08:55 28/11/2022

Khó hơn cả thời Covid: Doanh nghiệp ra sức “níu kéo” lao động

Lưu Hà

Tình trạng cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm trong doanh nghiệp đang diễn ra trên diện rộng, trong khi Tết đang đến gần. Tìm giải pháp ổn định thu nhập để giữ chân công nhân là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu hiện nay của nhiều doanh nghiệp...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu, nhiều thị trường xuất khẩu cắt giảm sản lượng, dẫn tới việc doanh nghiệp sản xuất thiếu đơn hàng. Để không rơi vào tình thế bị động khi tuyển dụng nhân sự, nhiều doanh nghiệp đã có những biện pháp để thu hút và giữ chân người lao động. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng hết phép năm 2022 và tiếp tục ứng trước phép năm 2023 để người lao động an tâm gắn bó với nhà máy.

DOANH NGHIỆP HẾT LÒNG VÌ NGƯỜI LAO ĐỘNG

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin bảng xếp hạng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động 2022”, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hơn 240.000 công nhân dệt may, da giày, chế biến gỗ… thiếu việc làm dịp cuối năm do doanh nghiệp cắt giảm sản xuất hoặc phải chờ đơn hàng. Thống kê này chưa đầy đủ do tình trạng cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm đang diễn ra trên diện rộng.

Theo ông Nguyễn Đình Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Thủ Đức (TP. HCM), trên địa bàn Thủ Đức hiện có khoảng 97 doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng, có nguy cơ cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất. Tại TP.HCM, do số lượng đơn hàng giảm nên Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, doanh nghiệp có số lao động nhiều nhất thành phố, sẽ cho 20.000 công nhân các xưởng thuộc khối sự nghiệp nghỉ luân phiên trong 3 tháng, hưởng lương 180.000 đồng/ngày trong thời gian nghỉ. PouYuen Việt Nam cho biết, công ty phải có động thái này là do các thị trường xuất khẩu chính đang cắt giảm mạnh đơn hàng ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của công ty.

Công ty TNHH May mặc Dony (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cũng đang tìm mọi cách để duy trì việc làm cho người lao động. Ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty cho biết: “Trong mảng đồng phục, công ty đã bị giảm 20% lượng đơn hàng và 50% đơn ở mảng thời trang từ tháng 8 đến nay. Hiện tại, công ty đang hoạt động không có lợi nhuận để lao động có việc làm, giữ chân lao động có tay nghề tốt. Nếu cắt giảm nhân sự, đến lúc có đơn hàng sẽ phải mất nhiều thời gian để tuyển mới, đào tạo, trong khi những lao động mất việc làm cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi Tết đã đến gần”, ông Quang Anh nhấn mạnh.

San sẻ việc làm là cách đầu tiên mà nhiều doanh nghiệp đang làm để giữ chân người lao động.
San sẻ việc làm là cách đầu tiên mà nhiều doanh nghiệp đang làm để giữ chân người lao động.

Tại Đồng Nai, ông Kiều Văn Đồng, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH gỗ Lee Fu (KCN Tam Phước, TP. Biên Hòa), cho biết doanh nghiệp trước đây có khoảng 1.700 lao động. Năm ngoái, đại dịch khiến công ty giảm khoảng 100 lao động, nhưng đến nay con số này lên tới hơn 1.000, hiện chỉ còn khoảng 650 người. Tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh Tin, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất đồ mộc Chien khẳng định, đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp thiếu lao động nhưng không thiếu đơn hàng, công nhân vẫn tăng ca. Song, trong năm nay, công ty mất hơn một nửa đơn hàng. “Dự kiến thời gian nghỉ Tết năm nay kéo dài hơn năm ngoái, công nhân nghỉ khoảng một tháng”, bà Tin cho biết.

Tại Đà Nẵng, Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Tường Hựu (KCN Hòa Khánh) cũng đang gặp cảnh thiếu đơn hàng. Từ tháng 6 đến nay, đơn hàng của công ty giảm 50% nên số lao động giảm 23% so với đầu năm. Do ít việc làm, công ty không sắp xếp tăng ca, thu nhập giảm nên công nhân buộc phải nghỉ việc. Dự báo tình hình đơn hàng từ nay đến Tết vẫn không khả quan hơn nhưng công ty vẫn khẳng định sẽ tìm kiếm các đơn hàng mới để đảm bảo việc làm cho người lao động, nhất là những tháng cuối năm này.

San sẻ việc làm là cách đầu tiên mà nhiều doanh nghiệp đang làm để giữ chân người lao động. Người lao động được bố trí làm việc luân phiên các ngày trong tuần nhằm đảm bảo ai cũng có việc và thu nhập tối thiểu để duy trì cuộc sống. Có 2.800 công nhân, Công ty giầy Hồng Bảo, Đông Anh (Hà Nội) cho biết thu nhập mỗi công nhân giảm từ 1 - 2 triệu đồng/tháng nhưng bù lại họ vẫn giữ được việc làm. Còn theo ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Ban quản lý các KCN Bắc Ninh, giải pháp của các doanh nghiệp điện tử tại đây là kết nối với nhau, giới thiệu người lao động đến làm việc tại doanh nghiệp khác cùng ngành trong vài tháng, duy trì chi trả lương, bảo hiểm để giữ chân công nhân…