10:20 26/01/2021

Mỹ nói gì sau khi ông Tập kêu gọi từ bỏ “tinh thần chiến tranh lạnh”?

An Huy

Mỹ đã lên tiếng sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Davos Agenda ngày 25/1 - Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Davos Agenda ngày 25/1 - Ảnh: Bloomberg.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi thế giới từ bỏ "định kiến ý thực hệ"và "tinh thần chiến tranh lạnh đã lỗi thời", đồng thời phát tín hiệu rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy hướng đi riêng của mình mặc sự chỉ trích của phương Tây. 

Sau bài phát biểu của ông Tập, chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ "bắt đầu bằng sự kiên nhẫn" trong vấn đề quan hệ Mỹ-Trung.

Phát biểu ngày 25/1 tại sự kiện trực tuyến Davos Agenda trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ông Tập nói điều quan trọng nhất là giữ cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế và các nguyên tắc quốc tế "thay vì giữ cam kết với cường quyền". "Đối đầu sẽ dẫn chúng ta đến ngõ cụt", ông Tập nói, và kêu gọi nối lại việc tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia để hỗ trợ cho sự hồi phục của thế giới khỏi đại dịch Covid-19.

"Tập hợp những nhóm nhỏ và bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới, để bác bỏ và đe dọa các quốc gia khác, để áp đặt ý chí phân ly, gây gián đoạn chuỗi cung ứng, áp lệnh trừng phạt, hay tạo ra sự biệt lập và xa cách, sẽ chỉ đẩy thế giới vào chia rẽ và thậm chí là đối đầu", nhà lãnh đạo Trung Quốc nói trong bài phát biểu trước công chúng đầu tiên sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.

Bài phát biểu này của ông Tập thu hút sự quan tâm lớn vì được xem là một chỉ báo quan trọng cho mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 4 năm tới. Dù ông Tập không nhắc đến tên ông Biden, nhiều câu từ trong bài phát biểu được cho là nhằm vào chính quyền mới của Mỹ.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra nhiều luận điểm về chủ nghĩa đa phương và tinh thần "đôi bên cùng có lợi", tương tự như những gì ông đã nói ở Davos cách đây 4 năm - vào thời điểm trước lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump. Ông Tập cũng phát tín hiệu rằng Trung Quốc không có ý định thay đổi hướng đi dù bị Mỹ gây sức ép.

"Mỗi quốc gia đều có lịch sử, văn hóa và hệ thống xã hội của riêng mình. Không có một quốc gia nào đứng trên một quốc gia khác", ông Tập nói, cảnh báo về việc áp đặt một "thứ bậc lên văn minh nhân loại" hay hệ thống của quốc gia này lên quốc gia khác.

Ông Tập bày tỏ mong muốn gác sang bên các vấn đề chính trị làm xấu đi mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước phương Tây. "Không có hai chiếc lá nào giống nhau cả", ông nói.

Phản ứng sau bài phát biểu trên của ông Tập, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki ngày 25/1 cho biết những gì mà nhà lãnh đạo Trung Quốc nói "không làm thay đổi bất kỳ điều gì" về cách thức tiếp cận của chính quyền ông Biden trong quan hệ với Bắc Kinh.

Theo bà Psaki, quan điểm của ông Biden là Mỹ cần "có chiến lược phòng thủ tốt hơn" trong việc bảo vệ công nghệ của Mỹ và chính quyền sẽ tiếp tục rà soát lại những vấn đề chủ chốt như vốn đầu tư của các công ty Trung Quốc vào My hay việc đưa các công ty công nghệ Trung Quốc vào "danh sách đen".

"Việc rà soát phức tạp này mới chỉ bắt đầu, và như tôi đã nói, việc rà soát sẽ phải được thực hiện liên ngành, nên Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và một số cơ quan khác sẽ phải vào cuộc", bà Psaki nói. "Về vấn đề quan hệ với Trung Quốc, chúng tôi sẽ bắt đầu bằng sự kiên nhẫn".

"Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ tham vấn đồng minh, sẽ tham vấn với các nghị sỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, và chúng tôi sẽ tiến hành một quy trình liên bộ ngành để rà soát và đánh giá nhằm quyết định sẽ đi theo hướng nào".

Bài phát biểu của ông Tập cũng thể hiện mong muôn thiết lập đối thoại cấp cao với chính quyền mới của Mỹ, kêu gọi các quốc gia "tăng cường sự tin tưởng chính trị thông qua giao tiếp chiến lược". Ông Tập đã tạo dựng được mối quan hệ cá nhân nồng ấm với ông Trump, bắt đầu bằng chuyến thăm tới dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida vào tháng 4/2017, nhưng rồi Trung-Mỹ vẫn rơi vào một cuộc chiến thương mại căng thẳng.

Đến khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ, đã có hơn 100 diễn đàn trao đổi chính thức Mỹ-Trung bị giải tán, một loạt công ty Trung Quốc như Huawei bị Mỹ cấm vận, và thuế quan trừng phạt đã áp lên khoảng 500 tỷ USD hàng hóa giữa hai nước. Ông Biden chưa đưa ra những kế hoạch cụ thể để giải quyết những điểm nóng trong quan hệ Mỹ-Trung, nhưng đã phát tín hiệu chuyển từ đối đầu sang đối thoại, dù lập trường cứng rắn với Bắc Kinh có thể vẫn duy trì.