10:24 18/09/2024

Nạn “chặt chém” gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam

Tường Bách

Ngày 13/9, streamer IshowSpeed đến TP.HCM tham dự chuỗi sự kiện về siêu xe. Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ tối 14/9, anh thuê từ người bán hàng rong chiếc xe điện cân bằng và bị "hét giá" một triệu đồng cho 5 phút, gấp gần 20 lần giá bình thường...

IShowSpeed ngỏ ý muốn thử xe điện cân bằng tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: ONE Esports Vietnam
IShowSpeed ngỏ ý muốn thử xe điện cân bằng tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: ONE Esports Vietnam

Theo Sở Du lịch TP.HCM, ngay sau vụ việc xảy ra tối 14/9, UBND quận 1 đã xác minh danh tính người bán hàng “chặt chém”. Sáng 15/9, người bán hàng đã đến khách sạn IShowSpeed lưu trú để xin lỗi và trả lại tiền. Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết đại diện Sở đã gặp gỡ IShowSpeed để gửi lời xin lỗi, vị khách Mỹ cùng êkip đồng tình với hướng xử lý của giới chức. "Streamer đã chấp nhận lời xin lỗi, cho biết sự việc không ảnh hưởng đến cá nhân", đại diện Sở Du lịch nói.

KHÔNG PHẢI “NẠN NHÂN” ĐẦU TIÊN

Ông Lê Trương Hiền Hòa cho biết tình trạng chặt chém, bán hàng rong vẫn còn tiếp diễn tại nhiều điểm, gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch thành phố dù vấn đề thường xuyên được kiểm tra, trao đổi hàng tuần. "Sau sự việc này thành phố sẽ tăng cường quản lý tại các điểm trung tâm, tập trung nhiều khách du lịch ở quận 1", ông Hòa nói.

Tuy nhiên, thực tế có những sự việc khi đã xảy ra thì tác hại của nó khó có thể vãn hồi. IShowSpeed sở hữu kênh Youtube gần 30 triệu lượt đăng ký. Thời điểm streamer phát trực tiếp, có gần 170.000 lượt xem từ khắp thế giới. Đoạn clip ghi lại cảnh người Việt "chặt chém" nam streamer đến nay đã đạt hơn 6 triệu lượt xem. Trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng nạn "chặt chém", "hét giá" đã làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam nói riêng cũng như đất nước, con người Việt Nam nói chung.

Ngay khi đặt chân tới Việt Nam, IShowSpeed đã trải qua hàng loạt hoạt động thú vị.
Ngay khi đặt chân tới Việt Nam, IShowSpeed đã trải qua hàng loạt hoạt động thú vị.

IshowSpeed cũng không phải là nạn nhân đầu tiên của nạn chặt chém ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Suốt nhiều năm nay tình trạng bán hàng rong lấn chiếm lòng lề đường chặt chém khách du lịch vẫn đang diễn ra tại phố đi bộ, bất chấp các lệnh cấm từ chính quyền địa phương. Không chỉ du khách quốc tế mà du khách trong nước, ngay cả người dân sinh sống ở TP.HCM cũng không ít người trở thành nạn nhân của nạn “chặt chém” tại khu vực trung tâm này. Tình trạng lôi kéo chụp hình với du khách để “xin tiền” đôi khi cũng xảy ra.

Trước đó, hồi tháng 7, việc Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) mời tài xế taxi liên quan đến vụ việc khách du lịch người Pháp tố bị “chặt chém” cho thấy dù đây chỉ là một vụ nhỏ lẻ, nhưng nếu không kiên quyết xử lý sẽ ảnh hưởng đến du lịch Việt Nam. Vào tháng 3/2024, UBND phường Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng đã làm việc và xử phạt hành chính về lỗi bán hàng rong không niêm yết giá đối với người có ý định bán túi táo nhỏ cho khách du lịch nước ngoài với giá 200.000 đồng.

Mặc dù những vụ việc này đã được lực lượng chức năng xác minh xử lý, nhưng ít nhiều đã làm tổn hại đến hình ảnh của từng thành phố nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung. Đặc biệt trong thời kỳ công nghệ số phát triển như vũ bão, những hình ảnh, video, clip được đăng tải sẽ lan truyền rộng trên mạng xã hội mà không gì có thể ngăn chặn được.

CẦN CÓ CHẾ TÀI XỬ PHẠT NGHIÊM MINH HƠN

Theo PGS. TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), vấn đề "chặt chém", "chèo kéo" du khách đã diễn ra từ lâu và khó giải quyết triệt để, đặc biệt là những tỉnh, thành tập trung nhiều khách du lịch như Hà Nội, SaPa - Lào Cai, Đà Nẵng… Thực tế, kể cả ở những nước phát triển cũng xảy ra tình trạng này, khách du lịch luôn là đối tượng để một số đối tượng lợi dụng. 

Du khách người nước ngoài suýt bị "chặt chém" khi mua táo tại một gánh hàng rong Hà Nội nếu không được một nam nhân viên bảo vệ tới hỗ trợ.
Du khách người nước ngoài suýt bị "chặt chém" khi mua táo tại một gánh hàng rong Hà Nội nếu không được một nam nhân viên bảo vệ tới hỗ trợ.

Tại Australia, chính quyền bang New South Wales có nhiều biện pháp cứng rắn để xử lý tài xế lừa đảo du khách, như bố trí cảnh sát mặc thường phục đi taxi và phạt những tài xế không sử dụng đồng hồ tính tiền hoặc tính cước quá cao. Bang này cũng đang nghiên cứu hình thức sa thải tài xế khỏi ngành công nghiệp taxi và các nền tảng chia sẻ xe, chứ không chỉ sa thải khỏi một công ty.

Tương tự tại Hàn Quốc, cơ quan chức năng thành phố Seoul tiến hành kiểm tra tại một số khu chợ thu hút nhiều khách du lịch dưới hình thức "người mua sắm bí mật". Phía KTO cũng tuyên bố sẽ thường xuyên kiểm tra các điểm du lịch lớn để theo dõi tình trạng bán giá cắt cổ tại các lễ hội văn hóa, du lịch. Tại Singapore, cơ quan quản lý giao thông đường bộ vận hành một hệ thống trừ điểm vào giấy phép hành nghề của các lái xe. Theo đó những tài xế taxi bị 6 điểm trừ trở lên có thể bị đình chỉ giấy phép hành nghề. Những tài xế taxi vi phạm 21 điểm trở lên có thể bị thu hồi giấy phép hành nghề.

Tại Thái Lan, Cơ quan Quản lý Đô thị Bangkok (BMA) cấp nhãn dán cho xe tuktuk, taxi và các cửa hàng đồng ý cam kết không tính giá quá cao với khách du lịch. Dựa vào các nhãn dán, du khách có thể tin tưởng các cửa hàng và phương tiện đã được đăng ký với BMA. Các số điện thoại đường dây nóng được công khai để khách nước ngoài tìm kiếm sự giúp đỡ; đồng thời chính quyền thành phố sẽ cung cấp thông tin, đề xuất cho khách du lịch về những địa điểm bán hàng hóa, dịch vụ với giá phải chăng...

Theo đánh giá của một số chuyên gia du lịch, để ngăn chặn tình trạng này, ngành du lịch Việt cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng liên ngành. Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh nhấn mạnh, phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng trong việc phục vụ du khách. Song song với đó, phía chính quyền địa phương cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động của người bán hàng rong. Ngoài ra, cần tăng cường hệ thống camera và nâng cao an ninh tại các khu vực du lịch để bảo đảm an toàn cho du khách.

Phía chính quyền địa phương cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động của người bán hàng, cơ sở dịch vụ.
Phía chính quyền địa phương cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động của người bán hàng, cơ sở dịch vụ.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Tạ Hữu Chiến, Giám đốc Công ty Du lịch Mặt Trời Việt Nam (Sunvina travel), cho rằng vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng, bởi việc xử phạt liên quan đến giá cả cần sự vào cuộc của liên ngành như công khai giá niêm yết, xử lý phát sinh khi có kiến nghị của du khách, qua đó, tạo dựng văn hoá du lịch chuyên nghiệp, khiến du khách muốn quay trở lại những lần tiếp theo. Thông qua tuyên truyền giáo dục thì cần có chế tài xử phạt thật nặng việc "chặt chém" khách để mang tính răn đe.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel chia sẻ, nạn “chặt chém” có thể ảnh hưởng đến sức chi tiêu của du khách khi đến Việt Nam. Đây là một trong những vấn đề đang được ngành Du lịch quan tâm. Để cải thiện tình trạng này, bà Hoàng đề xuất TP.HCM xây dựng một “hành lang giá” thống nhất, đồng thời quy hoạch và xây dựng các khu phố mua sắm.

Việc đưa các gian hàng về một khu vực không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trải nghiệm mà còn giúp quản lý dễ dàng hơn. Các mặt hàng bày bán tại đây phải được niêm yết giá rõ ràng và có kế hoạch quảng bá, phát triển cụ thể...