16:34 08/07/2016

Nếu con bạn muốn “gap year”, bạn sẽ đồng ý?

PV

Nếu con bạn muốn “gap year”, bạn sẽ đồng ý? - Ảnh 1
Nói nôm na, gap year là khoảng thời gian 1 năm để các học sinh nghỉ "giải lao" sau 12 năm miệt mài đèn sách. Tại nhiều nước trên thế giới, các em học sinh thường sẽ dành thời gian này để làm mới bản thân, đi học một khoá ngắn hạn, làm thêm một công việc nào đó, hoặc đi du lịch nước ngoài trong cả năm rồi mới quay lại với trường đại học. Mục đích của gap year là để các em tự khám phá ra sở thích, đam mê của bản thân, từ đó có thể lựa chọn chính xác ngành học cũng như con đường tương lai mà mình muốn theo đuổi.

Nếu con bạn muốn “gap year”, bạn sẽ đồng ý? - Ảnh 2

1 năm thực sự hữu ích
Nếu được sử dụng đúng mục đích, một năm gap year này thực sự rất bổ ích. Nhất là với các em tân sinh viên Việt Nam, khi đã quá chán ngán với chuỗi ngày soạn bài, thức đêm học thuộc rồi sáng đến lớp lại quáng quàng trả bài, đây sẽ là dịp để dẹp bỏ hết sách vở sang một bên và sống một cuộc sống đúng nghĩa là tuổi trẻ!
Xu hướng của thế giới là, các tân sinh viên sẽ tìm một vùng đất mới, có thể là trong nước, có thể là nước ngoài để đi du lịch văn hoá. Gọi là du lịch văn hoá là bởi họ tới nơi đó vừa để thăm thú, vừa để tìm hiểu văn hoá, xã hội của người dân sống tại khu vực ấy. Bên cạnh mục đích dạo chơi đổi không khí, các sinh viên còn tham gia làm từ thiện, làm việc giúp đỡ các tổ chức, người dân địa phương. Như dân Anh, Mỹ khi đến các nước châu Á khác có thể sẽ tìm việc dạy tiếng Anh cho các em nhỏ bản xứ. Điểm đến mà các sinh viên phương Tây yêu thích nhất khi bắt đầu kỳ gap year của mình là Nam Phi, Israel, Ấn Độ, Úc. Tuy nhiên vẫn rất nhiều sinh viên lựa chọn đi làm tình nguyện, học thêm hoặc khám phá các vùng đất mới trong nước. Vừa đỡ tốn tiền, vừa đỡ phải mất thời gian xin Visa này nọ rắc rối mà vẫn có trải nghiệm hay ho lý thú. Thông thường các sinh viên trải qua kỳ gap year đều nói rằng họ cảm thấy hừng hực khí thế hơn khi bắt đầu bước vào cuộc sống đại học. Mặt khác, theo các chuyên gia giáo dục, những sinh viên nào dám thách thức bản thân với một năm trì hoãn đều có khả năng trở thành các nhà lãnh đạo ưu tú trong tương lai với đức tính dám nghĩ dám làm và có động cơ rõ rệt. Một năm trì hoãn này, suy cho cùng cũng là cơ hội để các bạn trẻ hiểu được về bản thân, nhất là biết được rõ ràng mình không muốn làm cái gì và tự mình sửa sai cho quyết định.  Ngày từ xa xưa, ông bà ta đã có câu nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là như vậy. Bên cạnh đó, bạn trẻ có cơ hội xác định lại kỹ hơn con đường mình đã chọn. Đừng để học đến năm ba rồi mới thấy không phù hợp và bỏ ngang (hiện tượng này khá nhiều). Thà đứng lại để suy nghĩ thật kỹ còn hơn là nhắm mắt vội bước con đường mà bạn không chắc nó sẽ dẫn về đâu. Đã có nhiều trường hợp qua 1 năm “được trì hoãn”, có bạn đã tìm thấy ngành đam mê đích thực của mình.

Nếu con bạn muốn “gap year”, bạn sẽ đồng ý? - Ảnh 3

Nỗi lo của phụ huynh Việt Nam
Dù chưa thành phong trào rầm rộ như các bạn cùng trang lứa ở châu Mỹ, châu Âu nhưng, hiện nay số lượng những bạn trẻ Việt Nam lựa chọn trải nghiệm gap year ngày càng tăng qua mỗi năm. Điều này cho thấy rằng, bên cạnh việc lĩnh hội tri thức, giới trẻ Việt Nam cũng không để mình tụt hậu trong việc tiếp cận các xu thế sống lành mạnh, hữu ích của thế giới. Dần dần nhiều người biết hơn về xu hướng này bởi vì những người từng đi gap year đều thấy quý thời gian đó và không hối tiếc.
Tuy nhiên, điều đầu tiên, muốn có một năm gap year thần tiên này, các bạn trẻ phải chắc chắn là trường bạn theo học cho phép sinh viên bảo lưu năm đầu, hoặc không thì hãy chấp nhận xin bố mẹ cho con một năm đi xả hơi rồi về cống hiến tiếp cho sự nghiệp học hành. Thủ khoa trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2013 - Nguyễn Thành Trung, cựu học sinh trường THPT Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An – cũng đã từng có 1 năm gap year. Năm 2012, em từng thi đỗ vào khoa Toán, trường ĐH Sư Phạm Hà Nội với số điểm 26,5. Nhưng sau 2 tháng học, Trung đã quyết định nghỉ học, về nhà ôn thi lại khi nhận ra môi trường học không phù hợp với bản thân, và giảng dạy không phải là nghề mà em thích thú. Trung chia sẻ những ngày tháng “khó khăn” sau khi phải đối mặt với gia đình, bạn bè: “Bố mẹ em đã phát hoảng. Mọi người trong gia đình khuyên em không được đã la mắng. Bạn bè của em cũng phản đối, thậm chí một số bạn còn cho rằng em… bị hâm khi bỏ lỡ một cơ hội tốt. Bố mẹ em cho rằng hành động nghỉ học của em là điên rồ, là khác người nên em áp lực trong em thời điểm đó khá lớn. Khoảng 2 tuần đầu, đã có những lúc em bị stress do quá căng thẳng”. Khoảng hơn 1 tháng sau, thấy Trung có quyết tâm và nghị lực, bố mẹ em cũng dần cũng hiểu. Thời gian ở nhà, mỗi ngày em dành khoảng 6 đến 8 tiếng để học tập, thời gian rảnh còn lại phụ giúp việc nhà.

Nếu con bạn muốn “gap year”, bạn sẽ đồng ý? - Ảnh 4

Nếu con bạn muốn “gap year”, bạn sẽ đồng ý? - Ảnh 5

Ngoài ra, không phải ai cũng có đủ khả năng để tận hưởng gap year này, nhất là với sinh viên gia cảnh khó khăn. Đến tận bây giờ, phần lớn các sinh viên chấp nhận một năm trì hoãn trên thế giới đều đến từ nhiều gia đình có của ăn của để. Bên cạnh đó, nếu như không có một kế hoạch cụ thể rõ ràng cho cả năm trì hoãn, Gap Year cũng không phải là thứ dành cho mọi bạn trẻ. Nói chung, nếu trẻ là người bừa bộn, sống tự phát thì thường các bậc phụ huynh không nên "đú"yên tâm cho con em gap year. 
Tuy rất ủng hộ gap year nhưng ThS. Nguyễn Diệp Quý Vy (giảng viên ĐH KHXH&NV TP.HCM) lưu ý: “Với người Việt thì chuyện học hành và bằng cấp là vô cùng quan trọng, vì thế rất dễ hiểu việc người lớn lo lắng, bất an khi thấy con mình gap year. Cá nhân tôi chỉ ủng hộ những bạn có kế hoạch gap year rõ ràng, cụ thể và lý giải được vì sao cần tham gia hoạt động này. Người trẻ cũng cần lưu ý đến yếu tố kinh tế. Đôi khi chúng ta cũng cần một giải pháp linh hoạt hơn (chẳng hạn tranh thủ thời gian rảnh để rèn luyện kỹ năng, học những môn mình thích...) vì không phải lúc nào cũng phải sống chết làm điều chúng ta muốn”.
Ông Vũ Hải Đăng - quản lý truyền thông Hội đồng Anh tại Việt Nam – thì cho biết gap year nếu được áp dụng một cách đúng đắn sẽ có những “điểm cộng” nổi trội mà không trường lớp nào có được. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Việt Nam không phải là Mỹ hay phương Tây. “Chúng ta còn quá thiếu những định hướng và hỗ trợ một cách quy củ cho người trẻ nên họ có thể bơ vơ, lạc lối khi tham gia gap year. Nếu không khéo, gap year qua đi sẽ để lại những “lỗ hổng” (gap) về kiến thức, kỹ năng và nhất là bào mòn sự tự tin trong bạn trẻ khi quay lại nhịp sống trường lớp”.

Những lý do nên khuyến khích con bạn gap year
1.    Thời gian để nghỉ ngơi
Cắm đầu vào việc học tập với chương trình học như ở Việt Nam khiến trẻ kiệt sức và mỏi mệt, quyết định gap year được xem như là thời gian để trẻ hồi phục năng lượng, sự hứng thú của bản thân, có thêm những người bạn mới.
2.    Có những trải nghiệm mới
Gap year là cơ hội giúp các bạn trẻ trải nghiệm bản thân không theo bất kỳ một khuôn phép nào. Trẻ có thể gặp gỡ những con người xa lạ, đi đến những vùng đất mình chưa từng đặt chân đến và trải qua những tình huống hay ho không đoán trước. Chuyến gap year rất có thể sẽ dạy cho những cô cậu ấm vốn được nuông chiều cách phải thay bánh xe khi bị xẹp lốp hoặc tự mình dựng lều khi đêm buông xuống…
3.    Hiểu được giá trị đồng tiền
Nhiều bạn trẻ dành khoảng thời gian gap year để làm thêm. Tìm kiếm một công việc được trả lương và dành dụm tiền từ nó. Trẻ sẽ học hỏi không ít kinh nghiệm khi làm việc. Hơn nữa, kinh nghiệm từ việc đi làm cũng khiến sơ yếu lý lịch và đơn nhập học vào ngôi trường mơ ước của bạn trẻ trở nên hấp dẫn hơn.  
4.    Theo đuổi đam mê
Trẻ có một niềm yêu thích riêng biệt nào không? Chẳng hạn về nấu ăn, nghệ thuật, viết lách hay thậm chí leo núi? Nếu câu trả lời là có thì gap year là cơ hội vàng cho con bạn toàn tâm toàn ý tập trung làm những điều mình thích. Khoảng thời gian 12 tháng của gap year chắc chắn đủ dài để con bạn sống với đam mê và học được nhiều từ đó. Biết đâu chừng trẻ sẽ tìm được đam mê thực sự của mình và biết phải lựa chọn con đường đúng đắn để đi.
5.    Hiểu được ý nghĩa của cuộc sống
Trong quá trình đi làm thêm, đi tình nguyện hay đi du lịch, trẻ sẽ được chứng kiến và tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh sống khác nhau. Những sở thích phù phiếm có thể sẽ biến mất hoàn toàn khi con bạn trở về. Thay vào đó, trẻ sẽ tự biết cách tìm thấy niềm vui trong lao động, trong học tập.

Một số thông tin có thể bạn muốn biết
Ở Mỹ, các trường đại học như Princeton University, Harvard University, Amherst College, Massachusettes Institute of Technology và Reed College luôn đưa nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên khi họ phải hoãn việc nhập học cho kỳ gap year.
Úc là quốc gia luôn nằm trong “Top Offers” đối với “dân”gap year, đồng thời cũng là một trong những quốc gia có số lượng cựu học sinh đi gap year lớn nhất.

5 điều cần chuẩn bị nếu muốn gap year
1.    Tự đặt câu hỏi
Hãy đề nghị con bạn tự đặt ra, suy nghĩ thật kỹ và trả lời thấu đáo cho những câu hỏi: “Tôi là ai?” , “Tôi có những khả năng gì?”, “Tôi muốn mình sẽ trở thành người như thế nào?”, “Những điều gì trong cuộc sống mà tôi muốn đạt được?”, “Điều gì là quan trọng nhất đối với tôi?”. Khi trẻ biết chính xác điều bạn muốn trong cuộc sống, trẻ sẽ biết cần đi đâu và làm gì để đạt được chúng.
2.    Xác định hướng đi
Hãy lập kế hoạch thật cụ thể, hãy khảo sát thật kỹ càng những nơi mà trẻ muốn tới, những ai mà trẻ muốn gặp, những công việc nào mà trẻ muốn trải nghiệm. Hãy tham khảo kinh nghiệm của những người đi trước, tìm hiểu về văn hóa địa phương cũng là một trong những điều quan trọng.
3.    Một chiếc máy ảnh và một cuốn sổ tay
Để trẻ có thể ghi chú lại tất cả những điều thú vị và có ích cho trẻ trong suốt quá trình trải nghiệm. Bởi vì gap year không phải là một chuyến “du lịch” đơn thuần, nó chính là một chuỗi những bài học cuộc sống phong phú, sống động và những ai thành công là những người biết vận dụng nó cho công việc và cuộc sống sau này của mình.
4.    Chuẩn bị nguồn tài chính 
Hãy liệt kê tất cả những khả năng và những công việc trẻ có thể làm để có đủ kinh phí trang trải và phục vụ cho “một năm được trì hoãn”. Điều này cũng góp phần làm phong phú hơn hồ sơ kinh nghiệm của các bạn trẻ.
5.    Liệt kê những nguồn lực có thể hỗ trợ 
Một danh sách những địa chỉ tin cậy, một số người quen thân, các tổ chức của chính phủ hoặc phi chính phủ… mà trẻ có thể trông cậy sự trợ giúp khi cần thiết. Điều này sẽ giúp con bạn biết gõ cửa và tìm đến đâu khi có thể gặp sự cố ngoài ý muốn.


Ninh Vũ Nhu