19:35 25/11/2022

Cải thiện cơ hội xuất khẩu sang châu Mỹ Latinh

Mộc Minh

Hiện xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ Latinh gặp nhiều khó khăn, như: khoảng cách địa lý khá xa, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp, chi phí logistics luôn ở mức cao, khác biệt về ngôn ngữ, thiếu thông tin thị trường…

Kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Mỹ Latinh.
Kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Mỹ Latinh.

Hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam đã kết nối trực tiếp với 28 doanh nghiệp Mỹ Latinh trong các lĩnh vực nông sản, thực phẩm, dệt may, y tế… để tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh tại “Diễn đàn thương mại Việt Nam - Mỹ Latinh năm 2022”.

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam tập trung trao đổi thương mại nhiều với các quốc gia như: Brazil, Mexico, Argentina, Chile... Tuy nhiên, các thị trường mới nổi như Panama, Colombia, Peru đã và đang trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam và Mỹ Latinh.

Cụ thể, năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các thị trường mới nổi đều đạt mức tăng trưởng rất cao, như với Colombia đạt 674 triệu USD, tăng gần 42%; với Peru đạt 633 triệu USD, tăng 62%; với Panama đạt 465 triệu USD, tăng hơn 45%.

Các doanh nghiệp đang trao đổi thông tin về cơ hội hợp tác kinh doanh tại “Diễn đàn thương mại Việt Nam - Mỹ Latinh năm 2022” - Ảnh: PC.
Các doanh nghiệp đang trao đổi thông tin về cơ hội hợp tác kinh doanh tại
“Diễn đàn thương mại Việt Nam - Mỹ Latinh năm 2022” - Ảnh: PC.

Tại diễn đàn, ông Azad Belfort, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Haiti, mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư về nuôi trồng, khai thác, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, thực phẩm ở Haiti để xuất khẩu.

"Chúng tôi muốn tạo thêm việc làm cho người dân, cũng như học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong hành trình hợp tác", ông Azad Belfort chia sẻ.

Tuy nhiên, việc xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và châu Mỹ Latinh ngoài những điều kiện thuận lợi còn có những khó khăn, đó là khoảng cách địa lý khá xa, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp, chi phí logistics luôn ở mức cao, khác biệt về ngôn ngữ, thiếu thông tin thị trường…

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết trong nỗ lực đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, sắp tới, Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhiều hơn về thông tin thị trường, chính sách mới, thuận lợi và khó khăn khi xuất khẩu sang Mỹ Latinh.

Ngoài ra, các cơ quan nhà nước sẽ làm cầu nối với các đối tác Mỹ Latinh để hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình kinh doanh, đầu tư, mở rộng thị trường tại Việt Nam.

Cải thiện cơ hội xuất khẩu sang châu Mỹ Latinh - Ảnh 1

Ông Đỗ Thắng Hải thông tin thêm, Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ Latinh các mặt hàng như hàng dệt may, da giày, nông thủy sản… Còn Mỹ Latinh là khu vực cung ứng nguyên phụ liệu như ngô, đậu tương, thức ăn chăn nuôi… cho thị trường Việt Nam.

Thương mại 2 chiều tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Chỉ trong vòng 5 năm, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều đã tăng gần gấp đôi, từ mức 11,6 tỷ USD của năm 2016 lên mức 21,4 tỷ USD vào năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ Latinh đạt 12,5 tỷ USD, tăng 46,4% so với năm 2020, nhập khẩu từ Mỹ Latinh vào Việt Nam đạt 8,9 tỷ USD, tăng 20,2%.

Trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch hai chiều đạt 18,7 tỷ USD, tăng 10,5%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ Latinh đạt 10,2 tỷ USD, tăng 5,3%, nhập khẩu từ Mỹ Latinh vào Việt Nam đạt 8,6 tỷ USD, tăng 17,3%.

 
"Các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Mỹ latinh một số dự án quan trọng, điển hình là các dự án phát triển mạng viễn thông của Tập đoàn Viettel tại Peru và Haiti, các dự án của Tổng Công ty Viglacera và Công ty Thái Bình tại Cuba trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất hàng tiêu dùng… Hiện có 21 quốc gia của Mỹ latinh đầu tư tại Việt Nam với 114 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 671 triệu USD".
Theo Bộ Công Thương.

Còn tại TP.HCM, các doanh nghiệp đang trao đổi thương mại tại một số thị trường chủ yếu, gồm: Mexico, Brazil, Argentina và Chile.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng quan hệ kinh tế giữa TP.HCM và khu vực Mỹ Latinh vẫn chưa xứng tầm. Hai bên có tiềm năng hợp tác phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo, logictics và chuyển đổi số.

Trong 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch thương mại giữa TP.HCM và khu vực Mỹ Latinh đạt 1,25 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của thành phố vào các thị trường Mỹ Latinh đạt 700 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của thành phố từ các thị trường Mỹ Latinh đạt 550 triệu USD.

“TP.HCM mong sau diễn đàn sẽ gặp gỡ doanh nghiệp thường xuyên để bàn các giải pháp cụ thể hơn nhằm thúc đẩy đầu tư giữa thành phố với các quốc gia Mỹ Latinh”, ông Hoan nói.

Trong nỗ lực cải thiện cơ hội xuất khẩu sang Châu Mỹ latinh, các doanh nghiệp đã tập trung thảo luận cập nhật tình hình thị trường Mỹ Latinh trong bối cảnh hiện nay, cung cấp thông tin về các kênh phân phối hàng hóa tại khu vực Mỹ Latinh, chia sẻ nhiều bài học và kinh nghiệm thực và các khuyến nghị và các giải pháp vận tải – logistics để nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu sang khu vực này.

 

Hiện Việt Nam và các đối tác Mỹ Latinh cũng đang triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại để tạo đòn bẩy cho quan hệ kinh tế thương mại đầu tư, trong đó phải kể đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam cùng với Mexico, Chile, Peru là thành viên; Hiệp định Thương mại tự do với Chile (VCFTA) hay Hiệp định Thương mại với Cuba.

Các hiệp định nói trên đã và đang mang lại những tác động tích cực, tạo động lực cho quan hệ thương mại – đầu tư song phương không ngừng phát triển.

Căn cứ Quyết định 493/QĐ-TTg (ngày 19/4/2022) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, Bộ Công Thương cũng đang triển khai xây dựng Đề án Phát triển thị trường các nước Mỹ Latinh đến năm 2030 với mục tiêu phát triển thị trường xuất, nhập khẩu bền vững, tăng cường hợp tác công nghiệp và thương mại với các nước trong khu vực.