11:56 10/09/2024

AI sẽ thay đổi ngành du lịch trong tương lai

Tường Bách

Theo thống kê từ Technopedia, thị trường trí tuệ nhân tạo toàn cầu được dự đoán sẽ đạt mức 1,35 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Sự phát triển mạnh mẽ từ AI ảnh hưởng tới nhiều ngành khác nhau, bao gồm cả ngành du lịch thế giới…

Ảnh: Intuz
Ảnh: Intuz

Với 91% các tổ chức hàng đầu đang đầu tư vào AI, việc áp dụng rộng rãi công nghệ này trong ngành du lịch trong thập kỷ qua và trong tương lai là điều không có gì đáng ngạc nhiên. AI có thể giúp đưa ra những đề xuất mang tính cá nhân hoá cho khách hàng về các lựa chọn du lịch, chỗ ở và các hoạt động khám phá mới mẻ. AI cũng giúp hỗ trợ tối ưu hoá mức tiêu thụ năng lượng và các cơ sở hạ tầng, đồng thời giúp quản lý tài nguyên hiệu quả hơn, thúc đẩy các nguyên tắc bền vững về môi trường trong ngành du lịch.

TIỀM NĂNG VÔ TẬN

Ở thời điểm hiện tại, về cơ bản, những nội dung du lịch do AI tạo ra cũng như những tiềm năng của AI trong ngành công nghiệp du lịch có thể coi là vô tận. Tại Hàn Quốc, công ty Yellow Balloon Tour đã nâng cấp hệ thống bán hàng mới thông qua AI để xử lý các nhiệm vụ lặp đi lặp lại đơn giản và xác nhận đặt chỗ tạm thời; xuất vé tự động; phân công hướng dẫn; tự động hóa các nhiệm vụ đặt chỗ như xử lý giải quyết kết thúc sự kiện.

Một lãnh đạo của Yellow Balloon Tour cho biết công ty mong muốn cải thiện tính kịp thời của việc cung cấp dịch vụ khách hàng cùng với việc đổi mới quy trình bán hàng. Theo đó, công ty sẽ xây dựng một robot xử lý cuộc gọi (callbot) trong Trung tâm liên hệ AI (AICC) bằng cách sử dụng kiến thức về dịch vụ khách hàng (CS) được tích lũy khi còn là đại lý du lịch bán hàng trực tiếp và tìm kiếm AI để xử lý trước kiến thức tư vấn liên quan đến du lịch.

Tương tự, công ty Hana Tour đang hướng tới mục tiêu cung cấp các sản phẩm du lịch tùy chỉnh cho từng khách du lịch độc lập bằng cách cho phép tìm kiếm tương tác thông qua mô hình AI. Ngoài ra, Hana Tour cũng có kế hoạch nâng cao hơn nữa “Travel Information AI”, dịch vụ chatbot AI sử dụng Chat GPT và vận hành trung tâm cuộc gọi AI chuyên về ngành du lịch để nâng cao hiệu quả làm việc của nhân viên.

Ở thời điểm hiện tại, về cơ bản, những nội dung du lịch do AI tạo ra cũng như những tiềm năng của AI trong ngành công nghiệp du lịch có thể coi là vô tận.
Ở thời điểm hiện tại, về cơ bản, những nội dung du lịch do AI tạo ra cũng như những tiềm năng của AI trong ngành công nghiệp du lịch có thể coi là vô tận.

Tại Thái Lan, chính quyền Đô thị Bangkok (BMA) đã công bố một loạt biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch khi tới thăm thủ đô Đất nước Chùa Vàng, bảo vệ khách du lịch trước nạn quấy rối, lừa đảo… Thư ký thường trực BMA Wanthanee Wattana cho biết trong số các biện pháp sơ bộ được đề xuất nhằm giải quyết vấn đề, BMA sẽ sử dụng công nghệ AI với mạng lưới camera an ninh rộng khắp để giám sát các hành vi vi phạm trên các tuyến đường lớn mà khách du lịch nước ngoài thường xuyên lui tới.

Còn tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh, triển lãm có tên gọi “Sự tráng lệ và hùng vĩ: Trải nghiệm phong phú về nghệ thuật hang động” hồi tháng 5 vừa qua đã được đón nhận nồng nhiệt. Triển lãm sử dụng các tác phẩm sắp đặt khổng lồ, thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng tương tác kỹ thuật số để mang đến cho công chúng cái nhìn toàn cảnh về những di sản văn hóa. Tại triển lãm này, các dòng chữ viết trong Hang đá Long Môn được làm sống lại nhờ thuật toán AI và công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR).

Trong khi đó, triển lãm trải nghiệm thực tế ảo (VR) với các kim tự tháp Ai Cập ở Trung tâm Phoenix (Bắc Kinh) gần đây đã thu hút tới 1.000 lượt khách tham quan mỗi ngày. Triển lãm sử dụng công nghệ quét 3D, với một hệ thống máy tính tạo ra các mô hình tái tạo có độ chính xác cao của kim tự tháp và môi trường xung quanh bằng cách sử dụng công nghệ máy ảo. Cũng vậy, tại trung tâm mua sắm Hopson One ở quận Triều Dương, Bắc Kinh, một triển lãm nhập vai VR mang tên “Wow! Tam Tinh Đôi” (Wow! Sanxingdui) đã thu hút nhiều sinh viên và các gia đình đến tham quan mỗi cuối tuần.

DU LỊCH VIỆT HƯỚNG TỚI MỘT TƯƠNG LAI BỀN VỮNG

Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM (ITE HCMC 2024) là một trong những hội chợ du lịch thường niên có tầm ảnh hưởng nhất khu vực châu Á. Năm nay, sự kiện diễn ra trong 3 ngày, 5 - 7/9, với chủ đề "Du lịch bền vững – Kiến tạo tương lai". Trong khuôn khổ hội chợ, hội thảo "Ứng dụng AI trong truyền thông quốc tế và du lịch bền vững" đã được tổ chức.

 Gần 40% khách du lịch cho biết họ sẽ sử dụng công cụ tìm kiếm bằng AI để có được một kỳ nghỉ trọn vẹn.
 Gần 40% khách du lịch cho biết họ sẽ sử dụng công cụ tìm kiếm bằng AI để có được một kỳ nghỉ trọn vẹn.

Gen Z và công nghệ AI được nhận định là làn sóng thứ 3 thay đổi ngành du lịch khi giờ đây du khách dễ dàng lên kế hoạch cho chuyến đi chỉ trong vài phút với đầy đủ những gợi ý và đánh giá chi tiết. Hơn một nửa số người tham gia vào cuộc khảo sát của Expedia quan tâm đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để lên kế hoạch cho lần du lịch tiếp theo của họ. Trí tuệ nhân tạo đang được kỳ vọng sẽ đơn giản hóa quy trình lập kế hoạch và đặt chỗ, mặc dù vẫn có những sai sót nhất định. Gần 40% khách du lịch cho biết họ sẽ sử dụng công cụ tìm kiếm bằng AI để có được một kỳ nghỉ trọn vẹn.

Bên cạnh đó AI và chuyển đổi sổ cũng giúp du khách không cần in ấn các giấy tờ, vé cứng khi đi du lịch, giúp giảm thiểu tác động lên môi trường. Công cụ này mang đến cho khách những giá tốt nhất trong khoảng thời gian nhanh nhất cũng như mang đến những gợi ý quản trị rủi ro trước tình hình thực tế.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings: "Với sự phát triển với tốc độ chóng mặt, AI sẽ khiến những đơn vị tư vấn du lịch dần dần biến mất. Các công ty du lịch chỉ có thể bán những tour đường dài đến các địa điểm cần chuẩn bị visa phức tạp".

Đồng tình với quan điểm trên, ông Mic Nguyễn, Nhà sáng lập kiêm CEO của ứng dụng Huuk, cho biết từ khi Chat GPT ra đời, lượng tìm kiếm trên các Online Travel Agent (OTA) truyền thống đã sụt giảm rõ rệt. "Đó là cơ hội của chúng tôi. Tuy nhiên các công ty du lịch nếu không có sự thích nghi nhanh chóng với công nghệ, với AI thì sẽ sớm bị đào thải".

Hội thảo "Ứng dụng AI trong truyền thông quốc tế và du lịch bền vững" trong khuôn khổ ITE HCMC 2024.
Hội thảo "Ứng dụng AI trong truyền thông quốc tế và du lịch bền vững" trong khuôn khổ ITE HCMC 2024.

Còn tại TP. Nha Trang, chiều ngày 7/9, trong khuôn khổ Hội thảo “AI và các giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho ngành du lịch Khánh Hòa”, GS. Cihan Cobanoglu, Đại học South Florida (Hoa Kỳ), tổng biên tập Tạp chí Công nghệ trong ngành Khách sạn và Du lịch đã tập trung phân tích vai trò của A.I trong việc nâng cao trải nghiệm du lịch thân thiện với môi trường, tối ưu hóa quản lý tài nguyên và giảm thiểu tác động môi trường của du lịch. Theo GS. Cihan Cobanoglu những hiểu biết sâu sắc về sự cộng sinh giữa AI và phát triển bền vững sẽ là cơ hội để hướng tới một tương lai bền vững và công nghệ tiên tiến hơn trong ngành du lịch.

Đại diện cho Việt Nam, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, nhận định cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang tạo ra nhiều cơ hội cho ngành du lịch, từ việc quản lý và vận hành thông minh đến marketing kỹ thuật số, phát triển các ứng dụng hỗ trợ du lịch, và nâng cao trải nghiệm du khách thông qua các dịch vụ số. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào quản lý và quảng bá du lịch sẽ giúp Việt Nam tăng tính cạnh tranh quốc tế và thu hút nhiều hơn lượng khách từ các thị trường mục tiêu.