"Mãi nhớ thương và ghi sâu ân tình của Đồng chí Đỗ Mười"
GS. Đào Nguyên Cát - Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam chia sẻ kỷ niệm về những tháng năm hoạt động, làm việc bên nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười
Đồng chí Đỗ Mười là nhà lãnh đạo kiệt xuất, kiên trung, mẫu mực của Đảng ta, Đất nước và Nhân dân ta, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng chí mất đi đã để lại trong lòng Đảng ta, Nhân dân ta sự tiếc thương vô hạn về một người lãnh đạo đầy nhiệt huyết, một nhà lãnh đạo tài năng, đức độ.
Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách. Tham gia Cách mạng từ năm 1936, Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương nhiều khóa: Ủy viên dự khuyết Trung ương từ khóa II, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa III, IV, V, VI, VII, VIII; Đại biểu Quốc hội các khóa: II, IV, V, VI, VII, VIII và IX.
Trong thời gian này, Đồng chí được Đảng và Nhà nước giao 2 trọng trách lớn nhất là Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng và Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam. Đồng chí Đỗ Mười có nhiều năm làm việc ở quê hương tôi, Liên khu Tả ngạn Sông Hồng, hơn tôi 10 năm tuổi đời và 10 năm tuổi Đảng. Đồng chí là lớp cán bộ cách mạng tiền bối của tôi.
Tôi có may mắn được làm việc và gần gũi với Đồng chí trong suốt nhiều năm, từ sau ngày miền Bắc được giải phóng. Khi làm cán bộ tuyên huấn Trung ương, tôi được giao mời Đồng chí tham gia giảng cho các lớp tại chức dành cho cán bộ cao cấp. Đồng chí thường giảng về công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và cải tạo xã hội chủ nghĩa. Đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh.
Tôi nhớ khi chuẩn bị bài giảng về cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh, tôi được Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương giao làm việc với tất cả đại sứ các nước xã hội chủ nghĩa để học hỏi về kinh nghiệm cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nước bạn; Đồng chí Đỗ Mười phải để ra gần cả tuần để nghiên cứu, chuẩn bị cho bài giảng này.
Trong công cuộc đổi mới của đất nước ta, Đồng chí Đỗ Mười đã có công rất lớn, góp phần đem tư tưởng đổi mới của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.
Có thể nói, kế tục Đồng chí Trường Chinh, Đồng chí Đỗ Mười là "hiện tượng" khá đặc biệt trong công cuộc đổi mới ở nước ta, là người mạnh dạn, triệt để tự sửa sai và trở thành người đổi mới một cách táo bạo, kiên quyết và thành công.
Khi sắp nghỉ hưu, biết tôi là người nghiên cứu về kinh tế, Đồng chí Đỗ Mười đã khuyên tôi nên làm báo Kinh tế. Thời báo Kinh tế Việt Nam, một tờ báo ra đời trong đổi mới và phục vụ công cuộc đổi mới, đã ra mắt độc giả số đầu tiên năm 1991. Với Thời báo Kinh tế Việt Nam, Đồng chí Đỗ Mười đã dành sự quan tâm đặc biệt và để lại những dấu ấn tốt đẹp. Khi Tòa soạn còn khó khăn, Đồng chí đã hết sức ủng hộ chủ trương cho phép Thời báo Kinh tế Việt Nam được hợp tác với nước ngoài về in ấn và phát hành. Nhân dịp kỷ niệm Thời báo Kinh tế Việt Nam tròn 5 tuổi, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã gửi thư chúc mừng Thời báo và tập thể những người làm báo.
Toàn văn thư chúc mừng của Tổng Bí thư Đỗ Mười như sau:
"Hà Nội, ngày 2 tháng 4 năm 1996.
Tôi nhiệt liệt chúc mừng thành tích trong 5 năm qua của Thời báo Kinh tế Việt Nam và 2 năm gần đây của Vietnam Economic Times, cơ quan của Trung ương Hội Kinh tế Việt Nam.
Mong rằng trong thời gian tới, Thời báo Kinh tế Việt Nam và Vietnam Economic Times tiếp tục phát huy những thành tích đó, phấn đấu làm tốt hơn nữa nhiệm vụ thông tin đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, những thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế cũng như trong quan hệ hợp tác kinh tế của nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần tích cực vào sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội".
Nay, Đồng chí Đỗ Mười đã đi xa, nhưng kỷ niệm về những tháng năm hoạt động, làm việc bên Đồng chí đối với tôi là vô cùng sâu sắc. Vĩnh biệt Đồng chí, chúng tôi mãi nhớ thương và ghi sâu những ân tình mà Đồng chí đã dành cho Thời báo Kinh tế Việt Nam.