Lựa chọn trang phục có tác động tới Trái đất?
Theo EcoWatch, ngành thời trang nhanh ô nhiễm thứ hai trên thế giới, là nguyên nhân làm căng thẳng hơn ô nhiễm nước và không khí.
25% lượng chất hóa học được sử dụng trên thế giới thuộc về ngành dệt may. 10% lượng khí thải carbon của trên toàn cầu là sản phẩm thải ra của ngành may mặc. Mất đến 2.700 lít nước để sản xuất ra một chiếc áo thun, và 7.000 lít nước chỉ để sản xuất một chiếc quần. Thời trang nghiễm nhiên trở thành ngành công nghiệp gây ảnh hưởng tiêu cực rất lớn tới nguồn nước sạch toàn cầu. Trong khi có đến hơn 4,5 tỉ người dân sống thiếu nước.Và fast fashion, với tính chất "ăn liền" của mình đã nhanh chóng bị buộc tội trở thành nguyên nhân chính biến ngành thời trang trở thành nền công nghiệp ô nhiễm. Từ năm 2000 đến 2014, sản phẩm may mặc tăng gấp đôi về số lượng, doanh số bán hàng từ 1 tỷ tỷ đô năm 2002 đã chạm mức 1,8 tỷ tỷ đô vào năm 2015 và được dự đoán là tăng lên đến 2,1 tỷ tỷ đô vào năm 2025. Tính trung bình ở thời điểm hiện tại hằng năm mỗi khách hàng mua sản phẩm may mặc tăng thêm 60% và sử dụng chúng chỉ bằng nửa thời gian so với 15 năm trước.
Theo Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA), 84% quần áo bị bỏ đi đã đi đến bãi rác hoặc lò thiêu rác. Khi các sợi vải tự nhiên như cotton, linen và lụa hay sợi bán tổng hợp được tạo ra từ cellulose thực vật, được vùi lấp ở bãi rác, chúng sẽ tạo ra khí thải nhà kính khi phân hủy. Nhưng không như vỏ chuối, bạn không thể làm phân trộn từ quần áo cũ, ngay cả khi chúng được làm từ những vật liệu tự nhiên."Sợi vải tự nhiên phải qua rất nhiều quy trình phi tự nhiên khi trở thành vải - Jason Kibbey, CEO của Liên minh May mặc bền vững (The Sustainable Apparel Coalition), cho biết - Chúng phải được tẩy, nhuộm, in, ngâm trong chất hóa học. Những hóa chất này có thể phân hủy từ vải và lẫn vào bãi rác nhưng không qua xử lý phù hợp, và vào nguồn nước ngầm. Nếu đốt trong lò thiêu thì những chất độc hại sẽ bay lẫn vào không khí..."Đối với các hãng thời trang ăn liền, quần áo phải được đưa ra thị trường càng nhanh càng tốt, ai đó sẽ trả ít tiền để mua chúng, mặc và nhận thấy thực ra loại quần áo này không bền. Nhưng họ không phải chờ lâu, vì vừa vặn lúc món đồ đó hư thì đã có hàng mới ở cửa tiệm chờ sẵn. Và vòng quay cứ thế tiếp diễn. Chúng ta sẽ sớm chứng kiến cơn khủng hoảng quần áo cũ toàn cầu.
Đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do những hệ lụy mà ngành thời trang, đặc biệt là thời trang "ăn liền" mang lại, nhiều hãng thời trang đã bắt đầu kết hợp với các nhà nghiên cứu, các khoa học gia cho ra đời các sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường, làm từ vật liệu sinh học.Công ty Orange Fiber (Italy) mới đây đã giới thiệu ra thị trường một loại vải đặc biệt được làm từ vỏ cam. Theo đó, công nghệ của Orange Fiber sẽ tách phần cellulose có trong vỏ cam, tạo ra vật liệu kiểu polymer có thể dệt thành sợi và làm thành vải. Nhà sản xuất cũng cam kết sợi vải 100% làm từ vỏ cam "là chất liệu thuần khiết nhất, siêu nhẹ, tạo cảm giác mềm mại và mượt khi cầm trên tay".Năm ngoái, "ông lớn" trong ngành thời trang thể thao Adidas đã hợp tác với tổ chức bảo tồn đại dương Parley for the Oceans thực hiện dự án sản xuất giày hoàn toàn từ rác thải đại dương hay thương hiệu quần áo bình dân H&M cũng giới thiệu bộ sưu tập "Conscious Exclusive" được làm bằng sợi polyester tái chế từ những chai nhựa bỏ đi ngoài bờ biển.
Các chuyên gia trong ngành thời trang nhận định, với việc ngày càng nhiều thương hiệu thời trang hoạt động theo mô hình kinh doanh phát triển bền vững trong thời gian gần đây, rất có thể xu hướng "thời trang bền vững", "thời trang sinh thái" hay "thời trang thân thiện với môi trường" sẽ trở thành tương lai của ngành công nghiệp thời trang thế giới.