10:44 13/04/2016

“Hy sinh tăng trưởng ngắn hạn để bền vững trong dài hạn”

Hồng Vân

“Chỉ khi tái cơ cấu nền kinh tế thật sự, hy sinh tăng trưởng ngắn hạn thì mới tạo tiền đề, bảo đảm tăng trưởng bền vững dài hạn”, ông Trương Đình Tuyển nói

<br>Báo cáo của VEPR cho thấy, kinh tế quý 1/2016 chứng kiến mức suy giảm tăng trưởng đáng kể từ năm 2012 tới nay.
<br>Báo cáo của VEPR cho thấy, kinh tế quý 1/2016 chứng kiến mức suy giảm tăng trưởng đáng kể từ năm 2012 tới nay.
“Lạm phát có thể là vấn đề đặt ra trong năm nay nhưng yếu tố hội nhập quốc tế, tự do hóa thương mại và cải cách hành chính cũng đang có chiều hướng tác động tích cực vào nền kinh tế Việt Nam năm 2016”.

Đó là nhận định của TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tại buổi tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 1/2016 vào chiều 12/4.

Báo cáo của VEPR cho thấy, kinh tế quý 1/2016 chứng kiến mức suy giảm tăng trưởng đáng kể từ năm 2012 tới nay. Lần đầu tiên trong vòng 5 năm, tăng trưởng quý 1 thấp hơn so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước. GDP chỉ tăng 5,46% trong quý 1/2016, thấp hơn mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015.

Chỉ số PMI ba tháng đầu năm lần lượt đạt 51,5 - 50,3 và 50,7 điểm, tăng nhẹ so với quý 4/2015.

Lạm phát có xu hướng tăng trở lại trong quý 1/2016. Lạm phát đã vượt mức 1% trong tháng 2 và đạt 1,69% cuối quý. Mức tăng này phần lớn đến từ đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục đầu tháng 3.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cho rằng điểm đáng lo ngại trong năm 2016 là bội chi ngân sách, nợ công tăng cao và các khoản vay tăng nhanh.

Bên cạnh đó, những yếu kém của khu vực kinh tế tư nhân đã bộc lộ rõ rệt, doanh nghiệp đóng cửa, phá sản tăng cao, các doanh nghiệp cũng phản ánh khoản chi ngoài pháp luật của họ tăng lên.

Dù vậy, ông Tuyển vẫn nhận định bức tranh chỉ số kinh tế quý 1 năm nay không đến mức bi quan. Cho dù tăng trưởng không cao như kỳ vọng, nhưng nếu ta thực sự tái cơ cấu nền kinh tế thì tăng trưởng có thể giảm nhẹ so năm trước nhưng nó là tiền đề đảm bảo cho tăng trưởng bền vững, lành mạnh sau này.

“Chỉ khi tái cơ cấu nền kinh tế thật sự, hy sinh tăng trưởng ngắn hạn thì mới tạo tiền đề, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn”, ông Tuyển nhấn mạnh.

Phát biểu tại sự kiện này, chuyên gia kinh tế, TS.Lê Đăng Doanh cho rằng doanh nghiệp cần tận dụng tốt cơ hội trong tầm tay từ các FTA cũng như chuẩn bị về thể chế, tích lũy nguồn lực và nâng cao năng lực để tận dụng những cơ hội này. Mặt khác, Nhà nước cần liên tục rà soát, điều chỉnh cơ chế chính sách, tập trung hoàn thiện thể chế đồng bộ, giải quyết dứt điểm các rào cản phát triển của doanh nghiệp.

“Năm 2016 chúng ta đang đứng trước cơ hội rộng mở để phát triển nền kinh tế khi nhiều hiệp định thương mại dần có hiệu lực nhưng nó cũng đòi hỏi chúng ta có cải cách mạnh mẽ, tôi hy vọng Chính phủ với bộ máy mới sẽ quyết tâm có những giải pháp, cải cách mới trong thời gian tới”, TS. Lê Đăng Doanh kỳ vọng.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo cập nhật về kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua được biến động toàn cầu một cách ngoạn mục nhờ cầu trong nước tăng và nền công nghiệp chế tạo hướng tới xuất khẩu đạt thành tích tốt.

Dù vậy, báo cáo của WB cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 6,2% trong năm 2016 và 6,3% trong cả 2 năm tới, trong khi lạm phát sẽ ở mức khoảng 3,5%.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ những tác động của lĩnh vực nông nghiệp do tác động của thiên tai như hạn hán ở Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long... và do tăng trưởng xuất khẩu sụt giảm mạnh.

Báo cáo WB cũng khuyến nghị tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế một cách cẩn trọng và bền vững; khuyến nghị tăng cường kỷ cương thị trường trong ngành tài chính, chuyển hướng chi công từ chi hạ tầng sang các ngành dịch vụ như giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội và hướng tới bảo vệ môi trường.