Muốn trở thành điểm đến của điện ảnh, Việt Nam cần làm gì?
Hiệu ứng mà điện ảnh mang lại đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là không thể bàn cãi. Nhờ hiệu ứng tích cực từ các bộ phim, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ngày càng được quảng bá rộng rãi...
Từ trước đến nay, có thể nhận thấy, các di sản, điểm đến của Việt Nam khi trở thành “phông nền” cho mỗi thước phim đã chạm tới khát khao khám phá của du khách trong và ngoài nước. Kể từ sau thành công của phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" trong việc góp phần quảng bá du lịch Phú Yên, các nhà làm phim Việt đã đầu tư nhiều hơn vào bối cảnh thiên nhiên. Các địa phương cũng mở rộng việc mời gọi, tạo điều kiện cho các nhà làm phim với mong muốn tăng sự quảng bá, thu hút du khách thông qua điện ảnh.
MỐI LIÊN KẾT DU LỊCH – ĐIỆN ẢNH
Người trong giới đều nhận định du lịch và điện ảnh có sự bổ trợ cho nhau, quảng bá du lịch qua phim mang đến hiệu quả lớn, có khả năng thu hút mạnh mẽ. Nhiều nước trong khu vực đã làm rất tốt điều này như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan... Nhiều địa điểm ở Hàn Quốc trở nên nổi tiếng sau khi xuất hiện trong các tác phẩm phim truyền hình lẫn điện ảnh qua đó thu hút lượng du khách không nhỏ trong và ngoài nước tìm đến thưởng ngoạn, chụp ảnh lưu niệm.
Phát biểu tại tọa đàm "Việt Nam - điểm đến mới của điện ảnh thế giới" ngày 10/9 tại Hà Nội, Bộ trưởng Văn hóa Thể Thao & Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng cho biết trong 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, điện ảnh và du lịch là hai ngành trọng tâm. Sức mạnh của điện ảnh không chỉ ở lĩnh vực nghệ thuật mà còn ở yếu tố văn hóa. Nếu Việt Nam biết tận dụng thế mạnh này gắn kết điện ảnh - du lịch, sức lan tỏa về điểm đến tới du khách quốc tế sẽ rất cao.
Việt Nam có cảnh quan hùng vĩ, văn hóa đặc sắc, ẩm thực đa dạng, con người thân thiện cùng nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch thông qua lĩnh vực điện ảnh cũng như trở thành điểm đến mới của điện ảnh thế giới. Theo Bộ trưởng Hùng, ngành du lịch cần chủ động, đi đầu trong quảng bá, xúc tiến để quốc tế biết được những tiềm năng, thế mạnh này của Việt Nam. "Nếu chúng ta ở im trong nhà đóng cửa, không ai biết Việt Nam có gì", ông Hùng nói.
Bộ trưởng cũng yêu cầu ngành du lịch cần nghiên cứu, giới thiệu những cái lạ, điểm mới tới bạn bè quốc tế thông qua những chiến dịch trọng điểm, tổng thể thay vì tràn lan hoặc nhỏ lẻ. Chỉ khi nào cùng đồng loạt quảng bá về du lịch thì Việt Nam mới có thể tạo được tiếng vang, thu hút du khách và đạt hiệu quả.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cũng khẳng định nhiều quốc gia trở thành tiêu điểm hút khách nhờ vào các bộ phim điện ảnh. Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2024, trụ cột tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của Việt Nam được đánh giá cao, xếp hạng 26 và 28. Cục trưởng Khánh đánh giá đây là nguồn tài nguyên tốt để phát triển du lịch kết hợp với điện ảnh. Thành công của phim Kong: Skull Island với những cảnh quay tại Hạ Long, Quảng Bình, Ninh Bình cho thấy Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành phim trường của những bộ phim bom tấn của Hollywood.
TUY NHIÊN, KHÔNG NÊN DU LỊCH HÓA ĐIỆN ẢNH
Đại diện cho một trong những địa phương có ngành du lịch được hưởng lợi nhiều nhất từ điện ảnh, ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình chia sẻ tại tọa đàm: "Được các tạp chí du lịch uy tín và khách du lịch đánh giá là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn, đáng trải nghiệm tại Việt Nam, Quảng Bình đã được các hãng phim trong nước và nước ngoài đến khảo sát bối cảnh và triển khai một số bộ phim, video ca nhạc nổi bật như: Good Morning America; Kong: Skull Island; Alone Pt II của DJ Alan Walker; một phần của tập 6 của Planet Earth III - Extremes; phim Người bất tử…
“Qua việc triển khai các dự án phim trên tại Quảng Bình, chúng tôi thấy rằng, nhu cầu của các điểm đến du lịch tại Việt Nam đối với xúc tiến điện ảnh gắn với quảng bá du lịch là rất lớn. Việc quảng bá du lịch, con người Việt Nam thông qua các bộ phim điện ảnh đặc biệt là các bộ phim bom tấn của các hãng phim Hollywood là một trong những phương thức quảng bá hiệu quả nhất, có khả năng tiếp cận sâu rộng tới hàng trăm triệu khán giả trên toàn thế giới,” ông Qúy nói.
Ở góc nhìn khác, TS Ngô Phương Lan, chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, phát biểu về tình trạng du lịch hóa điện ảnh, tức tìm mọi cách đưa những thông điệp du lịch vào phim. "Thành công của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cho thấy khi làm tác phẩm điện ảnh, không nên du lịch hóa nó vì tác phẩm phải có giá trị, phải hay thì mới có sức lan tỏa, từ đó mới quảng bá được cho điểm đến", bà nói. Theo bà Lan, nếu không thay đổi tư duy đó thì cả du lịch lẫn điện ảnh đều không đạt được kết quả.
Ngoài ra, bà Ngô Phương Lan cho rằng Luật Điện ảnh 2022 đã có nhiều thay đổi tích cực nhưng "có những cơ chế và văn bản dưới luật dường như chưa có". Với những ưu đãi về thuế, theo luật thuế lại không liên quan tới cơ chế này.
Dước góc nhìn doanh nghiệp, Tổng giám đốc Oxalis Nguyễn Châu Á cho biết các đoàn làm phim nước ngoài mong được tạo điều kiện hơn trong cấp phép, an ninh trật tự và giữ bảo mật trong quá trình quay phim. "Truyền thông trong nước đăng tải quá nhiều thông tin trong quá trình làm phim của họ, làm ảnh hưởng đến chiến lược, lợi thế cạnh tranh của bộ phim", ông Nguyễn Châu Á nói. “Ngoài các chính sách ưu đãi về thuế, họ mong Việt Nam có nhiều công ty sản xuất, hậu cần phục vụ các đoàn phim quốc tế chuyên nghiệp hơn”.
Trước các ý kiến cần thay đổi cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các đoàn phim quốc tế quay phim tại Việt Nam, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Quốc Việt cho rằng thời gian qua cục đã có nhiều hỗ trợ khai thông nguồn lực để phát triển điện ảnh và cả du lịch, đặc biệt sau khi Luật Điện ảnh sửa đổi được ban hành. Ông Việt cho biết cục đã cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính. Từ 11 thủ tục hành chính trong các năm 2006 - 2009, nay chỉ còn 5 thủ tục hành chính trong lĩnh vực điện ảnh.
Nếu trước đây, phía Việt Nam yêu cầu đoàn phim phải cung cấp kịch bản toàn phần để thực hiện hồ sơ cấp phép thì giờ chỉ cần kịch bản tóm tắt và chi tiết nội dung với bối cảnh. Thời gian tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục từ 30 ngày giờ còn 20 ngày... Ngoài xây dựng khung liên quan tới ưu đãi thuế, nguồn lực, cục cũng đã tiến hành chuyển đổi số trong công tác hành chính, nâng cấp cấp độ 3 lên cấp độ 4, tạo điều kiện cho các nhà làm phim nước ngoài.