11:28 05/10/2024

Luật sư đề nghị thu hồi hơn 15.000 tỷ đồng để trả cho trái chủ Vạn Thịnh Phát

Đỗ Mến

Đến thời điểm này tổng số tiền, tài sản, dự án được bị cáo Lan dùng để đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án là hơn 55.000 tỷ đồng. Trong đó có số tiền từ 15.712 tỷ đồng mà bị cáo đã khai nhận và đề nghị Hội đồng xét xử thu hồi từ các ngân hàng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 với 34 bị cáo đang bước vào phần tranh luận.

Trước đó ngày 4/10, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị phạt bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 8-9 năm tù tội Vận chuyển trái phiếu tiền tệ qua biên giới, 12-13 năm tù tội Rửa tiền. Các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 24-27 năm tù về các tội danh như Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Vận chuyển tiền tệ qua biên giới.

CẦN XEM XÉT ĐẾN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VÀ BỐI CẢNH PHẠM TỘI

Trước cáo buộc vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỷ USD qua biên giới thông qua các hợp đồng kinh tế “khống”, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng cần xem xét đến chính sách pháp luật và bối cảnh.

Theo luật sư Hoài, hành vi của bị cáo Lan diễn ra xuyên suốt từ năm 2012-2022, quá trình đó chính sách pháp luật hình sự có sự thay đổi kể từ thời điểm ngày 1/1/2018.

Về bối cảnh, tại thời điểm năm 2012, ngân hàng SCB được hợp nhất dựa trên 3 yếu kém, tại thời điểm này hoàn cảnh của SCB hết sức khó khăn, chịu sự giám sát chặt chẽ của Thanh tra, giám sát, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước.

Về tội “Rửa tiền” một trong những nguyên nhân xảy ra vụ án, có một phần từ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hành vi này thời điểm chưa đủ để đáp ứng được việc phòng ngừa tội phạm.

Luật sư cho rằng cần xác định lại số tiền vận chuyển trái phép qua biên giới. Theo đó, cuối năm 2014 đến tháng 6/2021, có 5 pháp nhân chuyển tiền Ngân hàng SCB mua cổ phần để tăng vốn điều lệ với số tiền 170,5 triệu USD. Vốn điều lệ của SCB tăng lên 3.710 tỷ đồng, 5 pháp nhân nước ngoài chiếm 30% vốn điều lệ. Ngoài ra có pháp nhân khác ở Việt Nam mua 10,1 triệu USD cổ phần.

Theo luật sư Hoài có hơn 180 triệu USD được chuyển vào Ngân hàng SCB là dòng tiền hợp pháp và đề nghị Viện kiểm sát xác định lại nội dung này.

Về cấu thành tội phạm, luật sư Hoài cho rằng các giao dịch thanh toán chuyển tiền ra nước ngoài được thực hiện tại Ngân hàng SCB khuôn khổ pháp luật về quản lý ngoại hối (Pháp lệnh ngoại hối 2005 và Nghị định số 70 và Nghị định 219, Nghị định 135 của Chính Phủ về quản lý Ngoại hối) và các quy định của SCB về thanh toán quốc tế.

Ngoài ra, hành vi của các bị cáo đều thể hiện không có yếu tố mang vác tiền tệ qua biên giới, qua khu phi thuế quan. Từ phân tích trên, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét đường lối xử lý đặc biệt đối với bị cáo.

ĐỀ NGHỊ THU HỒI HƠN 15.000 TỶ ĐỒNG

Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm bị cáo buộc đã đề ra chủ trương, thực hiện phát hành 25 mã trái phiếu “khống” thông qua 4 pháp nhân là Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setran để chiếm đoạt hơn 30.081 tỷ đồng của 35.824 nhà đầu tư.

 

Do xét xử vắng mặt bị hại nên Tòa án nhân dân TPHCM đăng tải thông tin nhanh về các buổi xét xử trên website của tòa án để các bị hại có thể theo dõi và nắm bắt kịp thời.

Theo luật sư Giang Hồng Thanh, về cấu thành tội phạm, người phạm tội phải có ý thức chiếm đoạt trước khi chuyển hóa hành vi thành việc chiếm đoạt.

Trong số 6 gói trái phiếu đều chưa đến hạn thanh toán tại thời điểm bị cáo Lan bị bắt. Trong tập đoàn Vạn Thịnh Phát có nhiều doanh nghiệp khác phát hành gói trái phiếu 3000 tỷ nhưng đã được tất toán trước hạn. Hành vi này có dấu hiệu phạm vào một tội khác có thể như tội làm giả tài liệu trong việc công bố, phát hành chứng khoán.

Luật sư cũng cho rằng bị cáo nhận thức được hành vi của mình khi phát hành trái phiếu nhưng không được sử dụng tiền phát hành đúng mục đích và mất khả năng thanh toán. Bị cáo nỗ lực để khắc phục hậu quả vụ án, trả lại tiền cho các trái chủ.

Mặt khác, đến thời điểm này tổng số tiền, tài sản, dự án được bị cáo Lan dùng để đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án là hơn 55.000 tỷ đồng. Trong đó có số tiền từ 15.712 tỷ đồng mà bị cáo đã khai nhận và đề nghị Hội đồng xét xử thu hồi từ các ngân hàng.

Luật sư Thanh cho rằng số tiền này cần được xác định là vật chứng của vụ án xuất phát từ nguồn tiền trái phiếu nên cần thu hồi để đảm bảo khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, nguồn tiền từ các dự án thì cần buộc ngân hàng, đối tác trả lại tiền cho trái chủ.