11:30 07/10/2024

Tuổi thọ người Việt và áp lực “già trước khi giàu”

Hoài Phương

Việt Nam đang phải đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh. Theo Cục Dân số (Bộ Y tế), dự báo đến năm 2038, nghĩa là chỉ còn 15 năm nữa, nước ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già, tức là cứ 5 người dân thì có một người trên 60 tuổi... 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Già hóa dân số là khái niệm được hiểu khi số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 10% tổng dân số (hoặc 7% với người từ 65 tuổi), còn dân số già là khi tỷ lệ này là 20% (hoặc 14% với người từ 65 tuổi). Chỉ số già hóa (tính bằng số người cao tuổi trên 100 trẻ dưới 15 tuổi) ở Việt Nam ngày càng tăng, hiện ở mức 53,1% (nghĩa là cứ 100 trẻ dưới 15 tuổi thì có 53,1 người cao tuổi). Dự báo, chỉ số này sẽ vượt ngưỡng 100 vào năm 2032, là thời điểm nước ta bắt đầu có lượng người cao tuổi nhiều hơn số lượng trẻ em. 

Việt Nam bắt đầu thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011. Như vậy, để chuyển từ già hóa dân số sang dân số già, Việt Nam mất khoảng 27 năm. Bộ Y tế cho biết trên thế giới, nhiều quốc gia mất hàng trăm, hàng chục năm để tỷ lệ người cao tuổi tăng từ 10% lên 20%. Trong khi đó, Việt Nam gia nhập nhóm các nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, tương đương Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc…

Theo Niên giám thống kê 2023, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người Việt đạt 74,5 tuổi, tăng gần 1 tuổi so với năm 2022. Liên tục từ năm 2019 đến 2022, tuổi thọ trung bình của người Việt dao động từ 73,6 - 73,7 tuổi; phụ nữ nước ta sống lâu hơn đàn ông khoảng 5,3 năm. Riêng năm 2023, tuổi thọ của phụ nữ Việt bật tăng lên 77,2 tuổi, trong khi nam giới cũng tăng lên 72,1 tuổi.

Năm 2023, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người Việt đạt 74,5 tuổi.
Năm 2023, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người Việt đạt 74,5 tuổi.

Các chuyên gia đánh giá tuổi thọ tăng một phần do điều kiện sống, đời sống xã hội ngày càng tốt hơn, ngoài ra điều quan trọng khác là sự tiến bộ không ngừng của y học và công tác chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định mặc dù tuổi thọ người Việt gia tăng so với các nước trong khu vực nhưng số năm sống có bệnh tật lại cao hơn. Cơ quan này đánh giá số năm sống khỏe mạnh của người Việt còn khiêm tốn, chỉ 65 tuổi.

Tại Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ V vừa qua, TS.BS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam, cho biết trung bình người cao tuổi Việt phải chịu 14 năm bệnh tật, mắc khoảng 3 - 6 bệnh nền, như rối loạn chuyển hóa, xương khớp, tim mạch, thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, tăng huyết áp, đái tháo đường... "Đây thực sự là bài toán của ngành y, khi số lượng người bệnh tăng lên mà khả năng đáp ứng về nhân lực và trang thiết bị còn hạn chế, bệnh viện quá tải", bác sĩ Trung Anh nói.

Ngoài ra, chi phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cũng ngày càng tăng, gây áp lực tài chính lên hệ thống bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước. Thực tế, hơn 70% người cao tuổi không có lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con cái. Trong đó, hơn 65% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định.

PGS.TS Nguyễn Trung Anh nhận định Việt Nam đối mặt với vấn đề "già trước khi giàu" khiến nước ta chưa kịp chuẩn bị các mạng lưới an sinh xã hội phù hợp để đón một xã hội nhiều người già, dẫn tới hệ lụy về kinh tế xã hội khi dân số già hóa nhanh chóng cũng cao hơn. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Trung bình người cao tuổi Việt phải chịu 14 năm bệnh tật, mắc khoảng 3 - 6 bệnh nền.
Trung bình người cao tuổi Việt phải chịu 14 năm bệnh tật, mắc khoảng 3 - 6 bệnh nền.

Tương tự, TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cũng nhận định tốc độ già hóa tại Việt Nam nhanh gấp đôi, ba so với các nước đang phát triển, khiến dân số già mà chưa giàu, chất lượng cuộc sống thấp. Trước những thách thức trên, PGS Anh cho rằng cần cập nhật những thay đổi mới trong hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi như hệ thống chăm sóc dài hạn, hỗ trợ toàn diện, cải thiện chất lượng sống. Xây dựng khung chương trình đào tạo bác sĩ chuyên ngành lão khoa, phát triển nhân lực trẻ tại Việt Nam.

Ngành y tế cần phát triển nhân lực chuyên sâu trong lĩnh vực lão khoa và các chuyên ngành liên quan trong việc dự phòng, điều trị và chăm sóc các bệnh nền như sa sút trí tuệ, Parkinson, các bệnh lý tim mạch - chuyển hóa, can thiệp mạch vành và giảm đau, bệnh cơ xương khớp, hô hấp... "Phải lấy người già làm trung tâm của sự phục vụ để quan tâm, giúp họ sống khỏe, sống thọ", TS Đức nói.

Tại báo cáo đánh giá tác động chính sách Dự án Luật Dân số, Bộ Y tế đang đề ra nhiều giải pháp nhằm thích ứng với quá trình già hóa dân số, dân số già, như bổ sung quy định xây dựng quy trình, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi; xây dựng các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; xây dựng hệ thống chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi phù hợp với đặc điểm về giới, độ tuổi, học vấn, văn hóa, kinh tế, xã hội, vùng miền...

Điều này rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam còn khiêm tốn. Bộ Y tế thống kê, chỉ có khoảng 32% người cao tuổi được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe ban đầu; có 106 bệnh viện cấp trung ương và cấp tỉnh có khoa lão khoa... và chỉ có gần 1.800 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa.

Năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 8,5 triệu lao động cao tuổi và năm 2049 có tới 13,5 triệu lao động cao tuổi.
Năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 8,5 triệu lao động cao tuổi và năm 2049 có tới 13,5 triệu lao động cao tuổi.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề xuất xây dựng thêm các chương trình, dự án đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi bước sang tuổi già, phù hợp với sức khỏe, trình độ, năng lực và nhu cầu thị trường. Bởi theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2030, nước ta sẽ có 17,2 triệu người cao tuổi và năm 2049, số người cao tuổi lên đến gần 27 triệu.

Nếu nhu cầu làm việc của người cao tuổi được đáp ứng như hiện nay (khoảng 50%), thì năm 2030 sẽ có khoảng 8,5 triệu lao động cao tuổi và năm 2049 có tới 13,5 triệu lao động cao tuổi. “Đây sẽ là đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao an sinh, thu nhập cho người cao tuổi, tránh được căn bệnh thiếu lao động do mức sinh thấp, sử dụng hiệu quả lao động trình độ cao”, báo cáo của Bộ Y tế nhận định.

Theo lãnh đạo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, tới đây thành phố sẽ thí điểm mô hình trung tâm dưỡng lão theo hình thức xã hội hóa, trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày cho người cao tuổi, xây dựng các câu lạc bộ... Về lâu dài, ngành y tế TP.HCM sẽ củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người cao tuổi, xây dựng và phổ biến mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi.