phải hết sức cẩn trọng. Trên thực tế, những “tai nạn” khi sửa chữa đồ đạc là khó tránh bởi việc chăm sóc món đồ hiệu không đơn thuần chỉ là thao tác kỹ thuật mà còn phải có kiến thức khá sâu về da và sản phẩm đó.
Vì thế, theo anh Hoàng, tốt nhất là khách hàng nên đưa hàng đắt tiền tới bảo dưỡng ở hãng hoặc những địa chỉ uy tín mà mình tin tưởng. Khi đem đồ đi “spa”, khách hàng nên yêu cầu chủ cửa hàng viết giấy bảo đảm, chụp ảnh món đồ thật kỹ càng để tránh trường hợp bị tráo đồ.