Mỗi năm có khoảng 17.000 ca ung thư dạ dày mắc mới
Tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày thực hiện khoảng 2.000 ca nội soi đường tiêu hóa, trong đó khoảng 20% bệnh nhân bị viêm loét dạ dày và từ 1 - 2% bệnh nhân bị ung thư dạ dày…
Theo thống kê của ngành y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 17.000 ca mắc mới, chiếm khoảng 10% số ca ung thư các loại. Tỉ lệ tử vong của ung thư dạ dày đứng thứ 3 trong top các bệnh ung thư gây tử vong nhiều với hơn 15.000 trường hợp, chiếm khoảng 12%. Đáng chú ý, 70% số người bị ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn tiến triển do không có triệu chứng rõ rệt và dễ nhầm lẫn với bệnh viêm dạ dày hay loét dạ dày.
Đặc biệt, tuổi bệnh nhân ung thư dạ dày dưới 40 tuổi chiếm từ 20 - 25%, một con số rất cao và có xu hướng gia tăng. Phó giáo sư Phạm Hoàng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật tiêu hóa (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), cho biết các bác sĩ đã điều trị cho khá nhiều trường hợp dưới 45 tuổi, thậm chí có bệnh nhân dưới 30 tuổi. Tỷ lệ mắc ở nam giới gấp 2 lần nữ giới, nhiều trường hợp khi đến viện phát hiện muộn.
Chia sẻ tại hội nghị cập nhật tiến bộ trong sinh học phân tử, chẩn đoán và điều trị ung thư đường tiêu hóa do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức, TS. Nguyễn Quang Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), khuyến cáo nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư dạ dày ngày càng gia tăng trong giới trẻ là do lứa tuổi này thường thích những món ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh hoặc các món cay nóng…
Ngoài ra, thói quen ăn uống của đa số người dân Việt Nam là ăn chung, uống chung. Đây là đường lây truyền của nhiều vi khuẩn, độc tố trong đó có vi khuẩn HP. Vi khuẩn này có thể sống cộng sinh lâu ngày trong dạ dày, gây tổn thương niêm mạc dạ dày, gây loạn sản, dị sản, dễ dẫn tới ung thư dạ dày. Đặc biệt, yếu tố stress, áp lực cuộc sống khiến tình trạng viêm loét dạ dày lặp đi lặp lại, nếu không điều trị, theo dõi chặt chẽ cũng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học Tiêu hóa lần thứ 9 mới đây, PGS.TS Nguyễn Công Long, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP có thể gây ung thư dạ dày cao; có tới 70 - 80% người dân nhiễm vi khuẩn này, chủ yếu lây qua đường ăn uống. Khi tỷ lệ nhiễm vi khuẩn này cao, các tổn thương tiền ung thư tăng lên, cần tăng cường tầm soát để phát hiện sớm bệnh và điều trị khỏi”.
Biện pháp quan trọng để điều trị các bệnh lý thành công là cần được chẩn đoán sớm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiện tỷ lệ người bệnh được chẩn đoán sớm ung thư đường tiêu hóa thấp. Tại Hội thảo, các chuyên gia tập trung trao đổi chuyên môn về lĩnh vực nội soi tiêu hóa; những kỹ thuật tiên tiến về can thiệp đường tiêu hóa, thông qua nội soi tiêu hóa.
Nếu như trước đây, người bệnh bị ung thư đường tiêu hóa, ung thư niêm mạc dạ dày, đại tràng... phải trải qua những cuộc đại phẫu, phải dùng hóa chất, hóa trị, vất vả cho người bệnh, nhưng khó hiệu quả, hiện nay, với những kỹ thuật mới, người bệnh đã có thể phát hiện được những dấu hiệu ung thư đường tiêu hóa từ sớm. Đặc biệt, phương pháp cắt tách dưới niêm mạc các chuyên gia Việt Nam học hỏi từ các đồng nghiệp Nhật Bản đã được thực hiện tại Việt Nam mang lại cơ hội tốt cho người bệnh.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Thời gian tới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục cử các bác sĩ có kinh nghiệm tham gia các khóa học tại trường Đại học Nagoya và nhiều Bệnh viện của Nhật Bản, Đài Loan và các nước trong khu vực về lĩnh vực tiêu hóa để tiến tới xây dựng Trung tâm Tiêu hóa lớn mạnh và sánh ngang với các nước phát triển. Bệnh viện Bạch Mai cũng sẽ tiếp tục chuyển giao các kỹ thuật đã tiếp nhận đến các bệnh viện từ Trung ương đến địa phương, để người dân được tiếp nhận kỹ thuật cao ngay tại tuyến dưới”.
Thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, nhờ cập nhật các kỹ thuật y khoa hiện đại, các bác sĩ Khoa Ung bướu 1 của bệnh viện vừa triển khai thành công phẫu thuật cắt bán phần cực trên dạ dày, tái lập lưu thông tiêu hóa kiểu “Double Tract” cho một bệnh nhân có khối u GIST dạ dày. Đây là phương pháp phẫu thuật tiên tiến giúp bảo tồn dạ dày tối đa cho người bệnh, chống trào ngược và biến chứng sau phẫu thuật, giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Tương tự, mới đây Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cũng vừa phát hiện và điều trị sớm ung thư đường tiêu hóa cho một nữ bệnh nhân 65 tuổi. Dưới sự hỗ trợ của BS Trần Cảnh (Bệnh viện K) và ekip nội soi can thiệp của Khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An) đã tiến hành thành công thủ thuật can thiệp cho bệnh nhân, cắt tách niêm mạc dạ dày, lấy toàn bộ tổn thương ra khỏi cơ thể nhưng vẫn bảo tồn được dạ dày cho nữ bệnh nhân.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Chương, Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, những nhóm người sau cần sàng lọc ung thư tiêu hóa thường xuyên.
- Người có tiền sử gia đình mắc ung thư đường tiêu hóa: Nếu trong gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng, dạ dày, thực quản, bạn nên tầm soát sớm hơn và thường xuyên hơn.
- Người hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều: Những thói quen này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư đường tiêu hóa thực quản, gan, dạ dày.
- Người béo phì, ít vận động: Tình trạng béo phì và ít vận động liên quan đến nhiều bệnh mạn tính, trong đó có ung thư đại trực tràng.
- Người mắc các bệnh viêm đường tiêu hóa mạn tính: Viêm dạ dày mạn tính, bệnh lý ruột viêm như crohn, viêm loét đại trực tràng chảy máu... có thể tăng nguy cơ ung thư hóa.
- Người trên 40 - 45 tuổi: Độ tuổi càng cao, nguy cơ mắc ung thư càng lớn.
Tần suất nội soi: Người có nguy cơ cao nên nội soi định kỳ 1-2 năm/lần. Người bình thường có thể nội soi 5 năm/lần, bắt đầu từ tuổi 45.
Ngoài ra, bác sĩ Chương khuyến cáo trong sinh hoạt hằng ngày, người dân cần chú ý đi thăm khám sớm nếu có các triệu chứng như đau bụng âm ỉ, khó chịu, không rõ nguyên nhân, đặc biệt là vùng bụng dưới kèm theo ăn, đầy bụng, khó tiêu; có máu trong phân. Một số trường hợp có thể giảm cân đột ngột, người mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, da xanh.
Để phòng bệnh, người dân hạn chế các thực phẩm như dưa muối, thịt nguội (thịt hun khói, dăm bông, xúc xích), thực phẩm sử dụng nhiều phẩm màu. Trong chế độ ăn uống, người dân nên tăng cường ăn rau xanh, các loại ngũ cốc nguyên hạt...